Tiến bộ nhanh trong 2 năm qua của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip đã làm lộ rõ ​​những lỗ hổng kiểm soát của Mỹ. Để ngăn rủi ro, Nhật Bản và Mỹ sắp đạt được thỏa thuận về hạn chế xuất khẩu công nghệ chip, trong khi gần đây Hà Lan đã đẩy mạnh hơn kiểm soát nguồn chip sang Trung Quốc.

Chip My Chip Trung Quoc
(Ảnh minh họa: Dragon Claws/Shutterstock)

Mỹ hy vọng hoàn tất thỏa thuận với Nhật Bản trước bầu cử tháng 11

Theo Financial Times ngày 17/9, Mỹ và Nhật Bản đang tiến gần đến thỏa thuận hạn chế xuất khẩu công nghệ chip sang Trung Quốc, mặc dù Tokyo lo ngại việc Bắc Kinh đe dọa trả đũa các công ty Nhật Bản, nhưng Mỹ hy vọng sẽ hoàn tất thỏa thuận trước cuộc bầu cử tháng 11.

Mỹ và các đồng minh gần đây đã tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ mới nổi. Bộ Thương mại Mỹ vào đầu tháng 9 đã cập nhật danh sách hạn chế xuất khẩu đối với các công nghệ tiên tiến như điện toán lượng tử và sản xuất chất bán dẫn.

Tờ Financial Times đưa tin, Nhà Trắng có kế hoạch công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, bao gồm yêu cầu các công ty không phải của Mỹ phải xin giấy phép trước khi bán các sản phẩm đóng góp cho ngành công nghệ Trung Quốc.

Biện pháp tăng kiểm soát của Mỹ để lấp các lỗ hổng trong các quy định hiện hành, thông qua bổ sung các hạn chế nhằm khiến Trung Quốc khó có được các công cụ sản xuất chip quan trọng. Các hạn chế này dự kiến ​​sẽ có tác động đến ASML của Hà Lan và Tokyo Electronics của Nhật Bản.

Theo thông tin, chính quyền Tổng thống Biden đã dành vài tháng để đàm phán sâu với các quan chức Nhật Bản và Hà Lan, hy vọng thiết lập các hệ thống kiểm soát xuất khẩu bổ sung, cũng để các công ty Nhật Bản và Hà Lan không thành mục tiêu của Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR) của Mỹ, khiến họ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Nguồn tin thân thuộc trong đàm phán giữa Washington và Tokyo cho biết, Mỹ và Nhật Bản đang trên đà đột phá, nhưng có quan chức Nhật Bản chia sẻ tình hình vẫn “chưa chắc chắn” do lo ngại về trả đũa của Trung Quốc.

Được biết Nhật Bản lo ngại nếu họ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cùng Mỹ, thì Trung Quốc có thể chặn xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang Nhật Bản, đặc biệt là gali và than chì, và Bắc Kinh được cho là đã có động thái áp lực đối với Tokyo và các công ty Nhật Bản.

Một người quen thuộc với đàm phán ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan cho rằng việc hoàn tất thỏa thuận là “không dễ dàng”, Mỹ phải thận trọng và tránh gây vấn đề khiến Nhật Bản và Hà Lan từ bỏ thỏa thuận ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan.

Cơ chế ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan được thiết lập dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Trump nhằm giúp phối hợp kiểm soát xuất khẩu.

Bảo đảm thống nhất chính sách giữa Hà Lan và Mỹ

Chính phủ Hà Lan cũng đang thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với các thiết bị máy móc liên quan đến sản xuất chip, điều này đã được duy trì trong một năm qua để phù hợp với các hạn chế của Mỹ.

Chính phủ Hà Lan ngày 6/9 thông báo sẽ tăng thêm biện pháp hạn chế xuất khẩu máy móc liên quan đến sản xuất chip sang các khu vực ngoài EU – biện pháp nhằm nhất quán với phía Mỹ. Theo đó những công ty lớn trong ngành chip của Hà Lan tham gia chính trong ngành công nghiệp chip giữa Mỹ và Trung Quốc như ASML…, giờ đây chỉ cần xin phép Chính phủ Hà Lan, trong khi trước đó phải qua Chính phủ Mỹ.

Công ty ASML có trụ sở chính tại Veldhoven phía nam Hà Lan là một trong những nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới, trong khi chip điện tử là mạch sống cho mọi sản phẩm điện tử từ điện thoại di động đến ô tô.

Thiết bị của công ty ASML phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Á, trong khi ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành một chiến trường địa chính trị.

Châu Âu và Mỹ cho biết họ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng những máy móc đó để sản xuất chip phục vụ cho mục đích quân sự hoặc gián điệp kinh tế.

Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan Reinette Klever lưu ý trong một tuyên bố: “Tôi đưa ra quyết định này vì an ninh của chúng tôi”. Bà không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc. Bà nói: “Chúng tôi lưu ý rằng sự phát triển công nghệ có nghĩa là việc xuất khẩu thiết bị sản xuất sản phẩm liên quan sẽ tiềm ẩn thêm rủi ro an ninh, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị hiện nay”.

Do đó, Chính phủ Hà Lan đang tăng cường các biện pháp đã có hiệu lực trong một năm qua, để đưa chúng phù hợp hơn với các biện pháp của Chính phủ Mỹ.

Trước đó, các hạn chế xuất khẩu của Hà Lan lỏng lẻo hơn so với các hạn chế của Chính phủ Mỹ, vì vậy ASML phải xin phép Chính phủ Mỹ để xuất khẩu một số máy móc không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Hà Lan.

ASML cho biết trong một thông cáo báo chí: “ASML tin rằng quy định này sẽ thống nhất việc cấp giấy phép xuất khẩu”. Tập đoàn giải thích rằng, kể từ bây giờ ASML sẽ có thể nộp đơn trực tiếp lên Chính phủ Hà Lan để xin cấp phép. Công ty nhấn mạnh: “Vì đây chỉ là thay đổi kỹ thuật nên thông báo này sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng tài chính năm 2024 hoặc các giả định dài hạn của chúng tôi”.

Các hạn chế mới nhắm vào các hệ thống “tia cực tím sâu” (DUV) tiên tiến giúp in các thành phần nhỏ tạo nên vi mạch. Trước đó ASML đã bị áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ bước sóng cực tím ngắn (EUV).

Chính phủ Hà Lan cho biết trong một tuyên bố rằng từ ngày 6/9 “sẽ có thêm nhiều loại thiết bị sản xuất tiên tiến phải có giấy phép mới được xuất khẩu”. Họ cho biết thêm: “Biện pháp này nhắm đến công nghệ đặc thù trong chu trình sản xuất chất bán dẫn, cụ thể là thiết bị in thạch bản tia cực tím sâu”.

Nếu ASML muốn xuất khẩu một thiết bị liên quan sang Trung Quốc, Chính phủ Hà Lan sẽ quyết định xem có chấp thuận xuất khẩu hay không chứ không phải là cấm xuất khẩu.