Lao động ngành du lịch Việt Nam: Gần 60% mất việc hoặc bị cắt việc trong năm 2020
- Sơn Nguyên
- •
Giới hữu trách trong nước vừa cho biết trong năm 2020, chỉ tính riêng doanh thu ngành du lịch, con số thiệt hại ước tính khoảng 19 tỷ USD, gần 60% lao động mất việc làm hoặc bị cắt giảm, gần 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động…
Tại một hội thảo nhằm đưa ra những giải pháp để phục hồi ngành du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 20/3, nhiều thông tin về liên quan đến lao động, doanh thu..
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam ví năm 2020 dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) như cơn sóng thần càn quét ngành du lịch trong nước và thế giới. Trên thế giới, khách du lịch quốc tế giảm 1 tỷ người, thiệt hại hơn 1,3 tỷ USD; hơn 120 triệu lao động ngành du lịch mất việc.
Tại Việt Nam, năm 2020, do việc đóng cửa biên giới và các biện pháp giãn cách để ngăn chặn dịch COVID-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch chỉ đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7% – mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động…
Theo ông Khánh, nhiều chuyên gia đánh giá ngành du lịch sẽ phục hồi từ quý 3/2021 khi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch COVID-19 còn phức tạp và khó lường nên theo ông Khánh, ngành du lịch cần vừa kích cầu du lịch, thay mới các sản phẩm du lịch phù hợp vừa đảm bảo việc phòng dịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam đề xuất một số giải pháp như đề nghị Chính phủ giảm 50% thuế VAT đối với các doanh nghiệp du lịch, từ 10% xuống 5%, trong cả năm 2021; giãn nộp thuế, giảm thuế đất cho các cơ sở lưu trú đồng nhất trên cả nước; kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Ngoài ra là một số kiến nghị như giúp các doanh nghiệp du lịch được tiếp cận gói hỗ trợ để duy trì lực lượng lao động chủ chốt; đề nghị Chính phủ giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt cho hoạt động phục vụ khách du lịch của các sân Golf; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất; hỗ trợ về chính sách cho doanh nghiệp xúc tiến quảng bá, đầu tư sản phẩm mới…
“Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động kích cầu nhằm thu hút du khách như giảm giá vé 50%, giá lưu trú khách 50% đối với khách sạn 3 đến 5 sao; khai thác các sản phẩm du lịch mới như du lịch nông nghiệp, suối thác, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai…, tổ chức nhiều lễ hội lớn quanh năm nhằm kéo du khách nội địa đến với Huế”, ông Trần Hữu Thùy Giang, phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho hay.
https://trithucvn2.net/kinh-te/du-lich-ha-long-te-liet-trong-dich-corona.html
Hồi tháng 10/2020, Cổng thông tin Chính phủ dẫn nhận định của PGS.TS. Phạm Hồng Long cho hay con số thiệt hại ước tính của ngành du lịch mới chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách nhân với mức chi tiêu bình quân, chứ chưa tính đến thiệt hại từ việc “kiệt sức” của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Đây mới chính là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất, lớn nhất, gồm các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (cơ sở lưu trú như các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí,…). Ngoài ra, ngành du lịch có tác động đa ngành nên sự sụt giảm kéo theo rất nhiều ngành nghề [như hàng không, thương mại, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, các cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm…]. Từ đó, ông Long suy ra rằng “sẽ không thể tính được tất cả những thiệt hại của ngành du lịch” và chắc chắn vượt xa con số mà Tổng cục Du lịch ước tính.
Bước sang năm 2021, với đợt dịch bùng phát từ ngày 27-28/1, tới cuối tháng 3, một số tỉnh mới khôi phục lại các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, như rạp chiếu phim, sân khấu, trung tâm thể dục – thể thao, karaoke, vũ trường…, và du lịch nội địa. Trải qua một đợt dịch kéo dài gần hai tháng, thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam đầu năm 2021 hiện chưa được công bố.
Sơn Nguyên
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện lao động mất việc làm thiệt hại kinh tế do dịch viêm phổi Vũ Hán thiệt hại của ngành du lịch