Thượng Hải: Nhiều nơi phong tỏa, chính quyền gọi là diễn tập chống dịch
- Lạc Á
- •
Kể từ ngày 17/10, dịch bệnh tại Trung Quốc đã lan khắp 60 tỉnh thành, số ca nhiễm các địa phương theo công bố báo chí nhà nước đã lên tới gần 1.000 ca. Tại thành phố Thượng Hải, mặc dù không có ca nhiễm nào được báo cáo, nhưng nhiều nơi bị phong tỏa dưới danh nghĩa diễn tập kiểm soát dịch.
Theo thông báo chính thức báo nhà nước Trung Quốc, tính đến 24 giờ ngày 6/11, đã có 50 ca nhiễm mới được xác nhận tại địa phương và 21 ca nhiễm không triệu chứng. Vào ngày 6/10, ông Ngô Lương Hữu (Wu Liangyou), Cục phó cục Kiểm soát và Phòng Dịch của Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết từ ngày 17/10 đến 24:00 ngày 5/11, có tổng cộng 918 ca nhiễm. Đợt dịch hiện tại đang lan rộng hơn 60 tỉnh thành. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục che giấu các thông tin bất lợi, ngoại giới nghi vấn rằng tình hình dịch bệnh thực tế nghiêm trọng hơn so với thông báo chính thức.
Thượng Hải: Phong tỏa tiểu khu nhưng phía chính quyền tuyên truyền là diễn tập chống dịch
Thượng Hải là một trong những nơi phát dịch đầu tiên sau kỳ lễ Quốc khánh. Một nhóm người cao tuổi du lịch tự hành đều đã được chẩn đoán dương tính.
Mặc dù hiện tại chính quyền Thượng Hải chưa ra thông báo, tuy nhiên nguồn tin dân chúng tiết lộ qua báo Epoch Times rằng ngày 5/11 một trung tâm mua sắm trên đường Thụy Kim, quận Hoàng Phố đã bị đóng cửa do có ca nhiễm, một khách sạn ở ngã tư đường Diên An và đường Hồng Tỉnh cũng bị đóng cửa, hơn nữa không ai được phép chụp ảnh ghi hình.
Ngày 6/11, bà Dương ở Thượng Hải chia sẻ với báo Epoch Times rằng dây rào cách ly trắng đã được kéo bao khu vực một tòa nhà gần giao lộ của đường Nam Xương và đường Mậu Danh ở quận Hoàng Phố. Bà trông thấy hai chiếc xe y tế màu trắng và vài xe cảnh sát đậu bên đường, có người muốn xuống chung cư để ra ngoài nhưng bị yêu cầu quay trở lại.
Ngoài ra, bệnh viện Tân Hoa ở Thượng Hải cũng đã bị phong tỏa từ hôm 1/11. Một số cư dân cho biết, họ muốn đi viện làm phẫu thuật, nhưng đột nhiên không thể vào bên trong, rồi sau đó phía bệnh viện mới ra thông báo cho biết các dịch vụ chẩn đoán, điều trị ngoại trú và cấp cứu sẽ phải tạm dừng ngay lập tức với lý do nhận được thông báo điều phối từ các khu vực khác, cần thực hiện sàng lọc nhân sự và kiểm tra môi trường theo yêu cầu.
Cùng ngày, Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải cũng đưa ra một thông báo tương tự cho biết các dịch vụ y tế ngoại trú và cấp cứu sẽ bị đình chỉ.
Ông Trịnh, một cư dân Thượng Hải, nói với phóng viên báo Epoch Times rằng chính quyền Thượng Hải không công bố thông tin nhưng việc có ca dương tính COVID-19 đã lan rộng. “Ở đó, có một khu dân cư bị cách ly, nhiều người xếp hàng để làm xét nghiệm axit nucleic. Chính quyền giải thích rằng đây là theo yêu cầu của cuộc diễn tập phòng chống dịch bệnh.”
Ông nói: “Nhiều người vẫn bị lây nhiễm sau hai lần tiêm vắc-xin. Điều quan trọng là phải có thuốc để điều trị. Cứ dựa vào việc phong tỏa như thế này cũng không phải là giải pháp. Người dân cũng không có nổi một chút tự do.”
