Ông Sunil Barthwal, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, tuyên bố vào ngày Thứ Ba (15/4) rằng chính phủ của ông đã “quyết định theo đuổi một con đường tự do hóa mậu dịch với Hoa Kỳ“.

54327769385 f0ac5aba23 k
Tổng thống Donald J. Trump tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, vào thứ Năm, ngày 13 tháng 2 năm 2025. (Ảnh Joyce N. Boghosian/Nhà Trắng)

Hiện tại Ấn Độ có cả những mối quan ngại lẫn cơ hội liên quan đến các mức thuế quan hiện hành, nhưng Ấn Độ đã chọn một lối đi, đó là thúc đẩy tự do mậu dịch với Hoa Kỳ”, ông Barthwal phát biểu.

Bộ Thương mại Ấn Độ cho hay các cuộc đàm phán từ xa với Hoa Kỳ để tiến đến một thỏa thuận thương mại sẽ bắt đầu vào tháng Tư, tiếp theo là vòng đàm phán trực tiếp vào tháng Năm.

Ông Barthwal nói rằng các đại diện của Hoa Kỳ và Ấn Độ đã ký kết “[văn kiện quy định] các điều khoản tham chiếu” trong ngày Thứ Ba (15/4) nhằm tổ chức các cuộc thương thuyết về hiệp định thương mại song phương vốn đã được hình thành từ cuộc hội kiến giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi hồi tháng Hai.

Các quan chức Ấn Độ và Hoa Kỳ cho biết các cuộc đàm phán đang đi theo đúng tiến độ nhằm hoàn tất giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thương mại vào tháng Mười năm nay. Ông Barthwal nhấn mạnh rằng “sẽ tốt đẹp hơn nữa cho cả hai quốc gia” nếu tiến trình có thể hoàn thành sớm hơn.

Kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ dự đoán rằng nội các của ông Modi “khó có khả năng đồng ý với chiến lược thuế quan bằng không với Washington”, thay vào đó họ ưa chuộng một “thỏa thuận trọn gói về thuế quan và rào cản phi thuế quan“.

Vấn đề với chiến lược thuế quan bằng không theo quan điểm của phía Ấn Độ là nước này có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ, nên họ cần duy trì một số mức thuế nhất định để bù đắp cho sức mua thấp hơn của người tiêu dùng.

Một số nhà phân tích Ấn Độ đã đề nghị mức thuế bằng không đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ để đổi lại việc được hưởng mức thuế quan bằng không cho một số mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ. Chẳng hạn, Ấn Độ muốn Hoa Kỳ hạ thuế đối với các sản phẩm sử dụng nhiều nhân công như hàng dệt may và hóa chất, trong khi phía Hoa Kỳ mong muốn giảm thuế đối với các sản phẩm công nghiệp, ô tô và hàng nông sản xuất khẩu của mình.

Ấn Độ đang vượt xa các nước khác trong việc đàm phán một thỏa thuận thương mại [với Hoa Kỳ]“, một viên chức Ấn Độ quả quyết với NDTV.

Những lời đề nghị thương mại ban đầu của Ấn Độ đối với ông Trump bao gồm đề nghị mua thêm dầu khí và thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ – một hướng đi mà ông Trump từng cho là có thể đưa Ấn Độ trở thành quốc gia không thuộc khối NATO đầu tiên được phép sở hữu chiến đấu cơ F-35.

Tổng thống Trump từng chỉ trích Ấn Độ khá gay gắt, gọi nước này là “quốc gia lạm dụng thuế quan” và là “vị vua thuế quan”, những lời chỉ trích mà New Delhi hầu như chấp nhận trong khi dựa vào tình bạn giữa ông Modi và ông Trump để duy trì các cuộc đàm phán.

Mặt khác, Ấn Độ cũng nhìn vào mặt tích cực khi nhìn nhận rằng việc ông Trump ném bom thuế quan vào Trung Quốc có thể tạo ra “cơ hội ngàn năm có một” cho các ngành công nghiệp Ấn Độ. Cả các quan chức Mỹ và Ấn Độ đều bày tỏ sự hài lòng với tiến độ đàm phán mỗi khi được ký giả hỏi tới.

Tờ The New York Times (NYT) hôm Thứ Ba (15/4) cho rằng các viên chức Ấn Độ có thể đang lạc quan hơi quá mức trước cơ hội do các biện pháp thuế quan của ông Trump tạo ra để vượt qua Trung Quốc, bởi lẽ Ấn Độ hiện chưa đủ điều kiện để tận dụng triệt để cơ hội đó.

Dù đang phát triển nhanh chóng, nền kinh tế Ấn Độ vẫn chỉ bằng một phần năm so với quy mô nền kinh tế Trung Quốc; hạ tầng cơ sở còn lạc hậu, lực lượng lao động có tay nghề còn thiếu hụt, và quy mô ngành sản xuất của Ấn Độ đang thu hẹp so với khu vực dịch vụ và nông nghiệp – bất chấp nỗ lực không ngừng của ông Modi nhằm biến quốc gia thành một cường quốc sản xuất.

Ông Anil Bhardwaj, Tổng Thư ký một hiệp hội sản xuất tại Ấn Độ, đã có một nhận định đáng chú ý rằng hệ thống tư pháp của tòa án Ấn Độ cần được cải thiện trước khi ngành sản xuất tại Ấn Độ có thể đạt đến cấp độ tiếp theo. Theo ông Bhardwaj, tòa án tại Ấn Độ thường xử lý chậm chạp và tùy tiện, khiến các doanh nghiệp nhỏ sợ mở rộng quy mô và có khả năng bị các tập đoàn lớn hơn thù địch.

Bất kỳ [vụ tranh chấp đơn lẻ] nào cũng có thể trở thành tử huyệt đối với một doanh nghiệp nhỏ, vì vậy họ tránh phát triển và [vô tình] đánh mất cơ hội đạt được hiệu suất theo quy mô”, NYT nhận định. 

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn có một số thành quả sản xuất đáng ghi nhận, trong đó có cụm doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh iPhone đạt năng suất cao. Riêng khu vực Tamil Nadu của Ấn Độ hiện đang sản xuất gần 20% số lượng iPhone trên toàn cầu, và các nhà phân tích Ấn Độ tin rằng con số đó có thể sớm tăng lên 30% trong thời gian tới.

Thiên Vân, theo Breitbart News