Mô hình của Grab: ‘Kinh tế chia sẻ’ hay biến tướng của hình thức ‘cho thuê’?
- Minh Sơn
- •
Liên quan đến diễn biến phiên tòa xét xử vụ Vinasun kiện Grab đang thu hút nhiều sự quan tâm từ dư luận, một công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực – ứng dụng gọi xe FastGo – đã đưa ra nhìn nhận dưới góc độ của những người trong cuộc.
Trong công văn gửi đến Hội đồng xét xử phiên tòa Vinasun kiện Grab – TAND TP.HCM, FastGo tập trung phân tích các khía cạnh công nghệ và dịch vụ mà các bên đang tranh cãi về việc mô hình của Grab có là trung gian môi giới kết nối các chuyến đi hay không.
Sự thay đổi từ mô hình ‘kinh tế chia sẻ’ sang ‘kinh tế cho thuê’
Khái niệm “nền kinh tế chia sẻ” (sharing economy) không thực sự phản ánh chính xác các mô hình kinh tế như Uber/Grab đang triển khai trên thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, khái niệm “kinh tế chia sẻ” thường được các công ty lớn sử dụng như một hình thức “PR” để đối phó với chính quyền trong các vụ việc và tranh thủ ý kiến ủng hộ của cộng đồng. Các mô hình như Uber/Grab về bản chất là “mô hình kinh tế cho thuê ngắn hặn” (gig/rental economy), hoặc tên gọi khác là “mô hình kinh tế theo yêu cầu” (on-demand economy), các định nghĩa này khá phù hợp và đúng với bản chất hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay.
Việc ứng dụng công nghệ để triển khai các mô hình kinh doanh trong các lĩnh vực thường không được xem là một công ty công nghệ thuần tuý, mà được xem là kinh doanh trong lĩnh vực đó, theo một trong 2 loại hình chủ yếu: Kinh doanh trực tiếp và môi giới kinh doanh. Kinh doanh trực tiếp là mô hình cung cấp dịch vụ trực tiếp tới khách hàng và chịu trách nhiệm về dịch vụ mình cung cấp. Môi giới kinh doanh là mô hình đóng vai trò trung gian kết nối khách hàng với nhà cung cấp dịch vụ, chịu một phần trách nhiệm trong việc đảm bảo giao dịch mà không trực tiếp chịu trách nhiệm về việc cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, căn cứ trên thực tế hoạt động của Grab hiện nay, rõ ràng đây không phải là mô hình môi giới kinh doanh, cũng không phải hoàn toàn mang tính chất công ty công nghệ thuần tuý như các ứng dụng gọi xe khác, vì các lý do sau đây:
Giá cước: Grab chính là đơn vị quyết định giá cước chuyến đi theo thời điểm (mô hình Surge Price) dựa trên các thuật toán mà có thời điểm giá cước có thể tăng cao gấp 3 – 5 lần so với thông thường, giá cước này các tài xế hoàn toàn không biết trước mà chỉ hiển thị cho khách hàng khi đặt xe. Nếu đơn thuần chỉ là trung gian môi giới thì giá cước phải do bên bán (là tài xế) quyết định theo nguyên lý thị trường, vì vậy với cách tính giá cước này Grab không đơn thuần là trung gian môi giới.
Trong khi đó, nhiều nền tảng công nghệ 4.0 lớn khác trên thế giới như: AirBnB (chia sẻ nhà ở), Amazon (chợ trực tuyến), hay AppStore (kho tải phần mềm)… thì giá cả sản phẩm dịch vụ đều do chủ tài sản và người cung cấp dịch vụ quyết định. Còn đối với Grab, hãng này bán dịch vụ vận chuyển cho khách hàng trước và hưởng doanh thu về công ty, sau đó thuê tài xế để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, trả cho tài xế một phần phí khoảng 70% phí thu được của khách hàng.
Thanh toán: Theo công bố của Grab thì gần 50% số cuốc khách được thanh toán bằng thẻ ngân hàng, số tiền này sẽ về Công ty Grab trước khi thanh toán lại cho đối tác tài xế (sau khi trừ chiết khấu). Nếu đơn thuần chỉ là trung gian môi giới thì tiền phải được chuyển thẳng từ thẻ của khách hàng sang Ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng của đối tác tài xế. Trong trường hợp hiện tại, toàn bộ doanh thu thu từ khách hàng được ghi nhận là doanh thu của Grab, sau đó Grab thanh toán lại cho tài xế theo chính sách do Grab tự quyết định với đối tác, vì vậy Grab không đơn thuần là trung gian môi giới.
Độc quyền dịch vụ: Grab o bế không cho các đối tác lái xe được phép sử dụng ứng dụng của bất kỳ bên thứ 3 nào để giữ vị trí độc quyền, ngăn cản sự phát triển của các doanh nghiệp mới và cơ hội tăng thêm thu nhập của các đối tác lái xe, trong khi đó Grab không hề đảm bảo bất kỳ khoản thu nhập tối thiểu nào cho các đối tác lái xe.
Với những quảng cáo hoa mỹ về việc có thu nhập cao và hấp dẫn để mời chào các đối tác lái xe đầu tư phương tiện để tham gia, nhưng sau đó Grab không đảm bảo thu nhập như quảng cáo đồng thời không cho phép các đối tác lái xe tham gia thêm các ứng dụng khác.
Ép buộc khách hàng: Trong thời gian vừa qua, sau khi ép buộc các khách hàng chuyển đổi ví điện tử GrabPay Credit (không có giấy phép) sang ví điện tử GrabPay by Moca và đã “chiếm đoạt” tiền trong tài khoản ví cũ của hàng triệu khách hàng, do khách hàng không thể liên kết được với tài khoản ngân hàng không nằm trong danh sách liên kết của ví điện tử Moca. Vì vậy, hàng triệu khách hàng đã bị mất tiền từ ví điện tử GrabPay Credit và không thể biết được số tiền mà mình còn lại bao nhiêu sau khi nâng cấp vì không thể truy cập lại lịch sử giao dịch của mình. Đây là hoạt động trái pháp luật và có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản của khách hàng.
Các tiền lệ khác trên thế giới
Việc các công ty taxi truyền thống kiện các công ty như Uber đã có tiền lệ trên thế giới. Tại Anh, vào tháng 7/2018 các lái xe taxi truyền thống kiện Uber đòi bồi thường 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD), tại Úc tháng 10/2018 các hãng taxi kiện Uber đòi bồi thường 500 triệu USD, tại Canada các hãng taxi cũng kiện Uber đòi bồi thường 400 triệu USD, tương tự tại Mỹ rất nhiều hãng Taxi cũng đang kiện Uber làm mất doanh thu.
Thông qua văn bản về phiên tòa Vinasun kiện Grab, FastGo mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có các quyết định và điều chỉnh các nghị định phù hợp hơn, để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng với các thông tin này sẽ giúp các cơ quan có thêm các góc nhìn đầy đủ hơn về bản chất của các mô hình trung gian môi giới bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin”, văn bản của FastGo đề cập.
Minh Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Grab Grabtaxi Vinasun kiện grab