Điều gì khiến một quốc gia quyết định đổi, hủy tiền?
- Phương Nga
- •
Dưới góc nhìn kinh tế, đổi tiền và/hoặc hủy tiền không phải là một quyết định dễ dàng với mọi chính phủ bởi các hệ lụy khó lường của nó cũng như đòi hỏi phải có một kế hoạch đổi, hủy tiền chặt chẽ, khả thi nhằm tránh các hỗn loạn không cần thiết. Tuy nhiên, loại bỏ một đồng tiền đang trong lưu thông đôi khi mang lại hiệu quả thực sự cho nền kinh tế-chính trị quốc gia. Vậy điều gì khiến một quốc gia quyết định đổi tiền?
Nhìn lại lịch sử đổi tiền của các quốc gia và nền kinh tế, nhìn chung có 4 nguyên nhân chính dẫn đến quyết định hủy lưu thông một loại tiền tệ nhất định và/hoặc thay bằng loại tiền tệ khác hoặc dưới một mệnh giá khác.
Thứ nhất, khi các quốc gia hoặc nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng: hệ thống ngân hàng sụp đổ, lạm phát phi mã…
Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều quốc gia phải đổi hoặc hủy đồng nội tệ của mình. Khi lạm phát phi mã, người dân cần một khối lượng tiền mặt lớn gấp hàng chục lần thông thường để mua hàng hóa thiết yếu. Điều này sẽ đẩy chi phí in ấn, chi phí lưu thông đồng tiền đó lên mức quá cao, khiến tình trạng lạm phát càng trở nên tồi tệ. Lúc này, hầu như hệ thống ngân hàng bị tê liệt hoàn toàn, người dân không gửi tiền vào hệ thống, thay vào đó họ (nếu có tiền) sẽ chuyển đồng nội tệ thành một loại ngoại tệ mạnh hoặc các tài sản an toàn khác . Dưới đây là một số trường hợp điển hình.
1. Gần đây nhất, ngày 11/12 vừa qua, Venezuela tuyên bố đổi tiền với kế hoạch đổi tiền cực ngắn (trong 10 ngày) được cho là bất khả thi. Theo Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, quyết định đổi tiền nhằm loại bỏ tình trạng buôn lậu đồng 100 Bolivar qua biên giới nước này với Colombia. Tuy nhiên, hầu hết người dân Venezuela cũng như các nhà quan sát quốc tế, các chuyên gia kinh tế đều không tin vào lý do này.
Hiện nay, Venezuela đang trong khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Chính phủ nước này không đưa con số lạm phát chính thức, nhưng Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính lạm phát ở Venezuela lên tới 720% trong năm 2016. Tuy nhiên, đây vẫn là số liệu lạc quan bởi theo những nhà phân tích kinh tế, lạm phát của quốc gia này năm 2016 ở mức trên 1200%. Hiện nay, tỷ lệ USD tại “chợ đen” cao hơn 100 lần so với tỷ giá công bố chính thức. Khan hiếm hàng hóa, đói nghèo, hỗn loạn là thực trạng của quốc gia đang chìm trong khủng hoảng này.
Khi không có những chính sách kinh tế, những cải cách thiết thực về thể chế, động chạm tới căn nguyên của cuộc khủng hoảng thì chương trình đổi tiền của này Venezuela cũng chỉ có thể làm quốc gia này chìm sâu hơn vào khủng hoảng và đổ vỡ.
2. Ecuador hủy lưu thông tiền bản địa, sử dụng đồng USD như một giải pháp giải quyết khủng hoảng kinh tế cuối thập kỷ 90 của nước này. Giảm phát kinh tế trong giai đoạn 1997-98 đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nghiêm trọng năm 1999. Cuộc khủng hoảng cộng với một số cú sốc toàn cầu, như hiện tượng El Niño năm 1997, giá dầu giảm mạnh năm 1997-98, và sự bất ổn định ngày càng tăng của thị trường quốc tế năm 1997-98 (khủng hoảng tài chính Châu Á). Những bất lợi từ môi trường kinh tế quốc tế đã làm bộc lộ rõ hơn yếu kém trong hoạch định chính sách kinh tế của chính phủ Ecuador; thêm vào đó tình trạng thâm hụt thuế nặng và chi tiêu cao khiến GDP giảm 7.3%, lạm phát hàng năm lên tới 52.2% và đồng tiền tệ quốc gia mất giá 65% năm 1999. Cuộc khủng hoảng khiến hệ thống ngân hàng nước này sụp đổ. Để giải quyết khủng hoảng, Ecuador quyết định hủy lưu thông tiền bản địa, thay vào đó là sử dụng đồng USD kể từ ngày 15/9/2000 cho tới nay.
3. Đổi tiền đồng của Việt Nam thập kỷ 80 khi đất nước chìm trong lạm phát phi mã, tăng trưởng trì trệ, cán cân thanh toán mất cân đối nghiêm trọng. Lạm phát ngầm đã diễn ra từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 thì chênh lệch giữa giá trong (giá chính phủ quản lý và công bố) và ngoài “chợ đen” ngày một lớn. Tính phi thị trường càng rõ khi phân phối thì bao cấp hiện vật, ngân hàng thì không theo nguyên tắc lấy vay để cho vay, ngân sách thì không theo nguyên tắc lấy thu để chi, nên để bù đắp bội chi tiền mặt, bội chi ngân sách đã phải in tiền; lại gặp sai lầm khi cải cách “giá-lương-tiền” năm 1985, đã làm cho siêu lạm phát xuất hiện, lên tới 774,7% năm 1986 và kéo dài với mức 3, rồi 2 chữ số cho đến đầu thập kỷ 90.
