Taxi công nghệ chỉ là bước đầu, thanh toán di động và cho vay ngang hàng (P2P) mới là mục đích kế tiếp mà Grab hướng tới tại thị trường Việt Nam.

Grabpay
Grab đang lên kế hoạch lấn sân lĩnh vực công nghệ tài chính Fintech Việt Nam. (Ảnh: Vulcan Post)

Thâm nhập vào lĩnh vực thanh toán di động

Mới đây, hãng ứng dụng gọi xe công nghệ Grab đánh dấu sự lấn sân sang lĩnh vực thanh toán di động thông qua thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Dịch vụ và Công nghệ Moca Việt Nam.

Dự kiến hai bên sẽ bắt đầu triển khai dịch vụ thanh toán di động ngay trong tháng 10 tới.

Việc Grab và Moca bắt tay nhau trong lĩnh vực thanh toán di động sẽ có một số lợi thế lớn, bởi Grab đang sở hữu hàng triệu thông tin tài xế và khách hàng Việt Nam thông qua ứng dụng gọi xe GrabBike và GrabCar.

Không những lấn sân sang lĩnh vực thanh toán di động, Grab cũng đang lên sẵn kế hoạch thâm nhập thị trường cho vay ngang hàng (P2P). Nếu là vậy, ngành tài chính Việt Nam sẽ có khả năng đứng trước cơn bão mang tên 4.0.

Tại hội nghị thượng đỉnh PE VC châu Á hôm 11/9 mới đây của DealStreetAsia, Chủ tịch Grab Ming Maa cho biết lĩnh vực thanh toán di động, cho vay và chuyển tiền ngang hàng (P2P) sẽ phát triển năng động nhất trong khu vực và Grab đã lên kế hoạch cung cấp các dịch vụ này trong thời gian tới.

Đấy chính là mục đích mà Grab (cũng như Go Việt) gia nhập thị trường Việt Nam. Các hãng ứng dụng gọi xe công nghệ này sẵn sàng chấp nhận các khoản lỗ “khủng”, lên đến hàng ngàn tỷ đồng để thu hút người dùng và các tài xế sử dụng ứng dụng.

Điều duy nhất mà các hãng này có được – bên cạnh khoản lỗ lớn do các chương trình khuyến mãi chuyến đi với giá thấp không tưởng – chính là thông tin hành trình, thói quen tiêu dùng, lịch trình hằng ngày và các dữ liệu riêng tư khác của người dùng.

Các bước đi chiến lược

Nguồn thông tin sẵn có sẽ là tài nguyên quý giá cho Grab trong việc nắm bắt nhu cầu và lên kế hoạch tiếp cận người tiêu dùng.

Cụ thể, (i) ban đầu Grab sẽ cung cấp các dịch vụ giá rẻ (được trợ giá) để thu hút nhiều người cài đặt ứng dụng; (ii) sau đó là triển khai ứng dụng thanh toán GrabPay để hình thành thói quen sử dụng ví điện tử một cách rộng rãi; (iii) tiếp đến là tăng cường các tính năng thanh toán của GrabPay không chỉ thanh toán cước phí vận chuyển, mà còn mở rộng sang thanh toán tại cửa hàng bán lẻ…; (iv) cuối cùng là nhắm đến lĩnh vực vay và cho vay ngang hàng đối với cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Với lộ trình chiến lược cụ thể như trên, cuộc chơi mới chỉ thật sự bắt đầu đối với Grab, và tất nhiên tiềm năng và miếng bánh thị trường là hết sức hấp dẫn.

Chính vì vậy mà mặc dù ngành công nghệ tài chính Fintech mới chỉ bước đầu hình thành tại Việt Nam, nhưng đã có đến hơn 20 ví điện tử chen chúc nhau trong thị trường, theo thống kế của Ngân hàng Nhà nước.

Trước cái bắt tay giữa Grab và Moca, thị trường còn chứng kiến nhiều sự kết hợp khác trong ngành thanh toán di động, có thể kể đến như: cặp đôi Alipay – NAPAS; Momo – Uber; hay sự vươn lên của ZaloPay với hệ sinh thái người dùng sẵn có trên Zalo App; Amazon cũng lên tiếng sẵn sàng gia nhập cuộc chơi; hay như sự rầm rộ của đối thủ đi sau là Go Việt với ứng dụng Go Pay mà họ cho biết sẽ ra mắt trong vài tháng tới… đang tạo ra cuộc chạy đua lớn trên thị trường Fintech Việt Nam.

Nguy cơ ngành tài chính rơi vào tay nước ngoài

Đặc điểm chung của những ứng dụng được đề cập ở trên là đều có mang yếu tố nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nếu như đằng sau Lazada và Alipay là tập đoàn công nghệ Alibaba của Jack Ma, thì Didi Chuxing (Trung Quốc) cũng là đơn vị nắm giữ cổ phần của Grab, bên cạnh đó ZaloPay cũng thuộc sở hữu của người Trung Quốc sau khi tập đoàn Tencent mua lại cổ phần của Zalo.

Điều này dẫn đến một lo ngại rằng ngành tài chính Việt Nam sẽ bị thao túng và rơi vào tay Trung Quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc lật đổ tương tự trong ngành ngân hàng như cái cách mà Grab đã đánh bật các hãng taxi truyền thống là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Mối lo ngại càng có cơ sở hơn khi thời gian gần đây đã xuất hiện một số điểm thanh toán POS bằng Nhân dân tệ tại các điểm du lịch có đông khách Trung Quốc. Chứng tỏ dù mới chỉ đang ở bước đầu, nhưng NHNN đang dần mất kiểm soát đối với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Ý thức được điều đó, 3 doanh nghiệp viễn thông nội địa bao gồm: Viettel, Mobifone và Vinaphone đã đồng loạt đề xuất Thủ tướng xem xét và cho phép triển khai áp dụng thẻ cào và dùng tài khoản viễn thông để thanh toán hóa đơn, hàng hóa, dịch vụ.

Đề xuất được Thủ tướng ủng hộ và đồng tình. Như vậy, thị trường ngân hàng và dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới ở Việt Nam sẽ hết sức sôi động.

Mặc dù vậy, đứng trước các doanh nghiệp ngoại vốn mạnh và không ngại chi tiền để dồn ép đối thủ, các doanh nghiệp nội liệu có thể trụ vững?

Vai trò cầm cương của cơ quan quản lý

Thêm vào đó, không thể phủ nhận thực trạng một số quan chức Việt Nam, được nhận những “bao thư” hậu hĩnh từ các doanh nghiệp ngoại, đang “tiếp tay” cho họ chiếm lĩnh thị trường, tạo ra sân chơi bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp nội địa.

Khi đó, những chiêu trò phá giá và lũng đoạn thị trường của các công ty ngoại có thể được giới chức năng “lờ đi”, nhưng lại tăng cường thanh tra các doanh nghiệp nội. Các sự vụ gần đây như việc công bố những thông tin bất lợi nhằm vào Nguyễn Kim, Con Cưng, Cơm Tấm Kiều Giang… là một ví dụ.

Vậy nên, chỉ một mình doanh nghiệp nội tự nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả là chưa đủ, mà vai trò của các nhà làm chính sách cũng là yếu tố rất quan trọng, ít nhất là đảm bảo một môi trường cạnh tranh bình đẳng, không thiên lệch. Không làm được điều đó, hiệu ứng “Vinasun, Mai Linh” trong lĩnh vực vận tải lây sang ngành ngân hàng và thanh toán di động là điều khó tránh khỏi.

Chân Hồ – Tuệ San