Các doanh nghiệp Hoa Kỳ mua trước hàng hóa để né thuế quan là tín hiệu lạc quan
- Breitbart News
- •
Chính giới doanh nghiệp chứ không phải người tiêu dùng Hoa Kỳ mới là thành phần đã mua trước hàng hóa nhằm né tránh các mức thuế quan đối ứng toàn cầu của chính quyền Trump dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng Bảy sau 90 ngày tạm hoãn. Hiện tượng các doanh nghiệp mua trước hàng hóa này là tín hiệu tốt cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Nếu người tiêu dùng đua nhau mua sắm trước khi thuế quan có hiệu lực, chúng ta hẳn sẽ thấy điều đó phản ánh rõ ràng trong dữ kiện bán lẻ. Nhưng thực tế thì không. Doanh số bán lẻ trong tháng Ba chỉ tăng 1,4% – một mức tăng ổn định, nhưng không có dấu hiệu của cơn sốt mua sắm hoảng loạn. Các mặt hàng bền vững gần như không thay đổi hoặc sụt giảm. Doanh số ngành điện tử và đồ gia dụng chỉ nhích nhẹ. Doanh số bán hàng nội thất sụt giảm. Mua sắm trực tuyến cũng chỉ tăng nhẹ lên đôi chút. Duy chỉ có ngành ô-tô là tăng số lượng bán ra cho người tiêu dùng – song điều này khả năng cao là do các ưu đãi tài chính với lãi suất 0% hơn là nỗi lo về mức thuế quan 10%.
Dữ kiện từ thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của Bank of America trong cuối tháng Tư càng củng cố thêm nhận định trên. Chi tiêu qua thẻ tín dụng đã giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu bằng thẻ ghi nợ cũng sụt giảm. Nhóm mặt hàng quan trọng nhưng không thiết yếu như nội thất và cửa hàng bách hóa đều chứng kiến sự suy giảm rõ nét. Nếu người dân Mỹ thật sự đổ xô mua hàng để né thuế, thì chúng ta sẽ thấy mức chi tiêu tăng đột biến và dư nợ thẻ tín dụng leo thang. Nhưng, thay vì thế, chúng ta lại thấy điều ngược lại.
Và có một nguyên nhân nằm ở cấu trúc tài chính hộ gia đình giải thích cho điều đó: phần lớn các gia đình không có đủ khả năng tài chính để ứng phó trước bất cứ điều gì. Theo khảo sát mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ về Kinh tế và Quyết định của Hộ gia đình, chỉ có 54% người Mỹ trưởng thành cho biết họ có thể trang trải chi phí trong ba tháng sinh hoạt phí bằng tiền tiết kiệm, và chỉ 63% có thể xoay sở được một khoản tiền khẩn cấp 400 USD bằng tiền mặt hoặc số tiền tương đương. Những gia đình kiểu như vậy đâu phải là kiểu hộ gia đình sẽ vét sạch siêu thị Walmart để phòng ngừa khi chính sách vĩ mô thay đổi. Phần lớn gia đình đang sống dựa theo ngân sách hàng tháng, để dành chút ít cho hưu trí, và giữ lại một số cho quỹ dự phòng khẩn cấp. Họ sẽ không liều lĩnh tiêu hết tiền tiết kiệm hay vay mượn tăng nợ để đối phó với một đợt tăng giá chưa chắc xảy ra.