Đổi tiền đồng nằm trong chương trình cải cách “giá – lương – tiền” năm 1985. Trước tình hình diễn biến phức tạp của lưu thông hàng – tiền và nạn khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng trong thanh toán, ngày 14/9/1985 Nhà nước lại phải công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền NHNN cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương. Nhà nước đã cho phát hành thêm vào lưu thông một khối lượng lớn tiền tương đương với 1,38 lần khối lượng tiền mới đã phát hành trong đợt đổi tiền trước đó để phục vụ công cuộc cải cách lương và giá.
Tuy nhiên, lần đổi tiền này không mang lại thành công vì đã không chạm tới vấn đề gốc rễ phát sinh khủng hoảng là thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung trì trệ. Năm 1986, một năm sau đổi tiền, lạm phát phi mã của nền kinh tế chạm mức kỷ lục: 774,7%, nền kinh tế kiệt quệ hơn bao giờ hết (!)
Thứ hai, để xử lý “tiền bẩn”
Tiền bẩn được hiểu là thu nhập từ các hoạt động trái pháp luật như buôn lậu, rửa tiền, tham nhũng, trốn thuế… Khi tiền bẩn được lưu trữ (bằng tiền bản địa) bởi một nhóm có lợi ích trái ngược với chính phủ và lớn đến mức có tác động tiêu cực tới nền kinh tế hoặc các vấn đề xã hội thì việc vô hiệu hóa quyền lực của nhóm này là cần thiết. Một trong các biện pháp tẩy sạch tiền bẩn ra khỏi nền kinh tế chính là đổi tiền lưu thông (loại khác hoặc mệnh giá khác).
Cuối tháng 11 vừa qua Thủ tướng Ấn Độ Ông Modi đột ngột ra quyết định về việc hủy bỏ lưu hành các tờ tiền mệnh giá 500 và 1000 rupee. Hai tờ tiền này chiếm hơn 80% lượng tiền lưu hành tại nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Á. Lý do loại bỏ 2 loại mệnh giá này ra khỏi lưu thông của Chính phủ Ấn Độ là để đối phó với nạn tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tiền bẩn. Tuy nhiên, do thiếu một kế hoạch và lộ trình đổi tiền khả thi, quyết định này của chính phủ Ấn Độ đang gây ra sự khan hiếm tiền mặt trên toàn quốc, đẩy doanh nghiệp và người tiêu dùng vào thế khó khăn, điều này sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng và ổn định của Ấn Độ trong thời gian tới.
Thứ ba, vấn đề tiền giả trở nên trầm trọng
Khi tiền giả trở nên phổ biến và chính phủ khó khăn trong việc kiểm soát vấn đề này, nền kinh tế và hệ thống tài chính quốc gia sẽ lâm vào tình trạng rủi ro cao vì khi đó chính sách tiền tệ, tài khóa của chính phủ bị suy giảm hiệu lực, lạm phát gia tăng, tăng trưởng trì trệ, và đặc biệt là mất mát niềm tin. Để ngăn chặn sức nặng của vấn nạn tiền giả, biện pháp cuối cùng các chính phủ có thể nghĩ đến đó là đổi tiền bản địa.
Thứ tư, các mục tiêu kinh tế – chính trị khác
EU là một trường hợp điển hình về việc hủy tiền bản địa của các nước trong khối và thay bằng đồng Euro (EUR) – đồng tiền chung Châu Âu. Thời điểm đó, không nước nào trong khối rơi vào khủng hoảng kinh tế – tài chính, hoặc có vấn đề trầm trọng đối với tiền bẩn hoặc tiền giả. Hầu hết các nước EU đã từ bỏ đồng tiền quốc gia riêng của họ để có một Châu Âu thống nhất về kinh tế – chính trị.
Ngoài ra, một quốc gia có thể quyết định đổi mệnh giá tiền tệ hiện đang quá lớn sang loại tiền mệnh giá nhỏ.
Việt Nam cũng từng có tiền lệ đổi tiền do mục tiêu kinh tế – chính trị khác. Ngày 3/5/1975 chính quyền Hà Nội tiếp quản Ngân hàng quốc gia của chính quyền miền Nam và vẫn sử dụng đồng tiền cũ để không gây rối loạn trong lưu thông tiền tệ ở miền nam những ngày đầu tiếp quản. Ngày 6/6/1975 – 5 tuần sau khi tiếp quản, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT – 75 về thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do ông Trần Dương làm Thống đốc. Đến ngày 22/9/1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà miền nam Việt Nam đã tổ chức cuộc đổi tiền trên qui mô toàn miền Nam để đưa đồng tiền mới lấy tên là “Tiền Ngân hàng Việt Nam” vào lưu thông với tỷ lệ 1 đồng NHVN ăn 500đ tiền của chế độ cũ và tương đương với 1 USD.
Nhìn chung, đổi tiền và/hoặc hủy tiền không phải là một quyết định dễ dàng với mọi chính phủ bởi các hệ lụy khó lường của nó cũng như đòi hỏi phải có một kế hoạch đổi, hủy tiền chặt chẽ, khả thi nhằm tránh các hỗn loạn không cần thiết. Tuy nhiên, loại bỏ một đồng tiền đang trong lưu thông đôi khi mang lại hiệu quả thực sự cho nền kinh tế-chính trị quốc gia nếu việc này được thực hiện một cách khoa học, bài bản với một chiến lược truyền thông hiệu quả.
Cập nhật ngày 26/12: đã sửa lại một số từ ngữ trong đoạn đổi tiền ở VN năm 1975 để mang tính trung dung hơn
Phương Nga (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa ngân hàng thị trường tiền tệ Chính sách kinh tế Đổi tiền