Kinh tế Scotland kém sắc do ngành năng lượng và tài chính gặp khó
- Minh Ngọc
- •
Giá dầu giảm, hàng ngàn người mất việc làm trong lĩnh vực tài chính và năng lượng là những nguyên nhân chủ yếu khiến tăng trưởng kinh tế Scotland rơi vào bế tắc.
Trong vòng bảy tháng qua, kinh tế Anh Quốc đã vượt qua được hầu hết các dự báo ảm đạm về tăng trưởng và ổn định kinh tế. Kể từ sự kiện Brexit tháng 6/2016, quốc gia này đã tránh được tình trạng suy thoái và duy trì ổn định việc làm.
Tuy nhiên, việc duy trì ổn định phát triển kinh tế có sự khác biệt giữa các khu vực.
Tháng 9/2016, trong khi các xứ Anh, Wales và Bắc Ai-len có tốc độ tăng trưởng GDP là 2,4% thì tăng trưởng GDP của Scotland chỉ ở mức 0,7%; số lượng việc làm và thu nhập của người dân tăng chậm hơn so với các khu vực khác.
Theo The Economist, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ảm đạm” này của Scotland là bởi sự sụt giảm của hai ngành công nghiệp quan trọng: năng lượng và tài chính – là hai ngành có kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 1/3 GDP của Scotland.
Giá dầu giảm tác động đến hàng loạt các ngành nghề
Tại khu vực Biển Bắc (North Sea) thuộc Scotland – nơi giữ 95% trữ lượng dầu mỏ của Anh Quốc, giá dầu thô Brent giảm từ 110 USD/thùng (năm 2014) xuống còn 55 USD/thùng đã đẩy các doanh nghiệp khai thác dầu vào tình thế khó khăn.
Do nguồn thu thuế từ dầu khí được tính chung cho cả Anh Quốc nên Scotland không chịu ảnh hưởng nhiều về tài chính nhưng việc giá dầu giảm tại đây đã khiến tình hình việc làm trong ngành này chịu tác động mạnh.
Số lượng việc làm ngành dầu khí bị cắt giảm tại Scotland có thể chiếm tới tới 1/3 trong tổng số 100.000 việc làm thuộc lĩnh vực này bị cắt giảm tại Anh trong năm 2014. Những công việc này được trả lương cao. Vào thời kỳ thịnh đạt, những công nhân không có chuyên môn, kỹ năng cũng có thể kiếm được mức lương 6 con số. Do đó, việc mất một lượng lớn việc làm có ảnh hưởng mạnh đến chi tiêu của người tiêu dùng.
Những tác động từ giá dầu sụt giảm có thể thấy rõ tại Aberdeen – thành phố được mệnh danh là “thủ đô dầu khí” của châu Âu, nơi tập trung các hoạt động khai thác dầu khí nhộn nhịp nhất trên Biển Bắc.
Nếu như trước đây những người chủ khách sạn thường tính phí bất cứ những gì mà họ muốn, thì giờ đây điều này đã thay đổi. Giá phòng khách sạn trung bình đã giảm 1/3 từ cuối năm 2014. Giá các căn hộ ở đây cũng giảm với tốc độ nhanh hơn bất cứ khu vực nào khác của Anh Quốc. Trên Union Street – con đường nổi tiếng của Aberdeen, ngày càng có nhiều các cửa hàng trống rỗng, phải đóng cửa…
Thêm vào đó, các giếng dầu được khai thác từ lâu cùng với chi phí nhân công cao khiến Biển Bắc trở thành một trong những nơi có chi phí chiết xuất dầu thô đắt đỏ nhất thế giới. Với giá dầu đang ở mức như hiện nay, việc sản xuất hầu như không thu được lợi nhuận. Nhiều giếng dầu gần như đã cạn kiệt, các hãng dầu lớn đang tìm kiếm nguồn dầu mỏ mới. Tháng 1/2017, cả Royal Dutch Shell và BP đều cho biết họ sẽ bán một số lợi tức của công ty tại khu vực này.
Hàng ngàn người mất việc làm trong lĩnh vực tài chính
Ngành tài chính của Scotland cũng đang trong giai đoạn khó khăn. Từ năm 2014, việc làm trong lĩnh vực tài chính của Scotland đã giảm hơn 1/10 (trong khi ở London có tăng nhẹ), mức lương trung bình đã giảm 5% trong năm qua.