Người dân: Tôi không biết thông tin từ chính quyền có đúng sự thật hay không
Vào ngày 6/11, ông Ngô Lương Hữu phát biểu rằng nguồn gốc của làn sóng dịch COVID-19 là do “nguồn gốc không rõ ràng từ ngoại quốc truyền vào.”
Ông Trần ở tỉnh Hà Bắc bày tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố trên, ông cho biết: “Tôi không biết nó [thông báo] có đúng hay không”, “hãy kiểm tra lý do, nguồn tin, sao cứ trên nói thế nào dưới nghe vậy được.”
“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không cân nhắc người dân nghĩ như thế nào, nó muốn như thế nào thì sẽ chỉnh sửa thành như vậy.” Ông Trần cho biết, ông không cần tin tức dịch COVID-19 từ phía chính quyền: “Chúng tôi có thể biết nơi bùng phát, một là xem Tik Tok, hai là từ những người bạn trong danh sách bạn bè của mình, ba là từ đoàn thể của chúng tôi, bạn đi từ địa phương nào trở về, đều phải đến đoàn thể để báo cáo.”
Ông cũng nói: “Chỉ cần các quan chức địa phương đảm bảo được rằng không có dịch trong khu vực họ quản lý, họ có thể hoàn thành nhiệm vụ từ trên giao xuống.”
Ông Lý, một người dân ở Thâm Quyến, cũng nói với báo Epoch Times rằng mô hình “‘Zero COVID” của ĐCSTQ là cái giá phải trả cho quyền tự do và nhân quyền của mọi người. Ở một số nơi, tất cả các đèn giao thông trên đường đều bị chuyển thành đèn đỏ, tức là đã hạn chế hoàn toàn và kiểm soát chặt chẽ. Ví dụ như Thụy Lệ, Vân Nam, đã phong tỏa thành phố hơn 7 tháng, người dân không còn đường sống, còn phải bỏ tiền ra mới có thể rời đi, chuyện này còn tệ hơn cả virus. Nền kinh tế vốn đang ngày càng sa sút, còn phải áp dụng biện pháp hành chính bắt buộc này, không mảy may quan tâm đến cuộc sống của người dân.
Người dân Bắc Kinh: Nhiều cửa hàng ở Xương Bình bị đóng cửa và niêm phong
Hôm 6/11, ông Vương, một người dân của huyện Xương Bình, Bắc Kinh, nói với báo Epoch Times rằng nơi ông sống cách xa khu vực có nguy cơ cao hàng chục km. Đều cùng thuộc huyện Xương Bình nhưng tính ra là cách rất xa, mặc dù cho đến nay chưa có ca nhiễm nào được xác nhận nhưng một khách sạn địa phương đã bị đóng cửa.
Ông Vương cho biết: “Nhiều cửa hàng ở phố Xương Bình, huyện Xương Bình đã bị đóng cửa niêm phong, các nhà hàng ở phía đông của Đại học Khoa học Chính trị và Luật về cơ bản cũng đã đóng cửa. Đây đã là một hiện tượng phổ biến ở Xương Bình”
Bà Đông Lập Chí (Tong Lizhi), phó chủ tịch quận Xương Bình, cũng tiết lộ trong một báo cáo gần đây rằng kể từ ngày 21/10, có 2.719 cửa hàng đã bị yêu cầu chấn chỉnh, 316 cửa hàng đã phải đóng cửa.
Ông Lâm, một công dân của quận Hải Điến, nói với phóng viên báo Epoch Times: “Dịch bệnh này đã hoành hành hai năm rồi, chúng ta phải làm gì đây?! Nếu chỉ phong tỏa thôi, thì làm sao sản xuất, làm sao canh tác, không trồng trọt cũng vẫn có vụ mùa bội thu sao?!”
Ông nói, hiện tại huyện của ông cũng đang có dịch, tất cả người lớn và trẻ em đều đã đi xét nghiệm axit nucleic, kết quả hiện tại là âm tính. Cũng may nơi tôi ở còn cách điểm dịch một đoạn, chỗ tôi chưa bị phong tỏa nhưng bản thân cố gắng không ra ngoài.
