Ngành ngân hàng yêu kém của Italy đã phải chịu thêm khó nạn khi các cử tri phản đối đề nghị cải cách chính trị của Chính phủ vào ngày 4/12 vừa qua.

khung-hoang-ngan-hang-italy
(Ảnh minh họa: Economist.com)

Sự bất ổn chính trị sau cuộc trưng cầu dân ý và việc từ chức của Thủ tướng Italy Matteo Renzi có thể khiến nhu cầu huy động thêm vốn của hệ thống ngân hàng tại quốc gia này không có kết quả.

Ông Renzi quyết định từ chức vào ngày 05 tháng 12 sau khi gần 60% cử tri bác bỏ kế hoạch của ông trong cải cách hiến pháp. Chính phủ của Ông Renzi đã có kế hoạch cải cách các vấn đề chủ chốt về thể chế bao gồm cả lĩnh vực ngân hàng nhưng do quy trình lập pháp phức tạp nên chỉ có vài cải cách được thực thi.

Cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp nhằm hợp lý hóa quy trình xây dựng pháp luật bằng cách giảm quyền lực của Thượng viện và tăng thêm quyền lực cho chính quyền trung ương.

Theo ông Renzi, kết quả của cuộc bầu cử là một thất bại nặng nề đối với ông. Giờ đây, việc ông từ chức cũng đồng nghĩa rằng các ngân hàng không thể trông cậy vào sự trợ giúp của nhà nước để thoát khỏi các vấn đề tài chính tồi tệ của mình trong tương lai gần cho tới khi chính phủ mới được thành lập.

Những vấn đề trong ngành ngân hàng của Italy bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, không giống trường hợp của Mỹ, hệ thống ngân hàng Italy rất khó phục hồi do tăng trưởng kinh tế trì trệ, doanh nghiệp khó khăn khiến nợ xấu gia tăng và chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng suy yếu.

Trong mười năm qua, Italy là quốc gia có kết quả tăng trưởng kinh tế tệ thứ hai trong khu vực châu Âu, chỉ tốt hơn so với một Hy Lạp khủng hoảng trầm trọng. Bên cạnh đó, so với các ngân hàng châu Âu khác, các ngân hàng Italy có cho vay doanh nghiệp nhiều hơn và nhiều năm hoạt động kinh tế yếu kém đã dẫn đến sự gia tăng các khoản nợ xấu.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng số nợ xấu (NPL) tại các ngân hàng Italy vào cuối năm ngoái là gần 360 tỷ € (386 tỷ $). Nợ xấu chiếm 18% tổng dư nợ. Và 210 tỷ euro (225 tỷ $) của các khoản vay này được coi là vỡ nợ.

Khối lượng lớn nợ xấu chủ yếu là kết quả của sự suy thoái kinh tế sâu sắc“, IMF cho biết.

Giống như các ngân hàng châu Âu khác, các ngân hàng Italy có mức sinh lời thấp do tỷ lệ lãi suất thấp. Quan trọng hơn, các ngân hàng Italy cũng có vấn đề về quản trị và tham nhũng, nhiều chuẩn mực đạo đức ngành bị phá bỏ. Ví dụ, các ngân hàng có rủi ro tín dụng cao do ưu tiên cho vay tới người thân, bạn bè, nhiều ngân hàng thậm chí còn ép các khách hàng doanh nghiệp mua cổ phần của các ngân hàng mình thì mới cho vay.

Chỉ số chứng khoán của nhóm ngân hàng Italy (FTSE) đã mất gần một nửa giá trị kể từ tháng 1 năm nay. Cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ ba của Italy là Monte dei Paschi di Siena (MPS) mất giá nhiều nhất, giảm tới 84%.

MPS đã bị đặt trong tình trạng giám sát từ tháng 7 sau khi không thể vượt qua bài kiểm tra sức căng (Stress Tests) của Cơ quan ngân hàng Châu Âu (European Banking Authority). MPS là ngân hàng yếu nhất trong 51 ngân hàng Châu Âu thực hiện bài kiểm tra này. MPS cũng đồng thời là định chế tài chính lâu đời nhất thế giới, được thành lập từ năm 1472, hiện đang cần được bơm tới 5 tỷ EUR vốn để tồn tại.

Theo giới truyền thông Italy, các ngân hàng của nước này cần một gói cứu trợ gần 45 tỷ EUR (tương đương với 48 tỷ USD) cho toàn hệ thống để xóa bỏ các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, các ngân hàng không thể tự huy động tiền từ các nhà đầu tư, nên giải cứu từ chính quyền là hy vọng cuối cùng.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia cũng cảnh báo sự cứu trợ của chính phủ có thể khiến các nhà đầu tư mất niềm tin hơn nữa vào hệ thống ngân hàng Italy và dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới tại khu vực Châu Âu.

Italy vẫn là một nền kinh tế rủi ro – có thể là rủi ro nhất  – cho tương lai của đồng EUR và Châu Âu“, Robert Kahn, một nhà kinh tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã viết trong một báo cáo.

Đức Anh (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: