Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm: Doanh thu 829 tỷ đồng, chi bồi thường 50 tỷ đồng
Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc với xe máy năm 2019 là 829 tỷ đồng, số chi bồi thường là 50 tỷ đồng, tỷ lệ phải chi bồi thường/doanh thu chỉ 6%.
Tại cuộc họp báo về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới do bộ Tài chính tổ chức sáng 22/5, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh thừa nhận hồ sơ bồi thường đối với bảo hiểm xe máy gây khó khăn cho người mua bảo hiểm. Hồ sơ bồi thường đối với bảo hiểm xe máy có thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho người mua bảo hiểm nên tỷ lệ tham gia chưa cao.
Ông Khánh cho biết sau hơn 10 năm thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc dân sự chủ xe cơ giới, hiện có 110,3 triệu lượt xe tham gia, trong đó khoảng 93,5 triệu lượt xe máy.
Doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ; trong đó có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.
Tuy nhiên tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy chỉ đạt khoảng 30% đối với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy); đối với ô tô, tỷ lệ này ở mức 90% (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).
Theo ông Khánh, mức trách nhiệm bồi thường hiện nay chưa theo kịp với chi phí gia tăng của dịch vụ y tế, sửa chữa phương tiện. Phí bảo hiểm được niêm yết nhưng chưa phản ánh đúng rủi ro của từng người, không dựa trên lịch sử tai nạn, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện.
Trên thực tế khi xảy ra tai nạn, có trường hợp gọi cơ quan chức năng thì được trả lời hai bên nên tự thỏa thuận, cũng có tình trạng chủ xe báo có tai nạn nhưng người của công ty bảo hiểm không đến ngay. “Thủ tục bồi thường bảo hiểm xe máy đúng là có vấn đề và cần sửa đổi bổ sung”, ông Khánh nói.
Việc mua và bồi thường bảo hiểm xe cơ giới (đặc biệt là xe máy) bị phản ánh nhiều bất cập như đại lý giảm giá, chiết khấu 30% cho khách hàng, thời hạn bảo hiểm kéo dài 2 năm; công ty bảo hiểm từ chối bồi thường đối với bảo hiểm “vỉa hè”, bảo hiểm xe máy bán có giá 20.000 đồng/năm… Thủ tục bồi thường bảo hiểm đòi hỏi nhiều loại giấy tờ. |
Ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính đánh giá tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc 6% là mức thấp nhất nếu so với tỷ lệ bồi thường 40-70% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác. “Nếu thấp do ít tai nạn thì đáng mừng, nhưng nếu do người dân không nhận được bồi thường thì rất đáng buồn”, ông Đán nhận định.
Ông Đán cho hay tổng đại lý được trả mức chiết khấu cao nên sau khi nhận tệp giấy chứng nhận bảo hiểm thì chuyển cho những người bán F1, F2 đi bán. Đó là lý do tại sao có tình trạng tràn lan người bán bảo hiểm ngồi dọc vỉa hè.
Cũng theo ông Đán, các doanh nghiệp bảo hiểm có rất nhiều sai sót ngay từ khâu bán và có vấn đề ở khâu xử lý bồi thường khiến cho loại bảo hiểm này chỉ mang tính hình thức.
Để khắc phục bất cập trong xử lý bồi thường, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết Bộ Tài chính sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 103 và sửa đổi Thông tư 22 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
Dự thảo sẽ mở rộng phạm vi và rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường; mở rộng phạm vi và nâng mức hỗ trợ nhân đạo; mặt khác, cụ thể hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng đơn giản hóa, tăng trách nhiệm và tính chủ động của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống gian lận bảo hiểm.
Dự kiến trong tháng 5, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với hồ sơ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 103.
Từ khóa bảo hiểm xe máy