Giá xăng dầu có thể tăng lần thứ 6 liên tiếp sau dịp 2/9
- Đức Minh
- •
Theo dự báo của doanh nghiệp, trong kỳ điều hành ngày mai (5/9), giá xăng trong nước có thể tăng từ 380 – 490 đồng/lít tùy loại, còn giá dầu có khả năng tăng từ 350 – 650 đồng/lít. Đây có thể là lần thứ 6 tăng liên tiếp của mặt hàng này. Trong khi đó, Quỹ bình ổn xăng dầu đang tồn dư trên 7.400 tỷ đồng nhưng chưa được sử dụng.
Theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, ngày 1/9 là đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày một lần. Nhưng do trùng với ngày nghỉ 2/9 nên việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu sẽ được dời sang ngày đi làm đầu tiên sau kỳ (ngày 5/9).
Theo dự báo, trong kỳ điều hành ngày mai, giá xăng trong nước có thể tăng từ 380-490 đồng/lít tùy loại, còn giá dầu có khả năng tăng từ 350-650 đồng/lít.
Trong trường hợp liên Bộ Công thương – Tài chính trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước vào ngày mai có thể tăng cao hơn.
Nếu đúng như dự báo trên, giá xăng trong nước vào ngày mai sẽ có lần tăng thứ 6 liên tiếp.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Tính đến ngày 1/7/2023, Quỹ bình ổn xăng dầu đang tồn dư hơn 7.400 tỷ đồng. Tuy vậy liên Bộ đã không chi ra để hạ nhiệt giá xăng dầu, vốn đã tăng 5 lần liên tiếp.
Nhiều lần các Đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế chất vấn về sự minh bạch của Quỹ này, cách thức chi – thu ra sao thì liên Bộ vẫn chưa đưa ra câu trả lời theo yêu cầu “minh bạch”.
Không ít lần các kiến nghị gửi lên với mục tiêu đưa thị trường xăng dầu trong nước phản ánh đúng thực tế của thị trường bằng cách bỏ Quỹ bình ổn.
Chia sẻ với báo Giao Thông, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết Quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động theo cơ chế trích lập trong giá (thu của dân thông qua giá bán mỗt lít xăng dầu) một khoản tiền để hình thành quỹ và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá trong nước tăng cao.
Theo ông Thỏa, việc sử dụng quỹ này đã lộ rõ những sai lầm nghiêm trọng trong điều hành.
Trong 2 năm qua, rất nhiều ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo tờ Thanh Niên.
Trong kiến nghị gửi Chính phủ, nhóm 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM khẳng định Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang không hỗ trợ nền kinh tế, không có ích cho người tiêu dùng và gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, giữa nhà bán buôn và bán lẻ.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng kiến nghị bỏ quỹ này để xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường.
Từ khóa Quỹ bình ổn giá xăng dầu