Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư 60-70 tỷ USD.

duong sat cao toc
Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư 60-70 tỷ USD. (Ảnh minh họa: muratart/shutterstock)

Chiều ngày 20/9, tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc đã có cuộc gặp gỡ quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các dự án đường sắt tại Việt Nam.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho biết theo xu thế phát triển giao thông đường sắt và mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về phát triển đồng bộ mạng lưới hạ tầng đường sắt, Tập đoàn Đèo Cả xác định tham gia đầu tư, xây dựng hạ tầng đường sắt là hướng đi mà Đèo Cả quan tâm nghiên cứu.

“Ngoài dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Tập đoàn Đèo Cả đang nghiên cứu đầu tư vào các dự án metro nội đô kết nối các địa phương Đông Nam Bộ và mong muốn các đối tác Trung Quốc tư vấn và hợp tác”, ông Hoàng nói.

Ông Trương Hướng Dương, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư tài chính quốc gia Trung Quốc, bày tỏ quan tâm đến đầu tư phát triển đường sắt cao tốc tại Việt Nam.

Ông Trương Hướng Dương cho biết Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với 4 công ty xây dựng đường sắt cao tốc lớn nhất Trung Quốc với kinh nghiệm thực hiện tổng chiều dài 40.000 km đường sắt và có doanh số lên tới 150 tỷ USD tại các thị trường nước ngoài.

Do đó, phía Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc sẵn sàng kết nối Tập đoàn Đèo Cả với các nhà thầu này để nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao.

“Chúng tôi mong muốn kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm và nguồn lực mạnh như Đèo Cả để cùng đóng góp vào hoạt động đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt cao tốc tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng Đèo Cả là đơn vị đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của chúng tôi”, ông Trương Hướng Dương khẳng định.

Hai bên dự kiến trong tháng 10/2024 sẽ tổ chức chương trình làm việc tại Trung Quốc, thông qua Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc để Tập đoàn Đèo Cả sẽ kết nối với các đơn vị đầu tư tài chính, tư vấn hạ tầng giao thông uy tín và các nhà thầu đường sắt chuyên nghiệp của Trung Quốc.

Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam với quy mô hơn 8.000 lao động.

Trong gần 1 thập kỷ, đơn vị này đã xây dựng hơn 30km hầm đường bộ, 410km đường cao tốc và quốc lộ, 6 cây cầu lớn và tổ chức quản lý 18 trạm thu phí trên cả nước, với tổng mức đầu tư lên trên 100.000 tỷ đồng.

Trước đó, tại cuộc gặp Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chiều 28/8, ông Wang Hai Huai, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), đánh giá Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh nhờ mức độ hội nhập sâu rộng, hành lang pháp lý, môi trường đầu tư cải thiện.

Ông Wang cho biết Tập đoàn CCCC đang theo sát các dự án giao thông quan trọng của Việt Nam như đường sắt cao tốc Bắc Nam, các dự án hạ tầng kết nối giữa Trung Quốc – Việt Nam, các tuyến Metro ở Hà Nội và TP.HCM. Họ cũng sẵn sàng thực hiện các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi, với những công nghệ tiên tiến nhất.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị CCCC chủ động nghiên cứu, tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng ưu tiên của Việt Nam như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Đồng Đăng; Hải Phòng – Đồng Đăng – Móng Cái và các dự án hạ tầng kết nối Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc, một số quốc gia khác.

“Đây là những công trình ưu tiên, phải được triển khai càng sớm càng tốt”, ông Hà nói và đề nghị CCCC sớm tiếp cận các đối tác Việt Nam, nghiên cứu quy định pháp luật hai bên để hợp tác hiệu quả, từ thiết kế, lựa chọn công nghệ đến quản lý, vận hành, khai thác.

“Việc này sẽ mở ra giai đoạn mới về phát triển hạ tầng tại Việt Nam, cũng như mối quan hệ giữa CCCC với các đối tác Việt Nam”, ông Hà cho biết.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư 60-70 tỷ USD, với cấu trúc đường đôi, khổ 1.435mm, sử dụng điện khí hóa, và hạ tầng được thiết kế cho tốc độ tối đa lên đến 350km/h.

Bộ GTVT đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công hai đoạn Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642km vào cuối năm 2027. Đoạn Vinh – Nha Trang, dài khoảng 899km, dự kiến sẽ được khởi công trước năm 2030, và mục tiêu hoàn thiện toàn bộ tuyến đường vào năm 2035.

Minh Long