Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Ba (ngày 22/7) đã công bố đạt được một thỏa thuận thuế quan mang tính lịch sử với Nhật Bản, thúc đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm. Vào thứ Tư (ngày 23/7), chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng mạnh gần 4%, đạt mức cao nhất trong một năm; chỉ số S&P 500 của Mỹ cũng lập mức cao kỷ lục mới, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 200 điểm. Các nhà sản xuất ô tô là những bên tăng mạnh nhất, Toyota tăng 14%, Honda và Nissan lần lượt tăng 11% và 8%.

shutterstock 720579289
(Ảnh: Shutterstock)

Hiệu ứng tích cực nhanh chóng lan rộng sang châu Âu và Hàn Quốc. Cổ phiếu của Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz Group của Đức đều đồng loạt tăng hơn 5%, Stellantis và Porsche của Ý lần lượt tăng mạnh 7,1% và 7,3%. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, thị trường kỳ vọng các hãng xe châu Âu và Hàn Quốc có thể sẽ noi theo Nhật Bản, đạt được thỏa thuận tương tự với Mỹ, qua đó thúc đẩy sự ổn định thuế quan và cải thiện môi trường thương mại.

Nội dung thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật đạt được vào thứ Ba bao gồm: Nhật Bản cam kết đầu tư và mua sắm tổng trị giá 550 tỷ USD đối với Mỹ, sẽ nâng mức mua sắm hàng năm cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ từ 14 tỷ USD lên 17 tỷ USD, và mua 100 máy bay Boeing. Đổi lại, Mỹ sẽ giảm thuế quan đối với hàng hóa Nhật Bản xuống còn 15%, thuế quan đối với ô tô Nhật Bản từ 27,5% giảm xuống còn 15%.

Quan chức Nhà Trắng cho biết, Nhật Bản đưa ra các phương án tài chính đổi mới, bao gồm việc cung cấp khoản vay và bảo lãnh thông qua các cơ quan nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản xây dựng chuỗi cung ứng chiến lược tại Mỹ trong các lĩnh vực như dược phẩm và bán dẫn. Điều này cũng khiến Nhật Bản trở thành quốc gia thặng dư thương mại lớn duy nhất hiện nay được Mỹ cam kết áp dụng “mức thuế ưu đãi”.

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru gọi thỏa thuận này là “mức thuế thấp nhất mà Mỹ áp dụng đối với các quốc gia thặng dư thương mại”, nhấn mạnh rằng thỏa thuận không làm tổn hại đến lợi ích nông nghiệp của Nhật Bản. Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ mở rộng nhập khẩu nông sản Mỹ thêm 8 tỷ USD, lượng nhập khẩu gạo tăng 75%.

Theo hãng tin Reuters, ngành công nghiệp ô tô Mỹ phản ứng thận trọng với thỏa thuận này. Hiệp hội Chính sách Ô tô Mỹ (American Automotive Policy Council), đại diện cho Ford, General Motors và Chrysler, chỉ trích rằng việc giảm mạnh thuế đối với xe Nhật trong khi vẫn duy trì thuế 25% đối với xe nhập khẩu từ Bắc Mỹ có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng thỏa thuận này giúp giảm chi phí và củng cố kỳ vọng thị trường, về lâu dài có thể có lợi cho toàn ngành ô tô.

Vào thứ Tư, cổ phiếu của General Motors và Ford lần lượt tăng khoảng 5% và 2%, cho thấy nhà đầu tư lạc quan về hiệu quả lâu dài của thỏa thuận.

Nhà Trắng bổ sung rằng Nhật Bản cũng đồng ý hủy bỏ các yêu cầu kiểm tra an toàn bổ sung đối với ô tô sản xuất tại Mỹ khi nhập khẩu vào Nhật, đồng thời xem xét hợp tác với Mỹ để thúc đẩy kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí tự nhiên Alaska.

Chính quyền Trump đang đẩy nhanh các cuộc đàm phán trước thời hạn toàn cầu tăng thuế vào ngày 1 tháng 8, đã lần lượt đạt được thỏa thuận với Anh, Việt Nam, Indonesia và Philippines, đồng thời tạm thời trì hoãn hành động áp thuế trả đũa đối với Trung Quốc. Đại diện đàm phán của EU dự kiến sẽ đến Washington vào thứ Năm, nhằm cố gắng tránh việc Mỹ áp thuế 30% lên hàng hóa châu Âu.

Theo Lý Ngôn/ Epoch Times
(Bài viết này tham khảo các báo cáo từ The Wall Street Journal và CNBC.)