Các công ty may mặc, giày dép lớn rời Việt Nam, Trung Quốc sang Âu Mỹ
- Mộc Lan
- •
Khi biến thể Delta của virus corona mang đến một làn sóng dịch bệnh mới ở Việt Nam và Trung Quốc, khiến sản xuất bị đình trệ hoặc thậm chí ngừng hoạt động. Các công ty may mặc và giày dép lớn trên toàn cầu đang rút chuỗi cung ứng của họ khỏi hai quốc gia này, đồng thời chuyển hoạt động sản xuất sang khu vực Balkan và Mỹ Latinh.
Vào thời điểm thông tin này được tiết lộ, tình trạng tắc nghẽn đường biển quy mô lớn do đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, từ đó đẩy chi phí lên cao và các công ty ở nhiều quốc gia buộc phải xem xét lại cách sắp xếp chuỗi cung ứng của họ.
Đợt dịch mới của biến thể Delta đã khiến nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc bị phong tỏa một phần, đồng thời tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đã chậm lại. “Made in China” dường như không còn thu hút được sự quan tâm của các thương hiệu lớn.
- Video người dân đập nồi phản đối phong tỏa ở Cáp Nhĩ Tân
- Thượng Hải: Nhiều nơi phong tỏa, chính quyền gọi là diễn tập chống dịch
Ví dụ mới nhất là hãng bán lẻ thời trang Mango của Tây Ban Nha. Công ty này nói với Reuters hôm thứ Sáu (ngày 5/11) rằng họ đã “đẩy nhanh” quá trình tăng sản lượng nội địa ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ma-rốc và Bồ Đào Nha. Năm 2019, sản phẩm của công ty chủ yếu là từ Trung Quốc và Việt Nam. Mango cho biết, họ sẽ “mở rộng đáng kể” số lượng các sản phẩm địa phương được sản xuất ở châu Âu vào năm 2022.
Tương tự, nhà bán lẻ giày dép Mỹ Steve Madden cho biết hôm thứ Tư tuần trước (ngày 3/11), họ đã rút sản xuất tại Việt Nam và chuyển 50% sản lượng giày dép từ Trung Quốc sang Brazil và Mexico. Tháng trước, nhà sản xuất giày cao su Mỹ Crocs cũng cho biết rằng họ đang chuyển sản xuất ở Trung Quốc sang các nước như Indonesia và Bosnia.
Chuỗi cung ứng quần áo đang rời khỏi Trung Quốc
Đã có sự chuyển dịch chuỗi cung ứng dưới bối cảnh dịch bệnh. Mặc dù phần lớn sản lượng của các nhãn hiệu quần áo Âu Mỹ vẫn đến từ Trung Quốc nhưng các nhà sản xuất nhãn hiệu lớn đang chuyển sự chú ý sang Bulgaria, Ukraine, Romania, Cộng hòa Séc, Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Barry Conlon, Giám đốc điều hành của Overhaul, một công ty quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, nói với Reuters: “Chúng tôi đang chứng kiến sự tăng trưởng rất lớn trong hoạt động vận tải hàng hóa và đường bộ ở các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ … Hungary và Romania đã có sự phát triển rất lớn.”
Theo dữ liệu từ Hội đồng Thương mại May mặc và Trang phục Thổ Nhĩ Kỳ, xuất khẩu hàng may mặc tại nước này dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục là 20 tỷ USD trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự gia tăng đột biến các đơn đặt hàng từ Liên minh châu Âu. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này là 17 tỷ USD.
Tại Bosnia và Herzegovina, xuất khẩu hàng dệt may, da giày trong nửa đầu năm 2021 đạt 739,56 triệu marka (tương đương 436,65 triệu USD), cao hơn mức của cả năm 2020.
“Nhiều công ty từ Liên minh châu Âu, các đối tác thương mại quan trọng nhất của chúng tôi, đang tìm kiếm các nhà cung cấp mới và chuỗi cung ứng mới tại thị trường Balkan,” Giáo sư Muris Pozderac, Thư ký Hiệp hội Dệt may, Quần áo, Da giày Bosnia và Herzegovina cho biết.
