Kinh tế Mỹ tạo thêm 1,4 triệu việc làm, thất nghiệp giảm xuống 8,4%
Số liệu việc làm tuy khả quan, nhưng phản ánh đà khôi phục kinh tế đang chậm lại.
Trong tháng Tám, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 1,4 triệu việc làm, phản ánh quá trình doanh nghiệp dần mở cửa lại và tuyển dụng nhân sự, theo số liệu của Cục Thống Kê lao động hôm thứ Sáu.
“Số liệu việc làm tuyệt vời!”, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter. “1,37 triệu việc làm mới trong tháng Tám. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 8,4% (Chà, tốt hơn nhiều dự đoán). Phá vỡ mốc 10% nhanh và sâu hơn dự đoán”.
Đây là lần đầu tiên tỷ lệ thất nghiệp Mỹ hạ xuống mức một con số kể từ khi đại dịch bắt đầu, giảm từ 10,2% hồi tháng 7 xuống 8,4%. Tuy vậy, một nhà phân tích cho NBCNews biết rằng tỷ lệ thất nghiệp giảm trong mấy tháng qua không có gì khó khăn, bởi đó chỉ phản ánh việc các doanh nghiệp mở cửa và đem nhân viên trở lại làm việc.
Trước đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đạt 3,5%, mức thấp kỷ lục trong vòng nửa thế kỷ.
Số liệu tháng Tám cũng phản ánh xu hướng hồi phục đang chậm lại của thị trường lao động Mỹ kể từ khi 22 triệu người bị mất việc do dịch từ tháng Ba. Số liệu điều chỉnh tháng 6 cho thấy có thêm 4,8 triệu người tìm được việc làm, nhưng tháng 7 giảm xuống còn 1,73 triệu và tháng 8 chỉ còn 1,37 triệu.
“Chúng ta có con số việc làm tạo thêm khổng lồ trong ba tháng qua, nhưng nó chỉ ít hơn một nửa so với số việc bị mất trong tháng Ba và tháng Tư”, Dan North, nhà kinh tế cấp cao tại Euler Hermes Bắc Mỹ nói.
“Hồi phục việc làm trong giai đoạn này là dễ dàng, khi doanh nghiệp tái hoạt động và mang nhân viên trở lại”.
Tháng Tám cũng đánh dấu việc Washington chấm dứt trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong khi đó, các nhà lập pháp tại Đồi Capitol vẫn tranh cãi với nhau về gói hỗ trợ tài chính tiếp theo khi một số nhân vật của Đảng Cộng hòa lập luận rằng việc vung tiền dễ dàng và hào phóng sẽ ngăn cản người lao động trở lại thị trường việc làm.
Ngân hàng Trung ương lưu ý trong báo cáo Beige Book về điều kiện kinh tế rằng các yếu tố chính làm cản trở lao động trở lại làm việc gồm: “khả năng tìm được chỗ chăm trẻ con ban ngày, sự bất ổn về năm học mới và trợ cấp thất nghiệp”.
Trong khi đó, số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng giảm mạnh trong tuần qua. Báo cáo cho hay số người xin trợ cấp lần đầu chỉ còn 881.000 người so với kỷ lục 7 triệu người trong đại dịch. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn nhiều con số trung bình 200.000 người/tuần trước dịch.
Ngoài ra, việc các tập đoàn lớn cảnh báo sa thải nhân lực cũng phủ bóng đen lên bức tranh kinh tế Mỹ. Các hãng hàng không cho hay họ có thể phải sa thải hàng chục ngàn nhân viên khi trợ cấp của chính phủ chấm dứt và ngân sách Chương trình Bảo vệ Lương bị thu hẹp.
United Airlines hôm thứ Tư cho biết họ dự đoán sẽ cắt giảm hơn 16.000 vị trí. Công ty sản xuất ô-tô Ford cũng tuyên bố cắt giảm 1.400 nhân viên văn phòng và khuyến khích nghỉ hưu sớm. Hãng sản xuất thuốc lá điện tử Juul chuẩn bị cho nghỉ việc 2.200 người lao động trong bối cảnh phải thoái lui ở một số thị trường.
Tốc độ hồi phục kinh tế chậm chạp cũng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Sau khi một loạt các chỉ số tăng kỷ lục nhờ sự thúc đẩy từ các mã chứng khoán công nghệ, số liệu kinh tế không khả quan kích hoạt một loạt bán tháo mới vào hôm thứ Năm. Riêng Apple mất 180 tỷ đô vào phiên giao dịch hôm đó, mức sụt giảm giá trị lớn nhất trong một ngày của công ty này.
Đầu tuần, Bộ Lao động dự đoán tốc độ tăng trưởng việc làm sẽ giảm đáng kể trong vòng 10 năm tới. Bộ ước đoán nền kinh tế chỉ tạo thêm được 6 triệu việc làm trong giai đoạn 2020-2029, không tính đến lượng việc làm bị mất do virus corona. Tuy vậy, Bộ cũng lưu ý rằng, đại dịch lần này đã có khả năng tạo ra “thay đổi mang tính cấu trúc” đối với nền kinh tế.
Trần Minh
Xem thêm:
Từ khóa Kinh tế Mỹ virus corona đại dịch viêm phổi Vũ Hán