Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) có vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng, khởi công hôm 22/7. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến hoàn thành trong 2 năm.

cau song duong
Phối cảnh cầu đường sắt Đuống. (Ảnh: mt.gov.vn)

Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT, dự án nói trên được chia thành 2 gói thầu, bao gồm gói thầu 1 là gói thầu cầu đường sắt Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (gọi tắt là X-CĐ-01).

Chiều dài công trình là 1 km; tốc độ thiết kế 80 km/h; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16 m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.

Gói thầu 2 là gói thầu cầu đường bộ Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (X-CĐ-02). Phạm vi đầu tư bao gồm tuyến chính chiều dài khoảng 0,7 km và nút giao hai đầu cầu; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100 m về phía hạ lưu. Trong đó, cầu đường bộ vượt sông Đuống dài 382 m; vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống là 1.793 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 776,2 tỷ đồng; Chi phí xây dựng là 680,8 tỷ đồng; Phần còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn và dự phòng bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Trong lĩnh vực đường bộ sẽ có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống hiện hữu trên đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên. Điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa bàn thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm với tổng chiều dài nghiên cứu khoảng 750 m.

Được biết, Hành lang đường thủy số 1 dài 250 km qua sông Đuống, bắt đầu từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô đã được đầu tư, nâng cấp.

Tuy vậy, trên hành lang này hiện có cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ và đường sắt (tuyến Hà Nội – Đồng Đăng), có tĩnh không thấp, chỉ đạt 2,8 m tại thời điểm nước cao; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26 m.

Đức Minh