Lâu nay giới doanh nhân Trung Quốc lưu truyền một bí quyết làm ăn được cho là kinh điển “Ở đâu người Mỹ thất bại, ở đó người Trung Quốc có vàng” và lần này, nơi đó là Afghanistan.

doanh nhan
Thương nhân tại một khu chợ ở Herat, Afghanistan. (Ảnh: Shutterstock)

Trong khi cư dân và nhiều doanh nghiệp các nước tìm cách rút khỏi Afghanistan khi nước này rơi vào tay Taliban, các doanh nhân Trung Quốc ngược lại đang háo hức cho việc rót tiền vào quốc gia này, với họ đây là cơ hội làm giàu ‘chỉ có một lần trong đời’.

Anh Liu 32 tuổi kiếm được 30.000 USD mỗi năm tại một công ty kỹ thuật điện ở Trung Quốc. Anh mơ ước một ngày nào đó được sống một cuộc sống thoải mái trong ngôi nhà của chính mình, nhưng giá bất động sản tăng vọt và sự cạnh tranh gay gắt ở Bắc Kinh đang khiến viễn cảnh đó như mò trăng đáy nước.

Tuy nhiên, khi tin Kabul thất thủ xuất hiện trên khắp các mặt báo hôm 15/8, anh Liu đã tìm thấy cơ hội tuyệt vời để cứu vãn ước mơ của mình. “Tại một Afghanistan ổn định dưới sự cai trị của lực lượng vô địch Taliban”, anh Liu dự đoán, sự bùng nổ trong việc xây dựng mới sẽ dẫn đến nhu cầu về hệ thống điện tăng vọt. Vì vậy, việc chuyển đến Afghanistan trong vài năm và kiếm được thu nhập gấp 10 lần hiện tại là điều nhất định phải làm.

Có rất nhiều người tại Trung Quốc giống anh Liu khi truyền thông nước này hiện đang kể một câu chuyện “đầy màu hồng” về tương lai của Afghanistan khi thiếu vắng Hoa Kỳ. Câu chuyện tập trung vào sự phát triển trong tương lai nhưng bỏ qua các hành động tàn bạo trong quá khứ của Taliban đã thúc đẩy cảm giác lạc quan và cường điệu đầu tư ở một số người Trung Quốc khi họ tìm kiếm lợi nhuận từ những kỳ vọng ở mối quan hệ ngày một ‘ấm áp’ giữa Bắc Kinh và nước láng giềng nghèo đói, bao năm bị tàn phá bởi chiến tranh.

shutterstock 2027614931
Những hình ảnh hỗn loạn tại Afghanistan không khiến các doanh nhân Trung Quốc cảm thấy băn khoăn, thay vào đó là cơ hội. (Ảnh: john smith/ShutterStock)

VICE World News đã nói chuyện với hàng chục người đàn ông Trung Quốc đang tìm cách kiếm tiền ở Afghanistan bằng cách buôn bán các mặt hàng từ điện tử đến bao bì nhựa và phân bón.

Doanh nhân họ Cao, 40 tuổi cho biết anh quan tâm đến việc đưa các sản phẩm chiếu sáng và kinh doanh phân bón của mình sang nước láng giềng phương Tây xa xôi của Trung Quốc. Theo anh, thị trường ở hầu hết các nước châu Á đã bão hòa, nhưng Afghanistan là một thị trường béo bở chưa được khai thác.

Anh Cao xác định sẽ mất vài năm sống khắc khổ ở Afghanistan, nhưng với anh, điều đó đáng để gia đình anh có một mức sống cao hơn. Là người gốc Đông Bắc Trung Quốc, anh Cao nghĩ sẽ nhanh thích nghi được cuộc sống mới, ít nhất anh nghe nói đồ ăn của Afghanistan tương tự như ở Tân Cương – nơi anh từng học 3 năm ở đó.

“Bạn biết đấy, rủi ro cao đi kèm với lợi nhuận cao hơn. Chúng tôi cần sẵn sàng đến đó ngay khi tình hình ổn định. Theo dõi tin tức, tôi cảm thấy Taliban không còn khủng khiếp như vậy nữa. Tôi muốn đặt cược rằng Taliban đang trở nên tốt đẹp hơn”, anh Cao nói.

