Hơn 300 ngàn tỷ đồng bơm vào thị trường chứng khoán qua kênh cho vay margin
Tại thời điểm cuối quý 2, các công ty chứng khoán đã bơm ra thị trường 304,2 ngàn tỷ đồng thông qua kênh cho vay margin, tăng 22% so với hồi đầu năm. Đây là nguồn tiền trợ lực cho thị trường tăng trưởng 10 quý liên tiếp kể từ đầu năm 2023.
VN-Index kết thúc quý 2 tại mốc 1.376 điểm, đi kèm giá trị giao dịch bình quân hơn 22 ngàn tỷ đồng/ngày, tăng trên 34,1% so với mức trung bình 16,4 ngàn tỷ đồng của quý đầu năm.
Trong bối cảnh đó, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) của các công ty chứng khoán tiếp tục thiết lập cột mốc mới. Tính đến cuối quý 2, quy mô cho vay được đẩy lên khoảng 304,2 ngàn tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Xét trong chu kỳ dài hơn, dư nợ cho vay toàn thị trường tạo ra chuỗi tăng 10 quý liên tiếp, bắt đầu từ quý 1/2023.
Dư nợ giúp nguồn thu từ cho vay của các công ty chứng khoán tăng mạnh, đạt hơn 7,4 ngàn tỷ đồng trong quý 2, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Vietstock Finance, đến ngày 20/7, top 10 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất quý 2 ghi nhận tổng quy mô hơn 186,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 61% toàn thị trường. Đáng kể đến là TCBS, SSI, HSC, Mirae Asset, VPBankS, VPS, MBS, ACBS, Vietcap, KIS.
Hiện tại TCBS đứng đầu thị trường cho vay với quy mô dư nợ kỷ lục 33,8 ngàn tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm, tạo ra doanh thu cho vay 844 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là SSI với dư nợ hơn 33,1 ngàn tỷ đồng, tăng 51% so với đầu năm, mang lại doanh thu 829 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng nóng mảng cho vay margin thuộc về VPBankS. Cụ thể, công ty chứng khoán này cho vay gần 17,8 ngàn tỷ đồng, tăng 87% so với đầu năm, đồng thời ghi nhận hơn 383,9 tỷ đồng doanh thu, tăng 62% so với cùng kỳ.
Giới kinh doanh chứng khoán nhận định, cho vay margin là một mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận cho các công ty chứng khoán trong khi các mảng dịch vụ đang đi xuống. Tuy nhiên dự báo sẽ có sự phân hóa rõ rệt vào giai đoạn 2025-2026 khi các công ty phải phụ thuộc vào nguồn vốn hỗ trợ.
Theo quy định, tổng hạn mức cho vay của một công ty chứng khoán không được vượt quá 2 lần số vốn chủ sở hữu. Do vậy, quy mô vốn sẽ quyết định vị trí của công ty chứng khoán trên thị trường.
Trong thời gian gần đây, TCBS đã tăng vốn chủ sở hữu lên 20,8 ngàn tỷ đồng, đứng đầu trong các công ty chứng khoán. Tiếp theo là SSI với vốn chủ sở hữu 19,7 ngàn tỷ đồng, bỏ xa các công ty còn lại. Với mức thanh khoản trung bình hiện tại, dư nợ vay margin của hai công ty chứng khoán đứng đầu thị trường này có thể tạo ra thanh khoản 3 – 6 phiên giao dịch cho cả thị trường.
Từ khóa dư nợ cho vay margin
