Chung cư mini: Không có giấy tờ hợp pháp, bị bán tháo sau vụ cháy
- Tuấn Minh
- •
Theo giới chức Hà Nội, hiện có khoảng 2.000 chung cư “mini” đang giao dịch mua bán chưa có giấy tờ sở hữu hợp pháp. Sau vụ cháy khiến 56 người chết vừa qua, hàng loạt thông tin bán tháo tài sản này xuất hiện trên thị trường.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chính sự bất cập của các quy định pháp luật đã mở đường làm phát sinh tình trạng “nở rộ” nhiều công trình nhà ở riêng lẻ được thiết kế kiểu “chung cư mini”, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ tại các đô thị, các quận nội thành trong 10 năm qua, Tạp chí Đầu tư Tài chính đưa tin.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép, sai phép các chung cư mini là do những hạn chế, bất cập trong công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở.
Sau vụ cháy khiến 56 người dân chết vừa qua, giới chức Hà Nội cho biết còn có khoảng 2.000 chung cư mini loại hình như vậy.
Anh Nguyễn Hồng Lam (Trung Văn, Nam Từ Liêm) cho biết: “Tôi mua nhà chung cư mini diện tích 56 m2 với giá 1,1 tỷ đồng cách đây 11 năm. Toà nhà cao 10 tầng không có thang thoát nạn bên ngoài và cũng không có thiết bị phòng cháy chữa cháy đúng quy định. Sau vụ hoả hoạn tại chung cư quận Thanh Xuân, 2 vợ chồng tôi quyết định bán căn nhà. Do không có sổ đỏ nên tôi nghĩ dù tôi đã hạ giá xuống còn 800 triệu đồng cũng khó có người hỏi mua”, báo Tiền Phong dẫn lời.
Chị Ngọc Linh – chủ một căn hộ chung cư 42 m2 tại Thanh Xuân cho biết chị mua căn hộ có giá 900 triệu đồng cách đây 7 năm bởi gần cơ quan, giá rẻ và hàng tháng không mất nhiều phí dịch vụ như chung cư thương mại.
Tuy nhiên, chị Linh cũng giật mình vì chung cư mình ở tương tự như chung cư vừa bị cháy. “Toà nhà tôi cao 10 tầng, tầng 1 để xe và tầng thượng để phơi quần áo. Tuy nhiên, tại tầng thượng, chủ quây kín bằng khung sắt, lợp mái tôn, không có cửa thoát hiểm. Ngõ vào trong toà nhà chỉ khoảng gần 3 m, cách đường lớn ước tính 20-40 m”, chị Linh nói.
Quy định Luật bất cập, chung cư mini mọc như nấm sau mưa
Theo HoREA, Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90/2006/NĐ-CP không có bất kỳ quy phạm pháp luật nào cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”, được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại các đô thị. Việc phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân phải phải phù hợp với quy hoạch; có giấy phép xây dựng; phải bảo đảm yêu cầu kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị.
Chỉ đến năm 2010, khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2006/NĐ-CP, mới cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”, được thiết kế kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ tại các đô thị.
HoREA nhận thấy quy định này không phù hợp và trái với Luật Nhà ở 2005.
Được biết, Khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP còn là dự thảo, HoREA và UBND TP.HCM đã góp ý, đề nghị không cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”, được thiết kế kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại các đô thị, với quan ngại sẽ làm phát sinh tình trạng xây dựng không phép, trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị.
Chưa kể, quy định này cũng không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ” cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
“Nhưng các ý kiến này không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”, Chủ tịch HoREA nói.
Cũng trong năm 2010, UBND TP.HCM đã không chấp thuận một công trình nhà ở riêng lẻ kiểu nhà “chung cư mini”, tại đường Cộng Hòa, Quận Tân Bình, theo đề xuất của một Tập đoàn bất động sản hợp tác với một hộ gia đình.
Tuy nhiên, nội dung Điều 43 Nghị định 71/2010/NĐ-CP đã được “nâng cấp”, chuyển thành Điều 46 Luật Nhà ở 2014, cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
“Đây chính là cơ sở pháp luật để phát triển loại hình nhà chung cư mini trong thời gian qua và đã bị lợi dụng để xây dựng trái phép, sai phép nhà chung cư mini”, Chủ tịch HoREA khẳng định.
Từ khóa cháy chung cư HoREA Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chung cư mini Dòng sự kiện