Tại Guatemala, chuỗi cửa hàng bách hóa Nordstrom của Mỹ mang lại cho họ một đơn đặt hàng lớn vào năm 2020. Tính đến cuối tháng Tám năm nay, xuất khẩu quần áo của quốc gia Nam Mỹ này đã vượt quá 1 tỷ USD, tăng 34,2% so với năm 2020 và thậm chí cao hơn 8,8% so với năm 2019.
Đại dịch mang lại tổn thất cho quá trình chuyển giao chuỗi cung ứng của Việt Nam
Chắc chắn rằng nhiều công ty vẫn đang phụ thuộc nhiều vào Việt Nam. Tuy nhiên, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng cũng mang lại thiệt hại cho Việt Nam, nơi mà việc ngừng sản xuất gần đây đã gây ra những gián đoạn nghiêm trọng.
Vào tháng 10, Chính phủ Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của hạn chế về dịch bệnh và tình trạng thiếu lao động, nên sẽ không thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu quần áo trong năm nay và mức thiếu hụt có thể lên tới 5 tỷ USD.
Theo Reuters, trong quý III, các cuộc kiểm tra nhà máy của đại diện đơn đặt hàng sản xuất của các nhà bán lẻ tại Việt Nam đã giảm 40% so với quý II, với sản lượng trong những tháng này nhanh chóng bị chuyển sang Bangladesh, Ấn Độ và Campuchia. Ông Mathieu Labasse, Phó chủ tịch QIMA, công ty kiểm toán và kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng đại diện cho hơn 15.000 thương hiệu, cho biết tỷ lệ kiểm tra tại Việt Nam vẫn ở mức thấp trong quý IV và có sự phục hồi nhẹ vào tháng Mười.
Các công ty sản xuất than trời vì tình trạng thiếu lao động và gián đoạn sản xuất tại Việt Nam
Nhà sản xuất trang phục VF Corp và nhà sản xuất đồ dùng ngoài trời Columbia Sportswear nằm trong số các công ty đã cảnh báo rằng sẽ có sự chậm trễ trong các bộ sưu tập mùa thu và mùa xuân, trong một số trường hợp thậm chí không đủ chủng loại kích cỡ.
Nhà sản xuất túi xách Michael Kors, Capri Holdings cho biết hôm thứ Tư rằng họ sẽ không có hàng tồn kho mà họ cần cho kỳ nghỉ lễ sắp tới, trong khi nhà sản xuất đồ thể thao Under Armour cho biết vào thứ Ba tuần trước rằng họ đã hủy đơn đặt hàng từ Việt Nam chỉ để giúp “các nhà máy hoạt động trở lại và bắt kịp.”
Tập đoàn Pou Chen Đài Loan là một trong những nhà sản xuất giày thể thao lớn nhất trên thế giới, khách hàng chính của công ty bao gồm Nike và Adidas. Các nhà máy tại Việt Nam của Pou Chen đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và gián đoạn sản xuất, đe dọa kế hoạch trở lại sản xuất trong tháng này.
Các nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Đồng Nai, là các điểm nóng của dịch bệnh, đã bị cắt giảm quy mô sản xuất kể từ tháng Bảy.
Theo Reuters, ông Lu Chi Yuan, Giám đốc nhà máy giày Pouyuen Việt Nam (thuộc tập đoàn Pou Chen), cho biết trong một thông cáo báo chí: “Khoảng 6% nhân viên đã xin nghỉ việc.”
Ông Lu nói: “Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, sự chậm trễ trong các đơn đặt hàng lớn, các hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn.”
Cho đến giữa năm nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt nhất trên thế giới, với sự gián đoạn hạn chế đối với lĩnh vực sản xuất quan trọng.
Tuy nhiên, tình hình này đã thay đổi vào tháng Năm, khi dịch bệnh ở thành phố Hồ Chí Minh bùng phát mạnh và lây lan sang các tỉnh sản xuất lân cận.
Vào tháng Mười, khi các hạn chế đi lại do COVID-19 được dỡ bỏ, hàng chục ngàn công nhân đã rời khỏi trung tâm công nghiệp, điều này khiến các nỗ lực sản xuất của Việt Nam quay lại đúng hướng trở nên phức tạp hơn.
Mộc Lan (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Kinh tế Việt Nam Dòng sự kiện dịch bệnh tác động đến kinh tế chuỗi cung ứng doanh nghiệp ngừng hoạt động dịch chuyển chuỗi cung ứng