Được chấp nhận vào MSCI, một dấu mốc quan trọng đối với Trung Quốc
- Liên Hương
- •
Theo đánh giá phân loại thị trường định kỳ vừa được công bố vào tuần trước (21/6), MSCI sẽ đưa 222 chứng khoán hạng A của Trung Quốc vào rổ tính toán chỉ số thị trường mới nổi MSCI EM Index. Việt Nam đã không được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong lần đánh giá này.
MSCI là gì?
MSCI là viết tắt của Morgan Stanley Capital International. MSCI Inc, trụ sở tại New York, là công ty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính, và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu để đo lường hiệu quả hoạt động đầu tư. Một trong các chỉ số nổi tiếng nhất của MSCI là Chỉ số thị trường mới nổi (MSCI EM Index), theo dõi hoạt động trên thị trường cổ phiếu của một số nước phát triển và khu vực. Hiện tại các chỉ số của MSCI được nhiều nhà đầu tư tham chiếu với tổng giá trị tài sản hơn 10.000 tỷ USD, trong đó 1.600 tỷ USD tham chiếu đến chỉ số MSCI EM Index.
MSCI EM Index bao gồm chứng khoán của 23 thị trường các nền kinh tế mới nổi, gồm Brazil, Chile, Trung Quốc, Colombia, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Peru, Philippines, Ba Lan, Qatar, Nga, Nam Phi, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Tiểu vương quốc Ả Rập. Chỉ số này đại diện cho 10% khối lượng giao dịch toàn cầu và được dùng như chỉ số tham chiếu cơ bản của các quỹ đầu tư tại thị trường các nền kinh tế mới nổi.
Hành trình đến với MSCI EM Index của Trung Quốc
Trước đây, chỉ số MSCI EM Index không tính đến các chứng khoán có mệnh giá bằng đồng Nhân dân tệ, hoặc được giao dịch trong nội địa Trung Quốc. Cho đến hiện nay, MSCI chỉ đưa vào chứng khoán của các công ty Trung Quốc mà được niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông hoặc Mỹ.
Ngày 21/6/2017, MSCI công bố sẽ đưa 222 chứng khoán hạng A của Trung Quốc vào rổ tính toán chỉ số MSCI EM, quá trình đưa các cổ phiếu này sẽ diễn ra vào hai giai đoạn là tháng 5 và tháng 8/2018. Các chứng khoán hạng A của Trung Quốc chiếm tỷ trọng 0,73% trong chỉ số MSCI EM index. Tỷ trọng này sẽ được tăng lên song hành với sự cải cách và nới lỏng các quy định pháp luật trên thị trường của Trung Quốc.
Trong ba năm liên tiếp từ 2014 đến 2016, Trung Quốc đã bị MSCI từ chối đưa các chứng khoán hạng A vào MSCI EM Index với lý do là thị trường tài chính nước này bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ. Chẳng hạn, Trung Quốc có những quy định về pháp lý khiến nhà đầu tư nước ngoài khó tiếp cận thị trường hoặc chuyển vốn ra nước ngoài. Những quy định này có thể là hạn ngạch và điều kiện để hồi hương số tiền đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, hay là đặt ra các điều kiện đầu tư vào thị trường chứng khoán, khiến việc luân chuyển, đầu tư ngoại tệ trên thị trường tài chính bị hạn chế. Đồng thời, Trung Quốc cho phép các công ty trong nước được ngừng giao dịch (nhằm bảo vệ cho chứng khoán đó không bị lao dốc quá mạnh trong khủng hoảng), hoặc đặt ra mức giá sàn chứng khoán trên sàn giao dịch.
Để đáp ứng điều kiện gia nhập vào rổ tính toán của MSCI EM Index, Trung Quốc đã có những bước nới lỏng về quy định và cải cách thị trường. Năm 2016, Trung Quốc đã kết nối thị trường giao dịch chứng khoán Thâm Quyến với Hồng Kông, trước đó là kết nối thị trường chứng khoán Thượng Hải với Hồng Kông. Sự kết nối này cho phép Nhà đầu tư nước ngoài được phép tiếp cận với hai sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Đại lục thông qua Hồng Kông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu và nới lỏng các quy định về chuyển tiền.
