Bộ Công thương phê duyệt giá tạm thời với 15 dự án điện gió, điện mặt trời
- Đức Minh
- •
Trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực (EVN) dự báo thiếu điện, Bộ Công thương cho biết đến nay có thêm 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp được phê duyệt mức giá tạm thời (bằng 50% khung giá, tương đương khoảng 750 – 910 đồng/kWh). Tuy vậy chủ đầu tư cũng chưa hòa lưới điện được ngay nếu còn thiếu thủ tục pháp lý, vốn là vấn đề gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bộ Công thương vừa phê duyệt giá tạm tính cho 15 nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp, công suất 1.200 MW và số này đang hoàn thiện thủ tục, kỹ thuật để phát lên lưới, theo báo Vnexpress.
Ngày 20/5, ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết giá tạm tính của các dự án được áp dụng cho tới khi EVN và các chủ đầu tư đạt được thỏa thuận giá chính thức.
“Giá tạm tính các dự án bằng 50% so với khung giá cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp của Bộ Công thương. 15 dự án này đang hoàn tất hồ sơ để phát điện lên lưới”, ông Hòa cho biết.
Theo khung giá điện của Bộ Công thương, giá mua điện các dự án chuyển tiếp dao động 1.508-1.816 đồng một kWh, giá tạm tính của các dự án trên khoảng 754 – 908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Theo Tuổi Trẻ, các nhà máy đã được các bên thống nhất mức giá điện tạm thời bao gồm: Nam Bình 1, An Viên, Hưng Hải Gia Lai, Hnbaram, Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3; Hiệp Thạch, Hướng Hiệp 1.
Với 15 dự án đã thống nhất được giá tạm, không phải chủ đầu tư nào cũng đáp ứng được đầy đủ hồ sơ pháp lý, hoặc có những dự án chỉ có một phần công suất đáp ứng được yêu cầu thủ tục liên quan.
Theo thống kê, mới chỉ có 16/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chiếm khoảng 18,8%) đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực, 12 nhà máy đã được chủ đầu tư nộp hồ sơ và đang hoàn thiện hồ sơ.
Từ khóa bộ công thương điện mặt trời nhà máy điện gió Điện lực Việt Nam