8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập siêu 3,71 tỷ USD
- Nguyễn Minh
- •
Sau 4 tháng đầu xuất siêu 1,63 tỷ USD, từ tháng 5 trở lại, Việt Nam liên tục thâm hụt thương mại, lũy kế trong 8 tháng/2021 lên 3,71 tỷ USD.
Việt Nam hiện nhập siêu lớn nhất từ thị trường Trung Quốc, 39,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là từ Hàn Quốc 20,7 tỷ USD, tăng 28,9%…
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước.
Nhờ mức tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm nên tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng dương, ở mức 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu 212,55 tỷ USD, tăng 21,2%; nhập khẩu 216,26 tỷ USD, tăng 33,8%; tức nhập siêu 3,71 tỷ USD.
Về xuất khẩu, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa là 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước (tháng 7/2021 đạt 27,86 tỷ USD) và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,94 tỷ USD, giảm 9,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,26 tỷ USD, giảm 4,5%.
Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 2,29 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 189,28 tỷ USD, tăng 22,5%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 15,4 tỷ USD, tăng 14,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 5,58 tỷ USD, tăng 7,1%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,8%. Thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%. Thị trường ASEAN đạt 18,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,9%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,6%.
Về nhập khẩu, trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước (tháng 7/2021 đạt 29,11 tỷ USD) và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 76,05 tỷ USD, tăng 29,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 140,21 tỷ USD, tăng 36,4%. Trong 8 tháng năm 2021 có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 204,16 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 96,6 tỷ USD, tăng 27,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 107,56 tỷ USD, tăng 41,6%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 12,1 tỷ USD, tăng 24%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 72,5 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 34,6 tỷ USD, tăng 20,5%. Thị trường ASEAN đạt 28,2 tỷ USD, tăng 47,4%. Nhật Bản đạt 14,5 tỷ USD, tăng 13,7%. Thị trường EU đạt 11 tỷ USD, tăng 17,1%. Hoa Kỳ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,3%.
Trong 8 tháng qua, Việt Nam nhập siêu 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,65 tỷ USD.
Thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất trong 8 tháng qua là Trung Quốc 39,8 tỷ USD, tăng 81%. Kế đến là từ Hàn Quốc 20,7 tỷ USD, tăng 28,9%; từ ASEAN 9,8 tỷ USD, tăng 133,4%. Cùng thời gian, giá trị xuất siêu sang EU đạt 15,1 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam duy trì xuất siêu, cán cân thương mại 1,63 tỷ USD. Liên tiếp từ tháng 5 tới nay, cán cân thương mại chuyển hướng nhập siêu, ước tính thâm hụt 3,71 tỷ USD; ngược với con số xuất siêu 13,69 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020. Tại thời điểm tháng 5/2021, theo báo Pháp luật Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lý giải nguyên nhân chuyển hướng sang nhập siêu gồm: Thứ nhất, do hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất để xuất khẩu thành phẩm (linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày…) Thứ hai, tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, do nhiều vướng mắc trong vận chuyển hàng hóa; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm… khiến cho kim ngạch XK có phần bị chững lại. Thứ ba, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác… giảm do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng do dịch bệnh lây lan vào các khu công nghiệp. Tới nay, phạm vi ảnh hưởng này không chỉ tại Bắc Ninh, Bắc Giang, mà đã ảnh hưởng rộng tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… |
Nguyễn Minh
Xem thêm:
DN cần được miễn phí công đoàn: ‘Ngừng sản xuất, có DN lỗ trung bình 10 tỷ đồng/tháng’
Từ khóa Nhập siêu dịch bệnh tác động đến kinh tế