Các doanh nhân tham vọng đều bày tỏ sự tin tưởng vào sự hỗ trợ của Taliban đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, với lý do mối quan hệ có vẻ thân thiện giữa nhóm này và Bắc Kinh. Vài tuần trước khi Kabul tiếp quản, Ngoại trưởng Trung Quốc đã tổ chức một cuộc nói chuyện với một thủ lĩnh Taliban ở Trung Quốc. Bắc Kinh cũng là một trong những chính phủ đầu tiên thể hiện thiện chí hỗ trợ sự phát triển của Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền hồi tháng này.

p2990081a26360596
Các nhà lãnh đạo cấp cao của Taliban tại Afghanistan đã đến thăm Trung Quốc và gặp gỡ ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. (Ảnh: Trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Những cử chỉ thân thiện đã thúc đẩy làn sóng đồn đoán trên mạng về các khoản đầu tư sắp tới của Trung Quốc vào Afghanistan. Trên các nền tảng xã hội như Weibo và Douyin, những nhà đầu tư có tiếng đã đưa ra danh sách cái gọi là “cổ phiếu theo chủ đề Afghanistan”, chẳng hạn như các công ty xây dựng nằm gần biên giới phía tây bắc của Trung Quốc và các công ty khai khoáng trước trữ lượng khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ đô la của Afghanistan đã sẵn sàng để khai thác.

Cổ phiếu của các công ty cơ sở hạ tầng tăng mạnh, ngay cả khi họ từ chối mọi kế hoạch mở rộng sang Afghanistan. Tập đoàn Xây dựng Tân Cương, điều hành các dự án ở Ukraine và Tajikistan, đã có cổ phiếu tăng trần trong 3 ngày liên tiếp sau khi Taliban tiếp quản.

“Chúng tôi hiểu rằng không có kế hoạch đầu tư vào Afghanistan ngay bây giờ, nhưng trong tương lai, cơ hội hợp tác nhằm tái thiết đất nước và giúp những người Afghanistan khốn khổ thoát khỏi đói nghèo là đáng hy vọng”, một nhà đầu tư cho biết.

Trước đó, các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ có một sự hiện diện ít ỏi ở Afghanistan. Đến năm 2019, Trung Quốc có khoảng 420 triệu USD đầu tư trực tiếp vào Afghanistan, so với 4,8 tỷ USD vào nước láng giềng Pakistan, theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Thương mại.

Trong thời gian hỗn loạn sau khi Taliban tiếp quản, China Town Kabul, một công ty thương mại tư nhân điều hành các nhà máy sản xuất và thương mại hàng hóa Trung Quốc, đã thống trị phương tiện truyền thông Trung Quốc như một tiền đồn hiếm hoi của Trung Quốc vẫn còn ở Afghanistan.

china town
Trụ sở tập đoàn China Town Kabul tại Afghanistan (Ảnh: Facebook/China Town Kabul)

China Town Kabul đã tạm ngừng hoạt động, nhưng các doanh nhân của họ vẫn đưa ra những dự đoán lạc quan về tương lai của Afghanistan, điều mà họ cho rằng sẽ mang lại cho các nhà sản xuất Trung Quốc lợi thế tuyệt đối so với các cường quốc phương Tây.

Tang Tao, đại diện của China Town Kabul, nói với VICE World News một tuần sau khi Taliban tiếp quản rằng “Đây là thời điểm rất tốt cho các doanh nghiệp Trung Quốc vào Afghanistan”.

“Taliban chống Mỹ và chống phương Tây, vậy họ có thể dựa vào ai để phát triển xã hội? Tất nhiên sẽ là các cường quốc phương Đông. Giới chức Taliban sẽ phải đối mặt với nhu cầu nuôi sống gần 40 triệu người. Nếu chúng tôi không làm, người khác sẽ làm điều đó”, doanh nhân 36 tuổi chia sẻ.

Anh Tang cho biết China Town Kabul đang thực hiện một loạt dự án sản xuất, từ sản xuất thép đến sản xuất quần áo và tã lót. Nhờ sự phủ sóng rộng rãi của các phương tiện truyền thông gần đây, công ty đang thu hút một lượng lớn sự quan tâm từ quê nhà. Anh Tang cho biết hơn 300 người đã liên hệ với công ty trong tuần qua để hỏi về các cơ hội ở Afghanistan và cách di chuyển đến đất nước này.