Vùng không có dịch bệnh Thường Châu cũng bị phong tỏa, luật sư công khai chất vấn
Vào ngày 6/11, cuộc họp giao ban chính thức về dịch bệnh của Thường Châu cho biết không có ca nhiễm mới trong ba ngày liên tiếp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có rủi ro, vì vậy trong tương lai, 540.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Thường Châu sẽ tiếp tục tự học ở nhà.
Liên quan đến việc kiểm soát dịch bệnh ở Thường Châu, luật sư Tần của địa phương này đã công khai chất vấn. Thường Châu hiện đã phát hiện 3 ca nhiễm được xác nhận và 1 ca nhiễm không triệu chứng. So với 50 ca lẻ trong đợt bùng phát quy mô lớn năm ngoái, có thể nói là khác xa, hơn nữa, phần lớn người dân đã được chủng ngừa trong năm nay. Vào năm ngoái, đối với những cộng đồng không có ca nhiễm nào được xác nhận cũng như không có những người tiếp xúc gần, thì sẽ không bị phong tỏa. “(Năm nay) khu dân cư không có ca nhiễm được xác nhận thì có cần thiết phải tiến hành quản lý khép kín cộng đồng lâu dài không?”
Ông cũng nói: “Điều này có thực sự cần thiết? Công việc và cuộc sống của đông đảo cư dân trong những cộng đồng này sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?”
Làn sóng mua hàng hoảng loạn xuất hiện ở nhiều nơi, có liên quan đến dịch bệnh
Tại Trung Quốc Đại Lục, nhiều đoạn video cho thấy một số lượng lớn người dân bỏ nhiều bao gạo vào xe hàng của họ. Có người dân đã mua một lúc 300 kg gạo. Nhiều kệ hàng siêu thị đã được bán sạch trơn. Có người đã bị xô ngã xuống sàn vì việc tranh giành mua gạo.
Dịch bệnh vẫn đang lan rộng ở nhiều nơi. Bộ Thương mại ĐCSTQ đã ra thông báo yêu cầu người dân tích trữ một số thực phẩm và gây ra tình trạng hoảng loạn. Cảnh tượng người dân giành giật mua hàng xảy ra ở nhiều nơi của Đại Lục và nó vẫn tiếp tục cho đến nay.
Cô Hà ở Thượng Hải nói với báo Epoch Times rằng làn sóng mua hàng hoảng loạn này không phải là vấn đề lớn ở Thượng Hải mà mạnh nhất là ở Thường Châu. “Hôm thứ Hai, một địa điểm ở Thường Châu đã bị đóng cửa do dịch bệnh, người dân bắt đầu đổ xô đi mua hàng, nhiều siêu thị đã bị giành mua hết sạch.”
Cô kể rằng bạn trên mạng của cô chia sẻ lên mạng xã hội các video cho thấy nhiều người đã đổ xô đi mua hàng, không chỉ ngũ cốc và dầu mà còn cả thịt lợn, mỗi lần mua đến nửa con lợn. Trên mạng cũng có những cụ già trở bỗng nhiên nổi tiếng trên mạng vì chở cả nửa con lợn bằng xe điện.
Một nhân viên bán hàng tại một siêu thị ở Thường Châu nói với truyền thông Đại Lục: “Trước đây mọi người thường dùng túi để mua, giờ tất cả đều dùng cả xe để kéo.”
Ông Vương đến từ Xương Bình, Bắc Kinh cũng tin rằng việc mua bán hoảng loạn có liên quan đến dịch bệnh. “Chúng tôi cho bắp cải vào đầy nửa xe tải ở đây! Nói không chừng khi phong tỏa vì dịch, bắp cải sẽ được tồn trữ cho mùa đông. Giá rau nói chung đắt, thịt lợn tăng giá.”
Theo Lạc Á/ Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Tích trữ lương thực Dịch bệnh ở Trung Quốc Zero COVID-19 Thượng Hải COVID-19