Chính thức cho phép phá sản ngân hàng yếu kém từ 15/1: Quyền lợi người gửi tiền bị ‘bỏ quên’
- Chân Hồ
- •
Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi được Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2017 đã chính thức có hiệu lực thi hành kể từ hôm qua (15/01). Bên cạnh việc cho phép phá sản các ngân hàng yếu kém; cùng với khoản đền bù 75 triệu/sổ tiết kiệm khi xảy ra phá sản, lợi ích của người gửi tiền đã bị các nhà làm chính sách “bỏ quên”.
Luật TCTD mới sẽ tập trung vào 5 phương án để cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm:
- Phục hồi;
- Sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp;
- Giải thể;
- Chuyển giao bắt buộc;
- Phá sản.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên có phương án cho phép một TCTD phá sản để tái cấu trúc hệ thống.
Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định cho phép phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với TCTD và cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để xây dựng phương án phá sản TCTD trình NHNN xem xét.
Luật TCTD mới cũng nêu rõ trong trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá sản, NHNN có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản.
Như vậy, kể từ thời điểm 15/1/2018, các TCTD trong đó có ngân hàng, nếu làm ăn không hiệu quả sẽ được phép cho phá sản. Vế sau của câu chuyện – tiền của người gửi sẽ như thế nào thì vẫn chưa được đề cập đến.
Rủi ro của người gửi tiền chưa được xét đến
Theo luật bảo hiểm tiền gửi, khách hàng chỉ nhận được tối đa 75 triệu đồng/sổ tiết kiệm nếu ngân hàng người gửi tiền bị phá sản.
Trong khi cho phép phá sản ngân hàng yếu kém sẽ giúp các nhà làm chính sách cơ cấu lại TCTD hiệu quả thì câu hỏi đặt ra là vị trí của người gửi tiền đang được đặt ở đâu?
Còn nhớ trong phiên chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vào sáng ngày 17/11/2017, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về tiền gửi của người dân trong ngân hàng sẽ ra sao khi cho phép phá sản ngân hàng bởi 80% tiền trong ngân hàng là của người dân.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nói người dân bất an với việc mua bắt buộc ngân hàng 0 đồng. “Trên 80% vốn ngân hàng đều là tiền gửi của nhân dân, nếu đổ vỡ sẽ tạo hiệu ứng domino gây thiệt hại nặng nề“, ông Vượt nêu vấn đề.
Đáp lại mối quan tâm của các đại biểu, Thống đốc trả lời một cách khái quát: “Trong bất kỳ trường hợp nào, xử lý phương án đối với các TCTD, mục tiêu đầu tiên là phải đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đồng thời giữ được lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền”.
Niềm tin của người gửi tiền sẽ ra sao khi hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng gửi vào ngân hàng chỉ được đổi lại bằng khoản bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng? Lợi ích và quyền lợi của người gửi tiền cần phải được cam kết và bảo vệ thông qua những chính sách và giải pháp cụ thể. Trong tình huống này, việc chính thức áp dụng Luật TCTD mới bắt đầu từ 15/1 không đề cập đến các chính sách cho phía còn lại – những người gửi tiền – đã nói lên nhiều điều.
Khách hàng là người cuối cùng biết được thông tin ngân hàng phá sản sau khi được NHNN công bố thông tin
“Cứu cánh” duy nhất trong tình huống này là người gửi tiền buộc phải lựa chọn kênh đầu tư khác đảm bảo an toàn hơn, nhưng đồng Đô-la thì không được khuyến khích và neo với mức lãi 0% kể từ tháng 12/2015; trong khi NHNN hướng đến độc quyền huy động vàng miếng và kinh doanh vàng trên tài khoản; bất động sản còn nhiều rủi ro mất vốn; thị trường chứng khoán như một “canh bạc” mà nhiều người dân không đủ kiến thức cũng như kỹ năng để tham gia vào. Có thể thấy, cánh cửa khác dường như đã đóng kín. Trong lúc này, việc người dân có thể làm là đánh giá ngân hàng tốt-xấu, “chọn mặt gửi vàng” sao cho tránh được rủi ro mất tiền.
Tuy nhiên, ngay cả việc lựa chọn ngân hàng uy tín cũng là điều không hề dễ dàng. Bởi không có đủ thông tin.
Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) rất quan tâm đến việc NHNN thực hiện xếp hạng các TCTD đã 10 năm nay nhưng không bao giờ công bố cho người dân được biết.
Cũng lo ngại về việc xếp hạng các TCTD, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) cho rằng “việc cho phá sản ngân hàng nhưng bảo hiểm tiền gửi chỉ được tối đa 75 triệu đồng khiến người dân rất lo lắng. Vậy làm sao để người dân nhận biết được ngân hàng yếu kém? Nếu như hiện nay, người dân cứ gửi vào ngân hàng lớn cho chắc ăn, thì còn cơ hội nào cho các TCTD nhỏ?”
Trả lời về vấn đề này, Thống đốc cho biết NHNN đang thực hiện xếp hạng các TCTD theo Dự thảo thông tư quy định về xếp hạng các TCTD thay thế cho Quyết định số 06/2008, tuy nhiên, kết quả xếp hạng sẽ chỉ được gửi cho từng TCTD mà không được công bố công khai cho người dân bởi vì theo Thống đốc, việc xếp hạng TCTD được dùng để quản lý điều hành chính sách.
Như vậy, người gửi tiền sẽ không biết được tình hình “sức khỏe” cũng như xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng mà mình đang gửi tiền, với việc khách hàng chỉ được chi trả tối đa 75 triệu đồng/sổ tiết kiệm, rủi ro của khách hàng sẽ rất lớn khi một ngân hàng tuyên bố phá sản.
Ngoài ra, điều khoản cho phép phá sản ngân hàng cũng đi ngược lại với chủ trương huy động vàng và Đô-la trong dân của Thủ tướng chính phủ. Cũng trong buổi làm việc với ngành Tài chính mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định nhiệm vụ ưu tiên của năm 2018 là giảm lãi suất cho vay, mà nhân tố quan trọng để làm được điều đó là phải hạ được lãi suất đầu vào (lãi suất tiền gửi). Điều đó là không dễ thực hiện bởi người gửi tiền phải gánh một rủi ro mất mát quá lớn khi đem tiền gửi tại các ngân hàng, càng khó chấp nhận hơn khi mức lãi suất lại giảm, người dân có khuynh hướng lựa chọn phương án đầu tư khác an toàn hơn – mặc dù cũng không có nhiều lựa chọn dành cho họ.
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa bảo hiểm tiền gửi Luật Tổ chức Tín dụng phá sản ngân hàng