Hà Nội lập thêm hàng loạt cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 444 ha
- Nguyễn Quân
- •
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành các quyết định thành lập thêm nhiều cụm công nghiệp tại các huyện vùng ven với tổng diện tích 444,491 ha.
Cụ thể, cụm công nghiệp Quất Động 2 (phần mở rộng) quy mô 43.46ha sẽ được thành lập tại xã Quất Động, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín. Chức năng của cụm công nghiệp gồm phát triển công nghiệp may mặc xuất khẩu, da giầy, dệt, chế biến nông sản, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng; công nghiệp công nghệ cao, tin học, bưu chính viễn thông…
Cụm công nghiệp Thanh Oai quy mô 59,32ha, được lập tại xã Bích Hoà, huyện Thanh Oai, do Công ty cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư. Đây là cụm công nghiệp đa ngành nghề, phát triển công nghiệp sạch, ít độc hại và không gây ô nhiễm môi trường.
Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro quy mô 32,66 ha, tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm do Tổng Công ty Thương mại Hà Nội làm chủ đầu tư. Các hoạt động bao gồm chế biến, đóng gói thực phẩm và công nghiệp phụ trợ chế biến đóng gói thực phẩm.
Cụm công nghiệp thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng với quy mô 32,254 ha do Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thương mại Tân Cương làm chủ đầu tư. Đây là cụm công nghiệp đa ngành nghề, tập trung các ngành nghề sản xuất điện, điện tử, viễn thông, dệt may, giày da, sản xuất bao bì, cơ khí, đồ mộc cao cấp, thủ công mỹ nghệ.
Cụm công nghiệp Ninh Hiệp tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm với quy mô 63,6 ha do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng 18 làm chủ đầu tư, phát triển sản xuất hàng tiêu dùng gồm thủ công mỹ nghệ, trang thiết bị trường học, hàng dệt may, giày, hóa mỹ phẩm…; cơ khí, kim khí, điện, điện tử; công nghiệp chế biến; vật liệu xây dựng áp dụng công nghệ sản xuất gạch.
Cụm công nghiệp Duyên Thái tại thôn Hà Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín với quy mô 18,3ha do Công ty CP Giao thông Hồng Hà làm chủ đầu tư, phát triển các ngành nghề sản xuất dây cáp điện, bao bì, sản xuất thép không rỉ, sản xuất các sản phẩm cơ khí…
Cụm công nghiệp Ngọc Liệp tại xã Ngọc Liệp, quy mô 37,78ha, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai làm chủ đầu tư, làm đồ gia dụng, nội thất, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, sắt thép, thiết bị vệ sinh…
Cụm công nghiệp Đắc Sở có quy mô 6,28ha tại xã Đắc Sở, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư, phát triển công nghiệp hóa mỹ phẩm, cơ khí, chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng.
Cụm công nghiệp Liên Hà có quy mô hơn 2,8ha tại xã Liên Hà, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản, trang trí nội thất đồ gỗ.
Cụm công nghiệp Đồ mộc dân dụng Phùng Xá có quy mô 4,2ha tại xã Phùng Xá, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc dân dụng.
Cụm công nghiệp Đông Sơn được thành lập tại khu đồng Gò Vang, xã Đông Sơn có quy mô 4,84ha.
Cụm công nghiệp Đại Yên tại khu đồng Dộc, xóm Tiếu, xã Đại Yên có quy mô hơn 1,4ha.
Cụm công nghiệp Phụng Châu tại khu Lỗ Thổ, thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu có quy mô 4,5ha.
Cả 3 cụm công nghiệp đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư, đều phát triển tiểu thủ công nghiệp (ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng cơ kim khí, chế biến lương thực, thực phẩm….).
Cụm công nghiệp Tân Hội (trước đây là điểm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp làng nghề xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây), quy mô 4,734ha, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long làm chủ đầu tư. Tính chất, chức năng của cụm công nghiệp là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gồm ngành cơ khí, chế biến lâm sản, may mặc…
Cụm công nghiệp Hồ Điền có quy mô 3,3ha, tại xã Liên Trung, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng làm chủ đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (chế biến lâm sản và sản xuất mộc dân dụng…).
Cụm công nghiệp Hà Bình Phương 1 có quy mô 41,62ha, tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín, do Công ty cổ phần Đầu tư DIA làm chủ đầu tư; phát triển công nghiệp như dây cáp điện; bao bì; thép không rỉ; các sản phẩm cơ khí; trung tâm sửa chữa động cơ ôtô; chế biến thực phẩm…
Cụm công nghiệp Hà Bình Phương 2 có quy mô 9,11ha, tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, do Công ty TNHH Nam Khải làm chủ đầu tư; phát triển công nghiệp (dây cáp điện; bao bì; thép không rỉ; các sản phẩm cơ khí; chế biến thực phẩm…).
Cụm công nghiệp Biên Giang có quy mô 30,7ha và cụm công nghiệp Yên Nghĩa quy mô 43,633ha, là cụm công nghiệp đa ngành nghề nhằm thu hút các DN, hộ sản xuất kinh doanh, cơ sở dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp vào thuê đất kinh doanh.
Cả 2 cụm công nghiệp đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông làm chủ đầu tư.
Ngày 15/7/2017, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 do Chính phủ ban hành bắt đầu có hiệu lực, thay thế Quyết định 105 ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh trong cụm công nghiệp. Theo quy định mới, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được miễn tiền thuê đất 7 năm và hưởng các ưu đãi khác theo quy định khác. Trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất. Chủ đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được miễn tiền thuê đất 11 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư, được xem xét đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Các cụm công nghiệp làng nghề có mức ưu đãi cao hơn. Các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được miễn tiền thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được miễn tiền thuê đất 15 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa cụm công nghiệp miễn tiền thuê đất Hà Nội