Bộ Tài chính: Thêm 34 vụ gian lận, thao túng giá chứng khoán
Ngoài vụ việc “Thao túng thị trường chứng khoán” của Công ty Louis Holdings bị khởi tố, Bộ Tài chính còn cho biết có 34 trường hợp vi phạm tương tự đã chuyển qua Cơ quan điều tra và đề nghị khởi tố 6 vụ việc.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng, liên quan đến những sai phạm trên thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu thời gian qua.
Cụ thể, trong văn bản trả lời, Bộ trưởng Tài chính cho biết thời gian qua thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021.
Đáng chú ý, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đã tăng bình quân trên 30%/năm trong giai đoạn 2019-2021.
Tổng mức huy động trên thị trường vốn (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, đấu giá cổ phần hóa) năm 2021 đã đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phớc thừa nhận thị trường cổ phiếu, chứng khoán phái sinh đã tồn tại các hiện tượng thao túng, làm giá chứng khoán.
Trong đó, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh thực tế, trong khi nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa bảo đảm, điển hình là vụ việc của Tập đoàn FLC và Công ty Louis Holdings.
Bên cạnh việc nhà đầu tư chưa nắm vững kiến thức, một số tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, kiểm toán, thẩm định giá…) chưa tuân thủ quy định trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết các doanh nghiệp này đã và đang bị cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm. Trong đó, điển hình là vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Ngoài ra, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn cho mục đích không rõ ràng cũng tiềm ẩn rủi ro với thị trường.
Trước đó, theo Bộ Tài chính, riêng năm 2022, số tiền đến hạn trả nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp lên đến 144.500 tỷ đồng (khoảng 6,2 tỷ USD), rủi ro đến từ lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ lệ lớn nhất với 43,2%.
Trong giai đoạn năm 2022 – 2024, tổng số nợ trái phiếu mà các doanh nghiệp phát hành phải trả lên đến hơn 700.000 tỷ đồng (khoảng 30,1 tỷ USD).
Riêng năm nay, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ lệ cao nhất đến 43,2% (khoảng 62.400 tỷ đồng); các tổ chức tín dụng chiếm 20,2% (khoảng 29.100 tỷ đồng).
Đến năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271.400 và 329.500 tỷ đồng.
Trong đó, trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho hay ngoại trừ trường hợp các trái phiếu bị hủy trong vụ Tân Hoàng Minh, theo báo cáo của các tổ chức phát hành tại Sở Giao dịch chứng khoán, các doanh nghiệp vẫn đang thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Từ khóa bộ tài chính Dòng sự kiện thị trường tài chính thao túng chứng khoán