Theo tờ South China Morning Post (SCMP), giá trị thị trường của các công ty hàng xa xỉ châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề gần 240 tỷ USD trong những tháng gần đây, cùng với nền kinh tế Trung Quốc suy thoái ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng của các công ty hàng xa xỉ châu Âu trên thị trường chứng khoán có thể càng suy yếu hơn.

Burberry
(Ảnh: Dosdldyhai/ Wikimedia)

Các công ty sản xuất quần áo, túi xách và trang sức cao cấp từng được coi là câu trả lời của châu Âu trước “7 gã khổng lồ” (Big Seven) công nghệ của Mỹ, nhưng giá cổ phiếu của họ đã sụt giảm do sức tiêu thụ ì ạch. Đáng ngại hơn, có những dấu hiệu cho thấy những người Trung Quốc giàu có từng đổ xô đến các cửa hàng cao cấp ở Paris, Milan và Hồng Kông có thể sẽ không quay trở lại, nhu cầu mua hàng hóa giá cao của họ đã bị suy thoái kinh tế làm suy giảm.

Ông Flavio Cereda, nhà quản lý đầu tư tại Global Asset Management UK (GAM UK), cho biết: “Sự biến động trong năm nay lớn hơn và đau đớn hơn, vì nó xuất hiện sau khi tăng trưởng quá mức”. Ông đang đề cập đến giai đoạn ngay sau đại dịch COVID-19, khi người tiêu dùng được giải phóng khỏi lệnh phong tỏa và vung tiền mua sắm và du lịch.

Đối với thương hiệu xa xỉ Burberry Group của Anh, sự thất bại cuối cùng đã khiến tập đoàn này bị loại khỏi chỉ số FTSE 100 của London và giá trị thị trường của nó đã giảm 70% trong năm qua. Mặc dù Burberry là thương hiệu lớn duy nhất bị mất vị trí chỉ số, nhưng chỉ số cổ phiếu hàng xa xỉ do Goldman Sachs tổng hợp đã giảm 240 tỷ USD so với mức đỉnh vào tháng 3.

Tập đoàn Kering (chủ sở hữu của Gucci) và Hugo Boss bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mất gần một nửa giá trị trong năm qua. Kering, từng là một trong 10 cổ phiếu hàng đầu trong chỉ số CAC 40 của Pháp, hiện đứng thứ 23. Công ty khổng lồ trong ngành LVMH, chủ sở hữu của Moët Hennessy và Louis Vuitton, từng là công ty lớn nhất châu Âu tính theo vốn hóa thị trường vào năm ngoái. Hiện tại, công ty này đã tụt xuống vị trí thứ hai.

Tình trạng giảm phát của bong bóng tiêu dùng hậu COVID-19 đã được thể hiện rõ trong các báo cáo thu nhập gần đây. Kering, Burberry và Hugo Boss đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận, trong khi doanh thu hữu cơ hàng quý tại bộ phận hàng da quan trọng của LVMH chỉ tăng 1%, so với mức tăng 21% một năm trước đó. Chỉ những thương hiệu phục vụ giới siêu giàu, chẳng hạn như Hermès International và thương hiệu Ý Brunello Cucinelli, mới thoát khỏi gánh nặng do thu nhập sụt giảm.

Ông Flavio Cereda của Global Asset Management UK, người đồng quản lý một quỹ đầu tư vào cổ phiếu hàng xa xỉ, hy vọng doanh số bán hàng sẽ tăng trong năm tới ít nhất ở mức “trung bình một chữ số”, ông cho biết điều này thể hiện xu hướng dài hạn trong ngành.

Tuy nhiên, nếu doanh thu giảm và tỷ suất lợi nhuận thu hẹp trở thành tình trạng bình thường mới thì sao? Một số người cho rằng tình hình có thể đúng như vậy. Nhà phân tích Zuzanna Pusz của UBS đã mô tả triển vọng của ngành hàng xa xỉ là “sự suy giảm dài hạn”. Bà Zuzanna Pusz đã hạ dự báo về tăng trưởng doanh thu hữu cơ cho năm 2025 và nửa cuối năm 2024, và dự đoán rằng, “sau vài năm bùng nổ với mức giá cao, ngành hàng xa xỉ có vẻ như đang bước vào chu kỳ đặc thù của chính nó”.

Tin tức về tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc dường như cũng ủng hộ nhận định này. Theo Bloomberg, Tiffany & Co., thương hiệu trang sức cao cấp thuộc sở hữu của Tập đoàn LVMH, đang tìm cách giảm một nửa quy mô cửa hàng hàng đầu ở Thượng Hải. Các trung tâm mua sắm sang trọng ở Hồng Kông, nơi từng thu hút khách du lịch Trung Quốc Đại Lục chi tiêu cao, giờ đây cũng thưa thớt người. Tại Thụy Sĩ, các nhà sản xuất đồng hồ đang tìm kiếm viện trợ nhà nước để đối phó với tình trạng xuất khẩu sụt giảm.

Nhiều nhà phân tích lặp lại quan điểm của bà Zuzanna Pusz, hạ thấp dự báo về lợi nhuận và giá cổ phiếu của họ. Bà Ashley Wallace, nhà phân tích vốn cổ phần tại Bank of America, cho biết kỳ vọng đồng thuận trong nửa cuối năm có thể quá cao, trong khi ông Edouard Aubin, nhà phân tích vốn cổ phần tại Morgan Stanley, lưu ý rằng LVMH và Swiss Luxury dễ bị tổn thương trước sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc và đã cắt giảm mục tiêu giá cổ phiếu cho cả hai công ty.

Một số người coi sự phục hồi nhẹ trong định giá cổ phiếu là điều may mắn. Mặc dù chỉ số MSCI (Morgan Stanley Capital International) Châu Âu về dệt may, thời trang và hàng xa xỉ vẫn còn cao hơn so với chỉ số MSCI Châu Âu, nhưng đã giảm xa so với thời kỳ thịnh vượng vào năm 2021.”

Bà Jelena Sokolova, nhà phân tích tại Morningstar, một tổ chức nghiên cứu đầu tư của Mỹ, tin rằng: “Về lâu dài, ngành này rõ ràng có lợi thế cạnh tranh nên chu kỳ đi xuống có thể là thời điểm tốt nhất để đầu tư”. Bà lưu ý rằng bà đã nhìn thấy cơ hội ở Kering và dự đoán rằng mức độ nhận biết thương hiệu mạnh mẽ sẽ giúp Gucci tiếp cận vốn khi cuối cùng công ty này có lãi.