Căng thẳng Mỹ – Trung khiến Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Mỹ
- Lý Ngôn
- •
Các công ty Hàn Quốc đang bơm số tiền kỷ lục vào nền kinh tế Mỹ. Sự gia tăng các dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Hoa Kỳ diễn ra khi chính quyền Biden nỗ lực loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng của nước này, và cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng cho các nhà sản xuất công nghệ tiên tiến.
Ngày 26/7/2022, tại Nhà Trắng ở Washington, DC, Chey Tae-won, Chủ tịch kiêm chủ sở hữu chính của Tập đoàn SK của Hàn Quốc, thảo luận trực tuyến với Tổng thống Hoa Kỳ Biden, về các khoản đầu tư của công ty này vào ngành sản xuất và việc làm ở Hoa Kỳ. (Ảnh: Anna Moneymaker/ Getty Images)
Theo dữ liệu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển do Financial Times phân tích, những cam kết dự án của các công ty Hàn Quốc tại Hoa Kỳ năm ngoái đạt tổng trị giá 21,5 tỷ USD, một lần vượt qua tất cả các quốc gia khác.
Năm ngoái là lần đầu tiên trong ít nhất một thập kỷ, Hàn Quốc đứng đầu về các cam kết dự án tại Hoa Kỳ. Cột mốc quan trọng này xảy ra khi vai trò đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ đang suy giảm.
Theo Liên Hợp Quốc, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Hoa Kỳ trong năm 2014, nhưng xếp thứ 8 vào năm ngoái khi đầu tư giảm 1/3. Những số liệu này theo dõi các dự án mới, tức các cam kết xây dựng cơ sở vật chất và tạo việc làm, và loại trừ các thương vụ mua lại.
Ông Chihwan Kim, Giám đốc điều hành của nhà cung cấp ô tô Hàn Quốc Samkee, nói với Financial Times rằng Mỹ không còn muốn nhận nguồn cung từ Trung Quốc nữa. Điều này mang lại cho các công ty Hàn Quốc cơ hội trở thành nhà cung cấp của Mỹ.
Dữ liệu cho thấy, tổng số dự án của các công ty Hàn Quốc tại Hoa Kỳ đạt 90 dự án vào năm 2023, đạt mức cao kỷ lục và tăng 50% so với năm trước.
Sự gia tăng đầu tư của Hàn Quốc là kết quả của việc chính quyền Biden thông qua “Đạo luật Khoa học và Chips” (Chips and Science Act), cũng như “Đạo luật Giảm lạm phát” (IRA) vào năm 2022.
Các đạo luật này cung cấp hàng trăm tỷ đô la tín dụng thuế, các khoản vay và trợ cấp để khởi động hoạt động sản xuất chất bán dẫn và công nghệ sạch của Hoa Kỳ, bao gồm các tấm pin mặt trời và xe điện, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhà sản xuất lớn là Trung Quốc.
Theo dữ liệu được theo dõi bởi fDi Markets, tổ chức dịch vụ dữ liệu của Financial Times, năm ngoái, hơn 1/3 số dự án của Hàn Quốc được công bố tại Mỹ là trong ngành ô tô hoặc điện tử.
Trong đó có khoản đầu tư lên tới 4,3 tỷ USD của Hyundai Motor hợp tác với LG Energy Solution, để sản xuất pin cung cấp cho nhà máy xe điện của họ ở bang Georgia. “Đạo luật Giảm lạm phát” cung cấp khoản tín dụng thuế tiêu dùng trị giá 7.500 USD cho xe điện được lắp ráp ở Bắc Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, các công ty Hàn Quốc đang phải đối mặt với áp lực hạn chế kinh doanh tại Trung Quốc khi họ tìm cách mở rộng sang Mỹ.
Ví dụ, Đạo luật CHIP nêu ra những biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia về tài trợ và hạn chế các nỗ lực cấp phép công nghệ ở Trung Quốc, và các thực thể nước ngoài đáng lo ngại khác.
Kể từ năm 2021, chính quyền Biden đã cam kết tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến như lĩnh vực bán dẫn, thúc đẩy quá trình loại bỏ chuỗi cung ứng của ĐCSTQ.
Với tư cách là công ty dẫn đầu thế giới về chip nhớ, và là nhà sản xuất chip lớn thứ 2 thế giới, Samsung đã trở thành tâm điểm của Hoa Kỳ. Tháng 11/2021, Samsung đã chi 17 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Texas, Mỹ. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của Samsung trong lịch sử Hoa Kỳ.
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, năm ngoái, hơn một nửa đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc là vào Hoa Kỳ, tăng mạnh so với mức 18% vào năm 2019. Cùng năm, Trung Quốc nhận được chưa đến 1% đầu tư của Hàn Quốc, giảm mạnh so với mức 11% trong năm 2019.
Từ khóa Hàn Quốc quan hệ Mỹ - Hàn Quốc