Ký kết hợp tác chiến lược với PowerChina, FECON có “lột xác hóa rồng”?
- Tùng Lâm
- •
Trong chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam (ngày 14-15/4), Công ty Cổ phần FECON đã ký hợp tác với Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) để triển khai các dự án đường sắt cao tốc và điện hạt nhân ở Việt Nam. Thành tích xuất sắc nào đã giúp FECON được lựa chọn để kết làm đối tác chiến lược trong dự án trọng điểm quốc gia?
Ngày 12/4/2025, FECON ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina), đánh dấu mốc “lột xác hóa rồng” của tập đoàn tư nhân 20 năm tuổi chuyên xử lý, thi công nền móng của Việt Nam.
Theo nội dung biên bản ghi nhớ, FECON và PowerChina thống nhất hợp tác trên các lĩnh vực trọng điểm bao gồm: các dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD; các dự án lấn biển, cảng biển và logistic; các dự án hạ tầng năng lượng như điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, điện tích năng quy mô lớn tại thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực.
Lễ ký kết diễn ra trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam.
Cũng là lúc Chính phủ Việt Nam đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (dự kiến khởi công vào tháng 12/2026). Tuyến cao tốc dài khoảng 1.541km, với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD, sẽ kết nối ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tuyến đường được thiết kế với tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, vận tốc tối đa 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục.
Ngoài ra, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cũng là dự án trọng điểm trong thời gian tới với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 20-30 tỷ USD.
PowerChina doanh thu 100 tỷ USD, xếp hạng Fortune Global 500
Tập đoàn PowerChina hoạt động đa ngành từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành đến đầu tư trong các lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện, điện khí, năng lượng tái tạo, giao thông và hạ tầng đô thị.
Trong lĩnh vực giao thông, PowerChina đã thực hiện 2.000km đường sắt cao tốc và gần 1.000km đường sắt đô thị tại Trung Quốc và các nước trên thế giới. Bên cạnh đó PowerChina cũng góp mặt tại các mảng xây dựng hạ tầng khác như cảng đường thủy, sân bay, nhà ở, khu công nghiệp, xử lý rác thải…
Năm 2024, PowerChina xếp hạng 105 trong danh sách Fortune Global 500 và đứng thứ 32 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc, hiện diện tại hơn 130 quốc gia, với doanh thu khoảng 100 tỷ USD. Riêng mảng đường sắt do công ty con phụ trách đã mang về khoảng 5 tỷ USD mỗi năm.
FECON doanh thu 3.374 tỷ đồng, nợ 6.336 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng chưa đến 1%
Công ty Cổ phần FECON, có trụ sở tại Hà Nội, thành lập ngày 18/6/2004 từ nhóm kỹ sư, chuyên gia về xử lý và thi công nền móng công trình. Đại diện theo pháp luật là Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Năm 2016, FECON chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE với mã cổ phiếu FCN. Kể từ khi lên sàn, FECON liên tiếp ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi theo từng năm. Lợi nhuận giảm dần trong khi khối nợ phình to theo thời gian. Năm 2023 công ty lỗ 42 tỷ đồng.
Năm 2024, FECON đạt doanh thu 3.374 tỷ đồng (tăng 17,2% so với cùng kỳ), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 30,2 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận ròng vỏn vẹn 0.9%. Tại thời điểm 31/12/2024, Tổng nợ phải trả của FECON lên tới 6.336 tỷ đồng – tăng gần 1.117 tỷ đồng chỉ trong 12 tháng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 5.338 tỷ đồng (tăng 19%), nợ dài hạn cũng vượt 997 tỷ đồng.
Với vốn chủ sở hữu 3.368 tỷ đồng và biên lợi nhuận ròng chưa đến 1%, nhiều ý kiến nghi hoặc khả năng của FECON trong việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia hàng chục tỷ USD như đường sắt cao tốc và điện hạt nhân.
Dù nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ đối tác nước ngoài, khả năng góp vốn đối ứng từ phía FECON vẫn là dấu hỏi lớn. Nếu không có giải pháp huy động vốn mới hiệu quả, nhiều dự án có thể bị đình trệ hoặc FECON chỉ đóng vai trò “avatar đại diện” để đối tác nước ngoài thực hiện dự án.
Từ khóa nhà máy điện hạt nhân đường sắt cao tốc PowerChina FECON
