Bộ Tài chính: Doanh nghiệp điêu đứng khi lãi suất tăng vọt, trái phiếu mất niềm tin
- Tuấn Minh
- •
Bức tranh thị trường tài chính Việt Nam đang có nhiều tín hiệu xấu khi chứng khoán tiếp chuỗi lao dốc, lãi suất vay tăng vọt, còn kênh huy động trái phiếu dần đánh mất niềm tin khi ngân hàng bị cáo buộc lừa đảo. Nhiều video cho thấy người dân biểu tình căng băng rôn đòi ngân hàng SCB trả lại tiền cho người mua trái phiếu. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng các vụ án liên quan đến Tân Hoàng Minh, FLC, An Đông và ngân hàng SCB khiến “thị trường liên tục chao đảo”.
Tại cuộc họp ngày 23/11 với 7 Công ty chứng khoán (CTCK) và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: “Thị trường chứng khoán vừa trải qua một thời kỳ sụt giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư đối với trái phiếu, cổ phiếu xuống thấp”.
Bên cạnh đó, “Tình hình của doanh nghiệp hiện nay có những khó khăn, sức sản xuất, kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng”, ông Phớc nói.
Bộ trưởng Phớc nêu, riêng chỉ số VN-Index mất 600 điểm, tương đương giảm 38% so với đầu năm 2022. Trên thực tế, nhiều cổ phiếu mất tới 70% giá trị và vấn đề thanh khoản rất hạn chế.
Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ và lãi suất huy động tăng cao trên 10%/năm. Như vậy có thể thấy nguồn tín dụng bị thắt chặt. Còn đối với thị trường bất động sản, sau thời gian tăng trưởng nóng thì hiện đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng, do thiếu vốn, cũng như niềm tin của thị trường suy giảm,…
Tại buổi họp, theo ông Nguyễn Vũ Long – Tổng giám đốc của CTCK VNDirect, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp. Cụ thể, trong quý 4/2022 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.
Các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết “room” tín dụng từ giữa quý 2, đầu quý 3/2022. Còn thị trường cổ phiếu thì gần đây rất khó khăn.
Bà Trần Thị Thu Trang – Phó Tổng Giám đốc CTCK Kỹ thương (Techcom) cho biết sắp tới lượng trái phiếu đáo hạn lớn, tạo áp lực cho doanh nghiệp trong khi họ chưa có khả năng tìm được nguồn vốn bù đắp hoặc cơ cấu lại các khoản nợ của mình.
Ý kiến về vấn đề này, bình luận được nhiều lượt thích nhất trên tờ Vnexpress nêu: “Doanh nghiệp bất động sản phải bán tài sản để thanh toán cho nhà đầu tư chứ không thể bơm tiền vào thêm nữa vì hiện nay các doanh nghiệp khác đang thiếu vốn làm ăn phải ưu tiên cho các đơn vị này”.
Bạn đọc tvquangtruong: “Đồng tình quan điểm, các công ty bất động sản phải hạ giá để bán thu dòng tiền về thanh toán cho nhà đầu tư, chứ không thể giữ nguyên giá bán hưởng lợi nhuận cao ngất, rồi chờ giải cứu. Các ngành sản xuất, các nhà máy, xí nghiệp cũng đang cần vốn để giữ việc làm, cần ưu tiên vốn hơn”.
Còn tài khoản tên Nguyen Thanh Lan cho rằng: “Giữ uy tín với nhà đầu tư trái phiếu hãy bằng hành động thiết thực: trả tiền cho những người mua trái phiếu”.
Người dân tố ngân hàng SCB lừa đảo tại nhiều tỉnh thành, xuống đường căng băng rôn
Theo ghi nhận của Trí Thức VN, thời gian một tháng qua, nhiều video người dân ghi lại cho thấy rất đông người đến chi nhánh ngân hàng SCB tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, v.v… hoặc tràn ra đường biểu tình đòi tiền vì cáo buộc ngân hàng SCB lừa đảo, thay vì tư vấn gửi tiết kiệm trở thành mua trái phiếu với khái niệm mập mờ “Tiết kiệm linh hoạt trái phiếu”.
Từ khóa bộ tài chính Thị trường chứng khoán Dòng sự kiện thị trường trái phiếu Bộ trưởng Hồ Đức Phớc