Bằng chứng đầu tiên về cơn đại hồng thủy của Trung Hoa 4.000 năm trước
Theo chuyện cổ nổi tiếng “Đại Vũ trị thuỷ”, đã có một trận đại hồng thuỷ ở Trung Quốc vào khoảng 4000 năm trước. Một nhân vật phi phàm tên là Đại Vũ đã bỏ 13 năm cố gắng kềm chế lũ, cuối cùng đã thành công và được vua Thuấn nhường ngôi, lập ra triều đại đầu tiên của Trung Quốc – nhà Hạ. Ngày nay, một nhóm nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về một trận đại hồng thuỷ xảy ra vào cùng thời điểm của truyền thuyết này.
Xem thêm: Truyền thuyết Đại Vũ trị thủy: Thuần hóa sông Hoàng Hà, khai Long Môn
Một trận động đất dẫn tới đại hồng thuỷ
Báo cáo này được công bố trên tạp chí Science vào ngày 5/8, trong đó, Tiến sĩ Ngô Thanh Long từ Đại học Sư phạm Nam Kinh đã mô tả lại những bằng chứng và đưa ra suy đoán diễn biến của trận đại hồng thuỷ.
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng của một vụ động đất lớn, gây đổ đất đá chắn ngang hoàn toàn hẻm Tích Thạch trên sông Hoàng Hà, đoạn qua tỉnh Thanh Hải. Vụ lở đất này đã tạo thành một con đập tự nhiên cao 200m, làm cho nước sông tích lại thành hồ lớn trong khoảng 6-9 tháng. Sau đó, con đập khổng lồ này bị vỡ và khối nước khổng lồ tràn xuống vùng hạ lưu, gây ra trận lụt khủng khiếp.
“Để dễ hình dung, thiên tai này ngang bằng với cơn lũ mạnh nhất từng được đo đạc trên sông Amazon lớn nhất thế giới. Nó nằm trong hàng những cơn lũ khủng khiếp nhất từng xảy ra trên Trái Đất trong 10.000 năm qua, và mạnh hơn 500 lần so với một cơn lũ lớn bình thường trên sông Hoàng Hà,” đồng tác giả Darryl Granger, nhà địa chất học ĐH purdue cho biết trong một cuộc hội thảo qua điện thoại để thảo luận về báo cáo. “Vì vậy cơn lũ hung bạo này thực sự là một thảm hoạ cho những ai sống ở hạ lưu sông Hoàng Hà.”
Tại phía trên hẻm Tích Thạch, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những mẫu trầm tích tương tự như loại thường thấy ở lòng hồ được xây đập. Còn ở dưới vùng hạ lưu, TS. Ngô và nhóm của mình đã tìm thấy một dải trầm tích rộng, phù hợp với giả thuyết rằng lũ đã cuốn chúng xuống hạ lưu hẻm Tích Thạch và vào vùng lưu vực Quan Đình.
“Tại nơi sông Hoàng Hà chảy vào lưu vực quan Đình, trầm tích dày tới 20m và có cả đá tảng đường kính tới 2m,” theo báo cáo nhóm nghiên cứu. Dựa trên những thông số thu thập được, ước tính cơn lũ đã đạt sức mạnh tới 300.000-500.000 mét khối nước/ giây.
Trầm tích của cơn lũ đã tràn vào các khe nứt do động đất gây ra ở vùng đất Lạc Gia, nhờ đó TS. Ngô Thanh Long và đồng sự đã biết được trận lụt xảy ra không lâu sau động đất.
Khi xét nghiệm đồng vị cacbon các mẫu di thể tìm thấy ở Lạc Gia – vốn tử vong do trận động đất, các nhà khảo cổ đã đạt được kết quả là năm 1922 TCN. Điều này trùng với độ tuổi của than trong mẫu trầm tích: 2129-1770 TCN.
Như vậy, con số này là muộn hơn khoảng 300 năm so với thời điểm trong truyền thuyết (khoảng 2200 TCN).
Truyền thuyết được khẳng định rõ nét hơn
Theo truyền thuyết về Đại Vũ, nạn lụt kéo dài trong 22 năm ở vùng miền Bắc và Trung của Trung Quốc, sau đó là sự ra đời của nhà Hạ vào khoảng năm 2200 TCN. Phải mất 1.000 năm sau thì truyền thuyết này mới được ghi chép trong sử sách, cũng vì vậy mà có nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ sự tồn tại của triều đại này.
“Logic của chúng tôi là như thế này: Nếu việc nhà Hạ ra đời là gắn liền với Đại Hồng Thuỷ, thì giờ chúng ta đã có bằng chứng về một sự kiện có thể xem như cơn lũ lớn đó. Nếu Đại Hồng Thuỷ thực sự đã xảy ra, thì có lẽ nhà Hạ cũng đã tồn tại. Vì cả hai đều trực tiếp có quan hệ với nhau,” theo David Cohen, đồng tác giả báo cáo, nhà khảo cổ học tại ĐH Quốc gia Đài Loan.
Từ khóa truyền thuyết lũ lụt Đại Vũ trị thuỷ Đại Hồng Thuỷ sông Hoàng Hà Nghiên cứu khoa học