Dù hàng loạt mặt hàng xuống giá, CPI tháng 3 vẫn giảm 0,21%
- Hoàng Giang
- •
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm một phần do tác động từ quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng và việc điều hành tăng giá xăng dầu, giá điện.
Theo số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội quý 1/2019 của Tổng cục thống kê, CPI tháng 3 dù tăng 0,69% so với tháng 12/2018, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2018 nhưng đã giảm 0,21% so với tháng 2/2019.
Tính bình quân quý 1/2019, CPI tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018 – mức tăng bình quân quý 1 thấp nhất trong 3 năm gần đây. Điều này chủ yếu do tác động một phần từ quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, thêm vào đó là dịch tả lợn châu Phi diễn ra ở 23 tỉnh thành đã động đến tâm lý tiêu dùng.
Ngoài ra, sự chủ động điều hành giá xăng dầu và việc tăng giá điện cũng góp phần chi phối chỉ số giá tiêu dùng trong tháng. Trong tháng 3, giá gas tăng 4,88%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,2%, giá điện lên 8,36%, giá xăng A95 tăng 940 đồng/lít, xăng E5 tăng 960 đồng/lít, dầu diesel tăng 960 đồng/lít… Mới đây, ngày 20/3, cùng ngày tăng giá điện, Tập đoàn Xi măng The Vissai thông báo tăng giá bán xi măng, với mức tăng dao động trong khoảng 20.000 – 50.000 đồng/tấn, tùy loại.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm hàng có chỉ số giá đồng loạt giảm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất với 1,42% (lương thực giảm 0,55%; thực phẩm giảm 1,97%); nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,17%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,09%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,07%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: Giao thông tăng 2,22% do tác động của điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 2/3/2019; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,78%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.
Cũng trong tháng 3, chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) cũng giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý trong quý 1/2019, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2018, với 14.761 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 15.331 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 là 8.404 doanh nghiệp, chiếm 54,8%; doanh nghiệp thông báo giải thể là 3.378 doanh nghiệp, chiếm 22% và 3.549 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 23,2%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I năm 2019 là 4.116 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3.737 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90,8%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 1,7 nghìn doanh nghiệp (chiếm 42,4%), tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 421 doanh nghiệp (chiếm 10,2%), giảm 2,8%; xây dựng có 401 doanh nghiệp (chiếm 9,7%), tăng 23,4%.
Hoàng Giang
Xem thêm:
Từ khóa chỉ số tiêu dùng dịch tả lợn châu Phi