Giá gạo giảm mạnh trong tháng 1
- Phan Vũ
- •
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2025, Việt Nam xuất khẩu 547.408 tấn gạo với trị giá 324,89 triệu USD, tăng 10,6% về lượng nhưng giảm 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái do giá giảm 14,6%. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đã xuyên thủng đáy năm 2022, thấp nhất trong 4 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Giá gạo xuyên thủng đáy 2022
Nếu như xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 bội thu cả về lượng và giá trị nhờ hưởng lợi từ chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, thì ngay từ đầu năm 2025 mặt hàng này lại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Kể từ sau khi Ấn Độ dỡ bỏ nhiều hạn chế về xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm và hiện đã giảm đến đáy.
Tính riêng tháng 1, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong còn 594 USD/tấn, giảm 4,9% so với tháng 12/2024 và giảm tới 14,6% (102 USD/tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 20/2, gạo tấm 5% của Việt Nam được báo giá 395 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 9/2022. So với gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan có mức giá lần lượt là 414, 408, 395 USD/tấn, giá gạo của Việt Nam cũng thấp nhất. Lý do nhiều chuyên gia đưa ra, đó là do Philippines, thị trường tiêu thụ chính của gạo Việt Nam đang đẩy mạnh một loạt chính sách nhằm hạ giá gạo nhập khẩu vào nước này.
Giá gạo nội địa tháng đầu năm cũng chung tình cảnh. Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá lúa, gạo tại vựa lúa lớn nhất cả nước – Đồng bằng sông Cửu Long trong hơn 1 tháng qua đã giảm 10-16% (đối với giá lúa) và giảm 14-18% (đối với giá gạo) so với cuối năm 2024. Nếu so với cùng kỳ năm 2024, mức giá còn giảm sâu hơn, từ 30-38%.
Với mức hiện tại, giá lúa gạo đã chạm đáy kể từ tháng 9 năm 2022.
Một số nguyên nhân chính được chỉ ra, đó là:
Về nguồn cung, kể từ khi Ấn Độ dỡ bỏ hàng loạt hạn chế xuất khẩu gạo vào tháng 9/2024, nguồn cung gạo trên toàn cầu đã gia tăng đáng kể kéo theo giá gạo giảm mạnh.
Thêm vào đó, hiện Việt Nam đang vào thời điểm thu hoạch vụ Đông – Xuân là mùa vụ có sản lượng lớn nhất trong năm cũng khiến nguồn cung dồi dào, do đó, nhiều nhà nhập khẩu đang tạm dừng mua hàng để chờ mua với giá thấp hơn.
Về cầu, 2 thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam là Philippines và Indonesia đều sụt giảm. Trong khi Philippines mới nhập cầm chừng thì Indonesia thực hiện chính sách tự chủ về lương thực và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào lượng cung.
Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Philippines trong tháng 1 giảm 9% về lượng và giảm 20,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá gạo xuất khẩu sang thị trường Philippines đạt bình quân 594 USD/tấn, giảm 12,8%. Trước đó, các nhà nhập khẩu Philippines đã tạm hoãn nhập 350 tấn gạo của Việt Nam để đàm phán lại các hợp đồng đã ký từ trước.
Thị trường Indonesia trong tháng 1 chỉ nhập khẩu 651 tấn gạo từ Việt Nam trị giá khoảng 350 ngàn USD, giảm 98% giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng dự báo nhập khẩu gạo của Indonesia sẽ giảm mạnh 3,6 triệu tấn xuống còn 1 triệu tấn trong năm nay.
Giá sẽ tăng khi các nước tăng mua vào?
Tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 1 vẫn tăng 10,6% về lượng nhờ được hỗ trợ từ sự gia tăng của các thị trường xuất khẩu khác như: Bờ Biển Ngà, Ghana, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
Cụ thể: Bờ Biển Ngà tăng đến 999,1%, đạt 94.005 tấn; Ghana tăng 372,4%, đạt 59.342 tấn; Trung Quốc tăng 166,3%, đạt 18.131 tấn. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ tăng đột biến lên mức 23.124 tấn so với 27 tấn của tháng 1/2024..
Theo các chuyên gia, giá gạo dường như đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm. Tình trạng khó khăn của thị trường gạo có thể được cải thiện trong thời gian tới khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua vào.
Cũng theo dự báo của USDA, năm 2025, nhập khẩu gạo của Philippines dự kiến sẽ đạt mức 5,4 triệu tấn, tăng nhẹ 100 ngàn tấn so với năm trước; nhập khẩu gạo của Trung Quốc cũng sẽ tăng 600 ngàn tấn lên 2,2 triệu tấn.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, giải pháp là cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần đa dạng hóa sản phẩm.
Với hai thị trường chủ lực là Indonesia và Philippines, lãnh đạo Bộ này cho biết đang phối hợp với các doanh nghiệp xúc tiến để giữ khối lượng xuất khẩu gạo ổn định và giá phù hợp theo từng thời điểm.
Từ khóa gạo xuất khẩu giá gạo giảm mạnh
