Dây chuyền công nghiệp liên tục được dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam
- Lý Chính Hâm
- •
Do chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng và tác động của các yếu tố bên ngoài như việc tăng thuế quan do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, thời gian qua dây chuyền công nghiệp liên tục được dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác với lượng đặt hàng đạt 430 tỷ nhân dân tệ (NDT, khoảng 66 tỷ USD).
Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, ngành công nghiệp giày dép của nước này đã phát huy được lợi thế chi phí lao động thấp của mình. Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã xuất khẩu hàng tỷ đôi giày ra thế giới mỗi năm. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm giày dép của Trung Quốc liên tục tăng nhanh, từ 10,096 tỷ USD năm 2001 lên 56,248 tỷ USD năm 2014.
Theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc Đại Lục ngày 11/1, do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến thuế gia tăng và chi phí lao động Trung Quốc không ngừng leo thang, trong 7 năm qua, các đơn hàng xuất khẩu của ngành giày dép Trung Quốc đã liên tục biến mất.
Sau năm 2014, lượng xuất khẩu giày dép của Trung Quốc bắt đầu giảm. Tính theo giá trị xuất khẩu năm 2014 là 56,248 tỷ USD, thì từ năm 2015 – 2020, giá trị xuất khẩu giảm tương ứng lần lượt là 2,739 tỷ USD, 9,04 tỷ USD, 8,062 tỷ USD, 9,354 tỷ USD, 8,548 tỷ USD và 18,137 tỷ USD. Mức giảm trong 11 tháng đầu năm 2021 là khoảng 10 tỷ USD.
Trong 7 năm qua, khối lượng xuất khẩu cộng dồn của ngành giày dép Trung Quốc đã giảm 66 tỷ USD; tính theo tỷ giá USD hiện tại sang NDT là 6,37, mức lỗ là 430,42 tỷ NDT.
Chi phí lao động của Trung Quốc liên tục leo thang. Lấy thành phố Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc làm ví dụ, năm 2001, mức lương tối thiểu của thành phố này là 380 NDT (khoảng 59,76 USD) / tháng; đến năm 2022 đã tăng lên 1.960 NDT (khoảng 308 USD); tăng hơn 4 lần trong 20 năm.
Tình hình này buộc một số nhà sản xuất giày bắt đầu dịch chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á, nơi có lợi thế về chi phí nhân lực, đất đai và thuế xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất giày quy mô lớn vốn Đài Loan như Huali (Hoa Lợi), Feng Tay (Phong Thái), Yue Yuen (Dụ Nguyên) và Fulgent Sun (Ngọc Tề) làm đại diện đã chuyển dây truyền sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Theo dữ liệu của Wind, xuất khẩu giày hàng năm của Việt Nam dưới 5 tỷ USD trước năm 2010 đã đạt 18,318 tỷ USD vào năm 2019.
Ví dụ, trước năm 2010, Trung Quốc là nước sản xuất giày dép lớn nhất của Nike, thì hiện nay hơn một nửa lượng giày của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam dần thay thế Trung Quốc, trở thành cơ sở sản xuất các sản phẩm giày dép lớn nhất của Nike.
Báo cáo tài chính của Nike cho thấy theo thời gian, tỷ lệ OEM (sản xuất thiết bị gốc hay sản xuất “hộ”) của Việt Nam tiếp tục tăng. Năm 2020, Việt Nam sản xuất 50% sản phẩm giày dép của Nike; đến năm 2021, tỷ trọng này tiếp tục tăng lên 51%. Đồng thời, thị phần sản xuất của Trung Quốc đã giảm dần từ 35% năm 2006 xuống còn 21% năm 2021.
Tương tự như Nike, Adidas – một hãng đồ thể thao khổng lồ khác, cũng có những thay đổi tương tự trong lĩnh vực sản xuất giày dép của mình. Năm 2013, Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành nơi sản xuất giày Adidas lớn nhất. Vào thời điểm đó, Việt Nam sản xuất 35% sản phẩm giày dép của Adidas, và Trung Quốc chiếm 31%; đến năm 2020, tỷ lệ sản xuất của Việt Nam đã tăng lên 42%, trong khi Trung Quốc chỉ còn 15%.
Tháng 1/2015, Việt Nam đã ban hành chính sách ưu đãi thuế thu nhập cho các công ty sản xuất. Theo các chính sách ưu đãi liên quan, thuế thu nhập doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nhất định sẽ được miễn hoàn toàn trong 4 năm đầu, miễn 50% trong 9 năm tiếp theo và miễn giảm 10% trong 15 năm tiếp theo.
Ngoài ra, Việt Nam còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, gồm miễn thuế nhập khẩu hàng hóa để hình thàng tài sản cố định, kê khai thuế giá trị gia tăng hàng quý, cũng như các ưu đãi tín dụng đầu tư khác và miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Trong những năm gần đây, các chính sách nêu trên của Việt Nam đã được cập nhật. Hiện nay, Việt Nam sẽ đầu tư với quy mô lớn hơn để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Vào ngày 12/1, theo báo cáo của “Bloomberg”, Quốc hội Việt Nam đã thông qua kế hoạch kích cầu trị giá khoảng 347.000 tỷ VNĐ (khoảng 15,28 tỷ USD), nhằm vực dậy hoàn cảnh khó khăn của những người bị ảnh hưởng nặng nề trước đại dịch. Trong đó sẽ tập trung vào việc giúp đỡ các công ty và công nhân bị tàn phá bởi virus viêm phổi Vũ Hán, và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Các quan chức Việt Nam đang tìm cách sửa chữa một nền kinh tế bị tổn hại vì phong tỏa trong đại dịch. Các nhà máy đóng cửa vì dịch bệnh cũng gián tiếp làm suy yếu chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo thông tin chính thức, ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, đề nghị Chính phủ tìm cách duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế trong khi kiểm soát lạm phát.
Gói kích cầu 347.000 tỷ VNĐ (khoảng 15,28 tỷ USD), gồm khoảng 170.000 tỷ VNĐ (khoảng 7,48 tỷ USD) chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2022- 2023, sẽ giảm lãi suất cho vay ngân hàng khoảng 1 điểm phần trăm và trì hoãn việc thanh toán khoản vay để giúp đỡ các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Việt Nam sẽ ổn định tỷ giá hối đoái bằng cách bán đô la Mỹ khi cần thiết. Quốc hội cũng đã thông qua việc tăng bội chi ngân sách (Thâm hụt ngân sách) nhà nước trong hai năm 2022 và 2023 là 2,4 triệu tỷ VNĐ (khoảng 105,72 tỷ USD).
Lý Chính Hâm, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa chuỗi cung ứng toàn cầu Dòng sự kiện Adidas Nike Dây chuyền công nghiệp