Mặc dù vậy, những cải cách trên của Trung Quốc vẫn chưa đủ mạnh để MSCI có thể đưa thêm nhiều cổ phiếu nước này vào chỉ số MSCI EM. Bởi trên thực tế, khi có những biến động trên thị trường chứng khoán, chính phủ vẫn sẽ nhanh chóng can thiệp vào thị trường, cho phép các công ty ngừng giao dịch hoặc vẫn quy định mức giá sàn giao dịch để tránh cho một cổ phiếu bị rớt giá quá mạnh. Theo tổ chức MSCI , Trung Quốc là thị trường có số lượng cổ phiếu bị ngừng giao dịch lớn nhất trong khu vực các nền kinh tế mới nổi, chiếm tới 5% giá trị của chỉ số chứng khoán nước này.
Ý nghĩa của việc đưa vào MSCI của Trung Quốc
Đối với các quỹ đầu tư tham chiếu đến chỉ số MSCI, các quỹ này sẽ thực hiện đầu tư vào các cổ phiếu nằm trong rổ tính toán của chỉ số này. Do đó, một khi cổ phiếu của nước nào đó được đưa vào rổ tính toán chỉ số, đồng nghĩa với việc luồng vốn đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu đó sẽ tăng lên. Theo MSCI, việc đưa các cổ phiếu lần này vào MSCI EM Index sẽ giúp Trung Quốc thu hút được 17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên con số này khá nhỏ so với khối lượng giao dịch bình quân là 70 tỷ USD/ngày và quy mô vốn hóa của thị trường là 8.000 tỷ USD. Theo Goldman Sachs Inc ước tính, nếu toàn bộ chứng khoán hạng A của Trung Quốc được đưa vào MSCI thì nước này có thể thu hút được 430 tỷ USD, trong khi đó ngân hàng HSBC đánh giá con số đó có thể lên đến 500 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Xét trên phương diện khác, những điều mà Trung Quốc đạt được có thể còn lớn hơn nhiều, bởi đây là dấu mốc đánh dấu sự gia nhập của Trung Quốc đối với thị trường tài chính quốc tế, khẳng định với thế giới về sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Xa hơn nữa là tiếng nói của Trung Quốc sẽ có trọng lượng hơn trên các diễn đàn quốc tế. Bởi vì Trung Quốc luôn muốn khẳng định với thế giới rằng mình là một cường quốc mới.
Đối với chính các công ty Trung Quốc, điều này sẽ khiến họ phải cải thiện hơn nữa về quản trị công ty và hiệu quả hoạt động để duy trì vị thế đã có được. Theo ông Fang Xinhai, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Trung Quốc: “Vào thời điểm hiện tại có một số công ty trên thị trường chứng khoán, họ khá nhàn rỗi và chỉ ngồi đó thu tiền. Trong tương lai, họ sẽ buộc phải ra nước ngoài thu hút thêm các công ty tốt toàn cầu để duy trì vị thế trên thị trường cổ phiếu hạng A.”
Theo phát ngôn viên của Ủy ban chứng khoán Trung Quốc, ông Zhang Xiaojun: “điều này có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc, cho thấy các nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường tài chính và kinh tế Trung Quốc. Nó cũng có nghĩa là thị trường vốn Trung Quốc ngày càng cởi mở chào đón các nhà đầu tư nước ngoài.” Đồng thời ông cũng nói thêm: “Việc được đưa vào chỉ số MSCI vừa là cơ hội vừa là thách thức cho thị trường vốn của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách để thị trường này hoạt động theo quy luật thị trường, tuân thủ luật pháp quốc tế và phát triển bền vững.”
Với tỷ lệ chứng khoán được đưa vào rổ tính toán chỉ số MSCI EM còn quá thấp, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để nâng tỷ lệ này lên và khẳng định với thế giới về tiềm lực kinh tế cũng như sự phát triển của thị trường vốn nước này.
Trước sự kiện này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin: “Các nhà lập pháp Trung Quốc sẽ cải thiện hệ thống tài chính và chính sách cho những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cổ phiếu hạng A của đất nước, sau khi 222 cổ phiếu blue-chip của Trung Quốc được đưa vào rổ tính toán chỉ số MSCI EM.”
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CCTV, ông Fang Xinhai cho biết, các nhà tạo lập chính sách sẽ thực hiện các chính sách cải cách để quốc tế hóa thị trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn trong nước của các nhà đầu tư nước ngoài, và khuyến khích phát triển các sản phẩm phái sinh. Ông Fang cũng nói rằng các nhà làm luật cũng sẽ xem xét đến những vấn đề đã cản trở nguồn vốn luân chuyển trên thị trường, gồm cả khả năng tái cơ cấu các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng, điều đó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường cổ phiếu Trung Quốc.
Liên Hương
Xem thêm:
Từ khóa Tài chính trung quốc Thị trường chứng khoán kinh tế Trung quốc kinh tế thế giới