Ngành tài chính của Scotland gặp nhiều trở ngại bởi hai lý do.
Thứ nhất, theo Owen Kelly (Giảng viên Đại học Edinburgh Napier), có sự thiếu cân đối trong tỷ lệ các công việc tầm trung, chẳng hạn như việc chăm sóc khách hàng. Các chương trình tự động hóa phát triển nhanh chóng trong ngành dịch vụ tài chính đang thay thế con người trong công việc này.
>> Vài thập niên tới, ngay cả giáo viên, luật sư cũng có nguy cơ thất nghiệp vì robot
Tháng 3/2016, Ngân hàng Hoàng gia Scotland đã cắt giảm hơn 500 việc làm – một phần trong kế hoạch tự động hóa hoạt động tư vấn đầu tư của ngân hàng này. Các số liệu chính thức cho thấy, chỉ trong vòng 2 năm, đã có 20% số việc làm liên quan đến hành chính trong dịch vụ tài chính của Scotland biến mất.
Thứ hai, những động thái liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập tách khỏi Anh Quốc của Scotland cũng làm tổn hại ngành công nghiệp. Kể từ sau cuộc trưng cầu Brexit (phần lớn người dân Scotland lựa chọn ở lại Liên minh châu Âu), Đảng Quốc gia Scotland cầm quyền đã tăng tốc cho kế hoạch “Indyref2” – kế hoạch trưng cầu dân ý lần 2 về việc Scotland độc lập khỏi nước Anh (lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2014).
Sự kiện này khiến các hãng tài chính ở Scotland còn lo lắng hơn cả sự kiện Brexit. Theo chuyên gia Graham Campbell – Giám đốc Điều hành của Saracen Fund Managers (Quỹ đầu tư độc lập có trụ sở tại Edinburgh), lý do khiến các nhà tài chính này lo lắng là bởi khối tài sản rất lớn của họ thực tế không nằm ở Scotland mà nằm ở các khu vực khác của Anh Quốc. Độc lập của Scotland có thể dẫn tới những rào cản thương mại tại biên giới với Anh hay những quy định khác nhau giữa hai nước (đặc biệt là khi Scotland theo đuổi việc tái gia nhập Liên minh EU). Một số hãng đã lên kế hoạch dự phòng, như Murray Asset Management (một hãng tài chính tại Edinburgh) gần đây đã chuyển văn phòng đăng ký về London.
Cùng với những “ảm đạm” trong ngành năng lượng và tài chính, số liệu từ hãng Tư vấn thông tin BankSearch còn cho thấy các công ty khởi nghiệp ở tất cả các ngành công nghiệp tại Scotland đã nhanh chóng bị đổ vỡ từ năm 2013. Số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Scotland đã giảm 1/10 trong hai năm (trong khi ở các khu vực khác của Anh Quốc thì tăng lên). Đầu tư giảm sẽ ảnh hưởng đến gia tăng sức sản xuất và khả năng chi trả.
Các điều chỉnh về thuế trong cấu trúc tài chính tạo ra nhiều lợi thế nhưng cũng khiến Chính phủ Scotland đối mặt với nhiều vấn đề. Việc kiểm soát một phần thuế thu nhập, giữ lại một nửa nguồn thu VAT có thể giúp Chính phủ phản ứng linh hoạt trong các hoàn cảnh của địa phương, nhưng trong thời gian kinh tế suy thoái thì nguồn thu từ thuế sẽ thấp.
Các điều lệ quy định nghiêm ngặt mức Chính phủ có thể vay mượn, khi nguồn thu từ thuế thấp, Chính phủ sẽ buộc phải tiết kiệm. Giáo sư Kinh tế chính trị Ronald MacDonald (Đại học Glasgow University) cho biết trong ngân sách dự thảo năm 2017-2018, Chính phủ Scotland đã cắt giảm chi tiêu của chính quyền địa phương.
Áp lực về tài chính sẽ gia tăng nếu việc làm tiếp tục suy giảm làm giảm nguồn thu từ thuế thu nhập. Chi tiêu tiêu dùng cũng không ổn định, dẫn tới việc giảm nguồn thu VAT. Trong khi toàn bộ nền kinh tế Anh Quốc đang chuyển động chậm chạp do ảnh hưởng của Brexit, Scotland – với những khó khăn về năng lượng, tài chính… sẽ khó có thể “khởi sắc”.
Xem thêm:
Từ khóa tài chính Brexit năng lượng dầu mỏ Scotland