Hôm thứ Tư (2/4), chính quyền Trump đã công bố công thức được chờ đợi từ lâu về cách tính mức thuế quan đối ứng mới được công bố tại Vườn Hồng, Nhà Trắng trước đó. Điều này cho thấy một bức tranh rõ ràng hơn về cách Hoa Kỳ dự định giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại dai dẳng.

Trump loan bao thue doi ung 2 4
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giơ biểu đồ thuế đối ứng khi phát biểu trong sự kiện công bố thương mại “Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại” tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào ngày 2 tháng 4 năm 2025 tại Washington, DC. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Theo một tuyên bố từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), mức thuế quan được tính bằng một công thức đơn giản dựa trên thặng dư thương mại hàng hóa của mỗi quốc gia với Hoa Kỳ. Cụ thể, phương pháp này chia thặng dư thương mại của một quốc gia cho tổng lượng hàng xuất khẩu của quốc gia đó sang Hoa Kỳ, sau đó áp dụng mức chiết khấu 50% để cho ra kết quả về mức thuế đối ứng. 

Ví dụ, theo dữ liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ, Trung Quốc đã xuất khẩu 438 tỷ USD hàng hóa sang Hoa Kỳ vào năm 2024 và đạt được thặng dư thương mại là 295 tỷ USD. Điều đó tạo ra tỷ lệ thặng dư là 67,4% và sau khi giảm một nửa con số đó, Hoa Kỳ đã áp mức thuế quan đối ứng là 34%.

Tương tự, Việt Nam năm 2024 đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ hàng hoá trị 136,6 tỷ USD, và đạt thặng dư thương mại là 123,5 tỷ USD. Áp dụng công thức của USTR, tỷ lệ thặng dư của Việt Nam là 90,4%, và sau khi giảm một nửa con số này, Hoa Kỳ đã áp mức thuế đối ứng là 46%. 

Các quốc gia có mức mất cân bằng thương mại nhỏ hơn được đánh giá là mức thuế thấp hơn theo tỷ lệ. Các quốc gia có dòng chảy thương mại gần như bằng Hoa Kỳ hoặc Hoa Kỳ có thặng dư, phải chịu mức thuế cố định 10%.

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết phương pháp này đóng vai trò là biện pháp tính toán thay thế thực tế cho việc định lượng nhiều rào cản nước ngoài vốn đã góp phần gây ra thâm hụt thương mại dai dẳng của Hoa Kỳ. 

Tuyên bố của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết: “Mặc dù việc tính toán riêng lẻ tác động thâm hụt thương mại của hàng chục nghìn chính sách thuế quan, quy định, thuế và các chính sách khác ở mỗi quốc gia là phức tạp, nếu không muốn nói là không thể, nhưng tác động kết hợp của chúng có thể được thay thế bằng cách tính mức thuế quan phù hợp với việc đưa thâm hụt thương mại song phương về mức 0“.

Cách tiếp cận này phản ánh sự thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ theo hướng có đi có lại, dựa trên kết quả, thay vì cố gắng khớp thuế quan và quy định của nước ngoài từng cái một. Các quan chức chính quyền Trump lưu ý rằng các rào cản thương mại nước ngoài thường bao gồm các yếu tố khó đo lường như sự chậm trễ trong quy định, trợ cấp công nghiệp, chính sách tiền tệ và thuế giá trị gia tăng được hoàn lại đối với hàng xuất khẩu nhưng được áp dụng cho hàng nhập khẩu.

Để tránh dựa vào các ước tính chủ quan hoặc không đầy đủ về các chính sách như vậy, chính quyền Trump đã chọn sử dụng chính cán cân thương mại làm thước đo để tính ra mức thuế đối ứng. Công thức thuế quan này kết hợp các thông số về độ co giãn giá và mức thuế quan chuyển tiếp, mà USTR cho biết về cơ bản sẽ triệt tiêu lẫn nhau trong hầu hết các trường hợp— để đơn giản hóa phép tính cuối cùng.

Mặc dù thuế quan đã bị một số nhà kinh tế và nhóm thương mại chỉ trích, nhưng chính quyền Trump vẫn giữ vững ý kiến rằng chính sách này là một bước cần thiết để khôi phục lại cán cân thương mại cân bằng và bảo vệ ngành công nghiệp Hoa Kỳ khỏi những bất lợi lâu dài về mặt cấu trúc.

Chính quyền Trump không loại trừ các điều chỉnh hoặc đàm phán trong tương lai với các đối tác thương mại, nhưng nhấn mạnh rằng nguyên tắc có đi có lại, sẽ vẫn là trọng tâm trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ.

Phạm Duy, theo Breitbart News