Bản báo cáo về thu nhập và chi tiêu cá nhân tháng Ba tại Hoa Kỳ càng cho thấy người tiêu dùng vẫn giữ thái độ điềm tĩnh. Thu nhập cá nhân sau thuế tăng 0,5% trong tháng Ba. Chi tiêu tiêu dùng thực tế cũng tăng 0,7%, nhưng phần lớn mức tăng này tập trung vào nhóm dịch vụ chứ không phải nhóm hàng hóa. Chi tiêu cho hàng hóa không bền thực sự còn giảm sút. Chi tiêu cho hàng hóa bền tăng nhẹ – nhưng đó chỉ là sự hồi phục sau đợt giảm mạnh hồi tháng Hai, chứ không phải một cơn sốt mua sắm. Giá cả hàng hóa, nhất là hàng hoá bền, hầu như ổn định hoặc giảm nhẹ. Các hộ gia đình không hề vì dự đoán giá có thể tăng trong tương lai mà mua sớm một lượng lớn hàng hóa đáng lẽ sẽ mua dần theo thời gian. Họ chỉ chi tiêu đều đặn, từ tốn, và chủ yếu vẫn giữ nhịp sinh hoạt thường nhật bình thường.
Động thái mua trước chuẩn bị của giới doanh nghiệp là dấu hiệu lạc quan cho nền kinh tế
Và chính tại đây, toàn bộ câu chuyện thay đổi theo chiều hướng khác. Động thái kinh doanh đổ xô đặt hàng trước của giới doanh nghiệp vốn làm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm, thực ra lại là dấu hiệu cho thấy sự lạc quan. Không ai đi đặt hàng khối lượng lớn và chất đầy kho nếu e ngại sức mua sẽ sụp đổ. Quý vị chỉ làm điều này khi quý vị nghĩ doanh số sẽ duy trì ở mức cao và muốn khóa nguồn cung trước khi chi phí leo thang. Lượng hàng hóa đổ về các bến cảng Hoa Kỳ trong tháng Ba không phải là dấu hiệu của sự hoảng loạn, mà đó là sự chuẩn bị có tính toán. Quý vị chỉ tăng tích trữ hàng tồn kho khi quý vị tin tưởng rằng hàng hóa đó sẽ được tiêu thụ.
Điều càng đáng khích lệ hơn nữa là người tiêu dùng không bắt chước giới doanh nghiệp mua trước hàng hóa. Nếu hộ gia đình đã vội vàng tăng chi tiêu để né thuế, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với hệ quả nặng nề của sự hụt sức mua vào cuối năm. Nhưng thực tế, mô hình chi tiêu của họ vẫn ổn định, tức là nhu cầu vẫn chưa tăng. Sức cầu ấy vẫn còn nguyên đó. Nguy cơ lớn nhất hiện nay đối với nền kinh tế Hoa Kỳ không phải là người dân đã chi quá nhiều trong quý I – mà là báo chí hiểu sai dữ liệu và gieo rắc tâm lý bi quan khiến người dân hoặc doanh nghiệp thu hẹp hoạt động.
Chỉ số doanh số cuối cùng dành cho người mua khu vực tư nhân nội địa – một chỉ báo tinh lọc hơn về nhu cầu, loại trừ yếu tố tồn kho, thương mại và chi tiêu chính phủ – thực tế đã tăng 3,0% trong quý đầu năm. Đây là một sự cải thiện so với quý 4 năm 2024 và cũng là điểm sáng nhất trong toàn bộ bản báo cáo GDP Hoa Kỳ quý I. Ẩn sau lớp vỏ bề mặt dữ kiện tiêu cực là một nền kinh tế kiên cường với lượng người tiêu dùng ổn định và các doanh nghiệp có tầm nhìn xa trông rộng.
Không hề có bằng chứng cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang vội vã chi tiêu để tránh thuế quan. Đó không phải là dấu hiệu của sự yếu kém – mà là biểu hiện của sức mạnh. Người tiêu dùng chưa chi tiêu trước phần chi tiêu đáng lẽ thuộc về các tháng sau. Sức cầu vẫn còn đó. Trong khi đó, doanh nghiệp đang tích trữ hàng hoá vì họ tin tưởng rằng doanh số sẽ tiếp tục giữ vững. Có thể nói, đây là một trường hợp hiếm hoi mà một tiêu đề GDP tiêu cực thực chất lại mang theo một điềm báo tích cực được che giấu khéo léo.
John Carney/ Breitbart News
Từ khóa Kinh tế Mỹ GDP Hoa Kỳ