Nhưng trái ngược với niềm đam mê có phần hỗn loạn của các doanh nghiệp tư nhân, chính phủ Trung Quốc không có những hành động cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển đến Afghanistan dưới thời Taliban lãnh đạo.

shutterstock 526391170
Người Mỹ rời đi để lại cho Afghanistan một tương lai mờ mịt. (Ảnh: KreangKrai sudachom/Shutterstock)

Mặc dù hỗ trợ Taliban trong nhiều năm, Bắc Kinh vẫn hoài nghi rằng nhóm này có thể giữ lời và bảo vệ các dự án, người lao động và các lợi ích khác của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, mặc dù giảm được sự hiện diện của Mỹ ở khu vực lân cận, nhưng sự cai trị chuyên quyền, khắc khổ của Taliban có thể thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan ở Trung Á và gây ra bất ổn lớn cho các quốc gia mà Trung Quốc đầu tư lớn, như Tajikistan và Pakistan. Bắc Kinh từ lâu cũng lo ngại về việc Taliban hỗ trợ các chiến binh ở khu vực Tân Cương, nơi các nhóm thiểu số Hồi giáo đã phải hứng chịu các cuộc đàn áp khắc nghiệt.

Năm 2004, một nhóm tay súng đã giết 11 công nhân xây dựng đường bộ Trung Quốc khi họ đang ngủ trong lều của mình. Được thuê bởi một công ty nhà nước, các công nhân từ nông thôn Trung Quốc đã đến Afghanistan chỉ vài ngày trước đó, với mức lương hàng ngày khoảng 13 USD. Chính phủ Afghanistan đổ lỗi vụ việc cho những người có quan hệ với thủ lĩnh chiến binh Gulbuddin Hekmatyar, nhưng chính xác ai đã ra lệnh tấn công và tại sao vẫn còn là ẩn đố.

“Mọi người từng nghĩ rằng ở Afghanistan, người Trung Quốc là người an toàn nhất trong số tất cả người nước ngoài, nhưng họ đã nhầm”, theo Xinhua.

Nhiều cuộc tấn công gần đây đã nổ ra ở Pakistan, một đồng minh thân cận của Trung Quốc. Tuần trước, một vụ đánh bom liều chết nhắm vào các kỹ sư Trung Quốc đã khiến 2 trẻ em thiệt mạng và 3 người khác bị thương.

Giữa tháng 7, một vụ đánh bom đã giết chết 13 người, trong đó có 9 công nhân Trung Quốc đang đi trên xe buýt hướng tới một công trường xây dựng đập. Chính phủ Pakistan sau đó đã đổ lỗi cho các cơ quan tình báo Ấn Độ và Afghanistan về vụ tấn công.

Những lo ngại về an ninh một phần là lý do khiến nhiều dự án hàng đầu của Bắc Kinh ở Afghanistan, bao gồm cả hợp đồng trị giá 3 tỷ USD của một công ty nhà nước Trung Quốc để khai thác mỏ Mes Aynak, một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới, đã bị đình trệ trong nhiều năm.

shutterstock 2025653747
Rất nhiều doanh nhân Trung Quốc đang muốn đặt cược vào “canh bạc” giúp Afghanistan thoát khỏi điêu tàn. (Ảnh: Trent Inness/Shutterstock)

Ở một phương diện nào đó, rủi ro càng trở nên trầm trọng hơn khi Mỹ rút quân, hành động này khiến lực lượng Taliban trở lên mạnh mẽ và khó đoán. Nhưng bất chấp điều đó, Bắc Kinh vẫn phải đưa ra những lời đề nghị kinh tế với Taliban, vì vậy nhóm này có thể sẽ kiềm chế để không gây thêm rắc rối cho Trung Quốc.

Không rõ khi nào người Trung Quốc sẽ được phép đến Afghanistan dưới thời chính phủ mới, nhưng các doanh nhân cho biết họ rất muốn đến khảo sát càng sớm càng tốt để có thể tiên phong.

Anh Tang, nhân viên tại China Town Kabul cho biết anh đã đến Kabul vào mùa hè năm ngoái. Anh cho hay mình không hối tiếc và quyết định không thực hiện chuyến bay hồi hương do chính phủ Trung Quốc đề nghị vào tháng 7 để có thể thúc đẩy hợp đồng điện mặt trời mà anh đang thực hiện.

Tang cho biết anh tin tưởng Taliban sẽ ưu tiên phát triển kinh tế. Các thành viên cấp cao của Taliban đã đến thăm China Town Kabul, yêu cầu công nhân Trung Quốc tiếp tục kinh doanh để làm gương cho những người khác và anh đặt cược vào canh bạc này.

Hoài Anh

Xem thêm: