Chính phủ đề nghị giảm mức phí công đoàn xuống 1% trong năm 2023
- Nguyễn Quân
- •
Thừa nhận nền kinh tế đang chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm, Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1% và giãn thời hạn nộp kinh phí này trong năm 2023 để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
- DN cần được miễn phí công đoàn: ‘Ngừng sản xuất, có DN lỗ trung bình 10 tỷ đồng/tháng’
- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: Hơn 31.300 lao động bị mất việc
Ngày 15/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
Chính phủ cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn như các ngân hàng thương mại yếu kém, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…
Các lĩnh vực được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản,…
Đưa ra giải pháp hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1% và giãn thời hạn nộp kinh phí trong năm 2023.
Đồng thời, Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện đến hết năm 2023 chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Bộ Tài chính được yêu cầu trong tháng 7/2023, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức thuê tiền hàng năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao trong tháng 8/2023 trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hướng dẫn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa rà soát lãi suất cho vay theo quy định về hoạt động của Quỹ và áp dụng giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nguồn vốn của Quỹ.
Hồi cuối tháng 5, trong báo cáo khảo sát về tình hình việc làm và chính sách hỗ trợ người lao động gửi Thủ tướng, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng nhận định làn sóng sa thải người lao động sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023. Theo đó, cùng với việc cắt giảm nhân lực của các doanh nghiệp, xu hướng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần chưa dừng lại.
Ban IV nhận định để hạn chế tình trạng này, ngoài sửa Luật Bảo hiểm xã hội còn cần giải pháp trước mắt là cho phép doanh nghiệp, lao động không phải thu nộp kinh phí công đoàn cho công đoàn cấp trên. Khoản kinh phí không phải nộp lên sẽ được giữ lại để hỗ trợ người lao động đến hết năm 2024.
Ngoài ra, Ban IV đề nghị Chính phủ giãn, hoãn các khoản khác liên quan BHXH hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới phù hợp thực tiễn để người lao động giảm áp lực, bớt trông chờ vào khoản tiền rút BHXH một lần.
Theo khảo sát gần 9.560 doanh nghiệp của Ban IV trong tháng 4, có 82% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong nửa năm còn lại. Hơn 7.300 doanh nghiệp cho biết vẫn hoạt động, song 71% doanh nghiệp trong đó có kế hoạch cắt giảm lao động (khoảng 5.200 công ty), nhiều nhất ở 2 lĩnh vực xây dựng và công nghiệp. Doanh nghiệp cắt giảm phần lớn là ngoài nhà nước và một nửa trong số này hoạt động tại TP.HCM, Bình Dương.
Theo Luật Công đoàn năm 2012, Phí công đoàn bao gồm các nguồn đoàn phí và kinh phí công đoàn.
Hai khoản này do doanh nghiệp và lao động là đoàn viên công đoàn phải đóng hàng tháng. Theo khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động (tiền lương bao gồm: Mức lương và phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác trừ khoản phụ cấp không phải đóng BHXH). Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các đoàn viên phải đóng đoàn phí là 1% trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, mức đóng tối đa hàng tháng không quá 10% trên mức lương cơ sở. Công đoàn cơ sở được sử dụng 65% tổng số thu kinh phí công đoàn và 60% tổng số thu đoàn phí, số còn lại phải nộp lên công đoàn cấp trên. Kinh phí công đoàn chủ yếu phục vụ hoạt động trong công đoàn, như chi cho các cán bộ đang làm việc tại công đoàn; tổ chức hội nghị của các ban chấp hành công đoàn (trang trí, in tài liệu, nước uống, thuê mặt bằng, bồi dưỡng đại biểu, các chi phí đi lại và các khoản khác); trang bị cho trụ sở (mua sắm tài sản, thiết bị, dụng cụ làm việc cho tổ chức, mua văn phòng phẩm, sửa chữa hoặc xây dựng trụ sở, chi phí liên lạc, công tác phí, nước uống, tiếp khách)… Các khoản chi cho người lao động là đoàn viên như hỗ trợ chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn giao thông ,tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bản thân đoàn viên hoặc gia đình gặp khó khăn do tai nạn rủi ro hoặc thiên tai hoặc hỏa hoạn hoặc bệnh tật hiểm nghèo; tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, hỗ trợ cộng đồng; quản lý và phát triển công đoàn; tổ chức các hoạt động ngoại giờ như: văn hóa, thể thao, đi du lịch… |
Nguyễn Quân
Từ khóa phí công đoàn rút BHXH một lần