Sự bùng phát của virus corona Vũ Hán trên toàn cầu đã khiến các nước châu Âu phải thừa nhận rằng đây là thời điểm phá vỡ sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

shutterstock 1341810125
(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt nhà máy, văn phòng, gây ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng của các ngành công nghệ và dược phẩm, vốn là lĩnh vực phức tạp nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo dữ liệu cập nhật cuối tuần qua của chính quyền Trung Quốc, virus corona đã khiến xuất khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh tới 17,2% trong tháng 1 và tháng 2 so với cùng kỳ năm trước.

Ngay cả khi Trung Quốc thông báo tỷ lệ lây nhiễm đã giảm và vận tải biển đang hoạt động trở lại, sự gián đoạn đang khiến các quan chức hàng đầu châu Âu kêu gọi khối cộng đồng chung cần đánh giá lại về sự phụ thuộc của các nước này vào Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với đài phát thanh France Inter vào thứ Hai: “Chúng ta cần phải giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu một số sản phẩm nhất định từ các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc,”“củng cố chủ quyền của mình trong các lĩnh vực giá trị chiến lược như xe hơi, hàng không vũ trụ và y học.”

Tuần trước, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng Euro đã cảnh báo về  “tác động lớn” đối với tăng trưởng kinh tế trước khủng hoảng dịch corona, đặc biệt là sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.

Một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Apple, Microsoft và Google đều đang phải vật lộn với sự gián đoạn này và đang tìm cách chuyển ít nhất một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước như Việt Nam và Thái Lan.

Dịch corona đe dọa nền kinh tế của nước Ý và cả châu Âu

Apple đã cảnh báo các nhà đầu tư vào tháng trước rằng nguồn cung iPhone trên toàn thế giới sẽ tạm thời bị hạn chế.

Vấn đề về chuỗi cung ứng đang châm ngòi cho các cuộc tranh luận ở Châu Âu và các nước phương Tây đối với sự phụ thuộc quá mức vào thiết bị công nghệ Trung Quốc, và làm sao để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lực sản xuất đối với nước này. Mặc dù các quốc gia khác trong khu vực cũng có năng lực sản xuất, nhưng không nước nào có quy mô và chuyên nghiệp như Trung Quốc.

“Chúng ta cần có câu trả lời cho sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc,” giám đốc an ninh của công ty viễn thông Deutsche Telekom, ông Thomas Tschersich nói. “Chúng ta cần sẵn sàng đầu tư vào châu Âu để cân bằng lại, tuy nhiên, để duy trì chúng ta cũng vẫn cần các nhà cung cấp Trung Quốc.”

Từ đại dịch COVID-19: Tổn thất vì “toàn cầu hóa” hay vì phụ thuộc Trung Quốc?

Việc đánh giá xuất hiện trở lại sau hơn một năm tranh luận gay gắt về những rủi ro bảo mật liên quan đến việc sử dụng thiết bị sản xuất bởi Trung Quốc trong mạng 5G ở châu Âu.

Tuy các nước lớn trong liên minh Châu Âu bao gồm Pháp, Đức và Anh đã ngừng việc cấm sử dụng thiết bị 5G do Huawei sản xuất, nhưng các quan chức an ninh châu Âu đã cùng kêu gọi hạn chế sự phụ thuộc vào Huawei, một công ty có thị phần lớn trong mạng 3G và 4G tại lục địa này.

Khi virus corona phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, Châu Âu bắt đầu phải đưa ra các quyết định liên quan đến việc đa dạng hóa và phi tập trung hoá chuỗi cung ứng của họ.

Năm ngoái, Ericsson tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất tại Ba Lan để phục vụ thị trường châu Âu, hãng cũng công bố một nhà máy mới ở Mỹ. Nokia cũng có các nhà máy ở Phần Lan, Brazil và Trung Quốc.

Tuần trước, Huawei đã đưa ra giả thuyết đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình khi tuyên bố sẽ đầu tư 200 triệu Euro (213 triệu USD) để xây dựng một cơ sở sản xuất tại Pháp – một nỗ lực để chuyển một phần của chuỗi cung ứng sang lục địa này nhằm giảm bớt những lo ngại của các nước rằng thiết bị của họ có rủi ro về bảo mật.

Tuy thế, vẫn còn quan ngại cho rằng việc đánh giá lại chuỗi cung ứng của châu Âu cũng mâu thuẫn với hệ tư tưởng thị trường mở của họ, vốn đã chi phối các chính sách thương mại và cạnh tranh trong nhiều thập kỷ.

Thanh Vân (theo SCMP)

Xem thêm: