Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam công bố hơn 1,13 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Riêng trong quý 2/2021 có hơn 1,18 triệu người thất nghiệp, tăng hơn khoảng 90.200 người so với quý trước. 

lao dong bi anh huong dich covid 19
Nửa đầu năm 2021, gần 2,3 triệu người thất nghiệp và thiếu việc làm. (Ảnh minh họa: CTV/Trí thức VN)

Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, xu hướng chung là tỷ lệ thất nghiệp của quý 2 cao hơn quý 1, và tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (từ 15-60 tuổi đối với nam, từ 15-55 tuổi đối với nữ) là 45,2 triệu người, giảm 90.800 người người so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, với tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi trong 6 tháng đầu năm ước tính là 2,52%, tương ứng hơn 1,13 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý 2/2021 ước tính là 45,1 triệu người, giảm 50.200 người so với quý trước. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2/2021 là 2,62% – tăng 0,2% so với quý 1 (2,42%), là tương ứng hơn 1,18 triệu người thất nghiệp, cao hơn khoảng 90.200 người so với quý trước.

3,07% lao động trong độ tuổi lao động tại thành thị thất nghiệp, trong khi tỷ lệ này tại khu vực nông thôn là 1,86%.

Tính riêng nhóm thanh niên (từ 15-24 tuổi), tỷ lệ thất nghiệp trong 6 tháng ước tính là 7,45%; trong đó khu vực thành thị là 9,97%, khu vực nông thôn là 6,22%.

“Số thanh niên từ 15 – 24 tuổi thất nghiệp trong quý 2 là hơn 389.000 người, chiếm 31,8% tổng số người thất nghiệp”, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, VTV dẫn tin.

Đối với vấn đề thiếu việc làm, tính chung trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ này của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,58% (tăng 0,25% so với cùng kỳ năm ngoái), tương ứng hơn 1,16 triệu người. Tỷ lệ này tiếp tục có xu hướng cao hơn tại khu vực thành thị, là 2,64%, cao hơn 0,1% so với khu vực nông thôn là 2,54%.

“Như vậy tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm là kém khả quan. Thị trường đang trên đà phục hồi vào cuối năm 2020 đã chịu tác động tiêu cực từ 2 làn sóng COVID-19 tháng 1 và tháng 4 năm nay”, ông Nam cho biết.

Về đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho rằng do các địa phương vẫn thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội, có nhiều hình thức tạo việc làm, trợ cấp nên “đời sống của nhân dân nhìn chung vẫn được giữ ổn định”.

Về chi cho an sinh xã hội, cơ quan này cho biết 6.906 tỷ đồng đã chi trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, 2.540,9 tỷ đồng chi cho nhóm người có công, thân nhân người có công; 1.354,7 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; 1.958,4 tỷ đồng hỗ trợ cứu đói và các nhóm bảo trợ xã hội; 1.052 tỷ đồng hỗ trợ các nhóm khác. Hơn 30 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng…

5 tháng đầu năm 2021: Trung bình mỗi tháng, gần 12.000 doanh nghiệp phải đóng cửa

Hiện Việt Nam đang chuẩn bị đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, khi đợt dịch lần 4 kéo dài từ ngày 27/4 và chưa kết thúc.

Tại phiên họp Chính phủ ngày 29/6, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến chi hỗ trợ nhóm bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền; hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất.

Đối với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng do Chính phủ đưa ra từ tháng 4/2020, Bộ này cập nhật đến cuối tháng 5/2021, mới giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng (khoảng 22%) cho 13,2 triệu người; trong đó trên 1.000 tỷ đồng cho hơn 1 triệu lao động tự do, gần 38 tỷ đồng cho hơn 37.000 hộ kinh doanh…

Gói vay không lãi suất hơn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương (trong gói 62.000 tỷ trên) chỉ giải ngân được 0,26%. Chỉ 245 doanh nghiệp tiếp cận được với số tiền 42 tỷ đồng.

Lý giải về tình trạng giải ngân thấp, Bộ này cho rằng do dự báo số người bị ảnh hưởng tương đối lớn (gần 20 triệu người), thời gian hỗ trợ dài (dự kiến 3 tháng, từ tháng 4-6/2020), nhưng cuối tháng 5 đã kiểm soát được dịch bệnh nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần khôi phục. Hầu hết nhóm lao động, hộ kinh doanh chỉ được hỗ trợ trong tháng 4. Mức hỗ trợ thấp nên nhiều hộ không “mặn mà”. Còn với nhóm lao động tự do thì việc lập danh sách gặp khó khăn; nhiều người không đủ điều kiện xét hỗ trợ vì đi làm trong doanh nghiệp nhưng không có hợp đồng…, Vnexpress đưa tin.

Nguyễn Minh 

Xem thêm:

TP.HCM kiến nghị giảm 50% tiền điện, tiền thuê đất cho doanh nghiệp