2 tháng đầu năm 2025, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với cùng kỳ
- Phan Vũ
- •
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công tháng 2 năm 2025 tuy có sự tăng mạnh so với tháng 1 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2024.
Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp
Cụ thể, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 2 ước đạt 60.423,8 tỷ đồng, đạt 6,9% kế hoạch và đạt 7,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2024 (đạt 7,7% kế hoạch và đạt 8,07% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Nếu so với tháng 1 năm 2025, tỷ lệ giải ngân của tháng 2 đã có sự tăng mạnh. Trong tháng 1, cả nước mới giải ngân được 10.382,3 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 1,18% kế hoạch, đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này chưa bằng một nửa cùng kỳ năm 2024 (đạt 2,46% kế hoạch và đạt 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước tính tỷ lệ giải ngân đạt 8,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương cùng kỳ năm ngoái đạt 8,36%.
Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương lại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khi mới đạt 5,6% (cùng kỳ năm 2024 là 7,52%).
Báo cáo Bộ Tài chính chỉ ra, hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa giải ngân vốn đầu tư công (27 bộ, ngành); hoặc giải ngân thấp (26 bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 5%) trong những tháng đầu năm 2025. Chỉ có 4 bộ, ngành và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt theo báo cáo của Bộ Tài chính, đó là: Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), Bộ Công an (12,67%), Thành phố Huế (22,97%), Tiền Giang (27,62%), Vĩnh Phúc (21,49%), Tuyên Quang (21,26%), Hòa Bình (20,95%)….
Vẫn còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện
Báo cáo của Bộ Tài chính đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ giải ngân chậm trong 2 tháng đầu năm, đó là:
Một số bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025 (tính đến thời điểm báo cáo còn khoảng 77.635,9 tỷ đồng, chiếm 9,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó, chủ yếu số vốn chưa phân bổ dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Một số bộ, ngành đã phân bổ chi tiết cho các dự án không đủ điều kiện (như chưa được phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chưa có quyết định đầu tư, bố trí vượt tổng mức đầu tư đã duyệt, vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vượt thời gian bố trí vốn,…).
Ngoài ra là những khó khăn vướng mắc khác trong tổ chức thực hiện. Cụ thể, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công các dự án còn chậm do chưa đạt được thỏa thuận đối với người dân, chậm bàn giao mặt bằng; xác định nguồn gốc đất của các hộ gặp nhiều khó khăn do chuyển nhượng nhiều lần nên mất thời gian…
Năng lực của ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn làm công tác đầu tư tại các cấp huyện, xã còn hạn chế nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, quản lý dự án dẫn đến chất lượng tham mưu chưa cao.
Nguồn cung một số nguyên vật liệu hạn chế (đất, cát đắp…). Giá nhiều nguyên vật liệu tăng đột biến so với thời điểm mời thầu làm tăng chi phí dự án…
Từ khóa giải ngân vốn đầu tư công bộ tài chính
