Chuyện về cung phi Bạch Ngọc của vua Trần Duệ Tông
- Trần Hưng
- •
Cung phi Bạch Ngọc sống vào cuối thời Trần, nhận thấy nhà Trần suy vi nên đã cùng gia tộc âm thầm rời khỏi triều đình, tới vùng mà nay là Hà Tĩnh khai hoang. Sau bà có công giúp nhà Hậu Trần, rồi nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh, ủng hộ Lê Lợi lên ngôi vua.
Cung phi Bạch Ngọc tên thật là Trần Thị Ngọc Hào, người làng Tri Bản (nay là xã Hòa Hải huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), nổi tiếng là người đoan trang và đức hạnh, được tuyển làm phi tần của vua Trần Duệ Tông, được gọi là cung phi Bạch Ngọc. Bà sinh hạ được một công chúa là Trần Thị Ngọc Hiền (còn có tên khác là Ngọc Dung, Ngọc Huyên), hiệu là công chúa Huy Chân.
Thời mạt Trần
Cuối thời Trần, các vua Trần không còn duy trì niềm tin tín ngưỡng như các đời Vua trước, không dùng đạo đức làm nền tảng để trị vì, nên nhà Trần càng ngày càng suy sụp. Trong triều tham quan lộng hành, không lo cho đời sống người dân, khiến dân chúng các nơi nổi lên, xã hội bất ổn.
Dưới thời vua Nghệ Tông, vua Chiêm là Chế Bồng Nga nhiều lần mang quân xâm phạm Đại Việt, cướp bóc rất nhiều của cải mang về nước.
Sau vua Nghệ Tông lên làm Thượng hoàng, để em mình giữ ngôi Vua hiệu là Trần Duệ Tông. Vua Duệ Tông lên ngôi mang chí lớn nhưng không có tài văn võ trị quốc, chỉ muốn mau chóng đưa quân trừng phạt Chiêm Thành.
Vua Duệ Tông huy động 12 vạn quân Đại Việt, bỏ ngoài tai những lời khuyên của ái phi Bích Châu cùng các quan Ngự Sử trong triều.
Khi tiến đến kinh thành nước Chiêm, vua Duệ Tông lại ỷ quân đông không nghe theo lời can gián của đại tướng quân Đỗ Lễ, trúng kế của Chế Bồng Nga, khiến quân nhà Trần bị thảm bại. Bản thân vua Duệ Tông bị trúng tên tử trận.
Cung phi Bạch Ngọc quyết định ra đi
Vua Duệ Tông mất khiến cung phi Bạch Ngọc vô cùng đau buồn. Thượng Hoàng Nghệ Tông cho con thứ của vua Duệ Tông là Trần Nghiễn lên ngôi Vua, hiệu là Giản Hoàng Đế. Thời điểm này Chế Bồng Nga tiến đánh Đại Việt, nhiều lần vào Thăng Long như chỗ không người, triều Trần phải mang của cải trốn khỏi kinh thành.
Thượng hoàng Nghệ Tông tin dùng Hồ Quý Ly dù cho các hoàng thân quốc thích phản đối. Năm 1387, Hồ Quy Ly được phong làm Đồng bình chương sự (tức Tể tướng). Giản Hoàng Đế cùng các tâm phúc tìm cách diệt trừ Hồ Quý Ly, nhưng Hồ Quý Ly biết được, tâu lên Thượng hoàng Nghệ Tông.
Nghệ Tông nghe lời Quý Ly, truất ngôi Vua của Giản Hoàng Đế, rồi ép phải thắt cổ chết, các tướng tâm phúc cũng bị hại.
Tháng 1/1395, Thượng hoàng Nghệ Tông mất, quyền hành lọt cả vào tay Hồ Quý Ly.
Cung phi Bạch Ngọc nhận thấy tai họa có thể đến bất cứ lúc nào, liền bàn với 2 anh trai là Trần Đạt và Trần Duy, rồi cùng con gái là công chúa Huy Chân và gia tộc tất cả 572 người âm thầm rời khỏi Kinh thành đến phủ Đức Quang, lộ Nghệ An.
Thời điểm này đánh dấu cột mốc cung phi Bạch Ngọc từ bỏ ngôi vị, quay về dân gian với tên gọi Trần Thị Ngọc Hào.
Đoàn người trải qua cuộc hành trình 50 ngày vất vả, nhiều người đau ốm kiệt sức bỏ cuộc. Đoàn người chọn một ngọn núi trong vùng thâm sơn cùng cốc thuộc dãy Trà Sơn để dựng trại.
Khai phá đất lập làng
Theo bản ghi chép từ gia phả được lưu trữ ở chùa Am thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, thì khi ấy vùng này chưa được khai phá. Bà Ngọc Hào cùng 172 gia nhân vừa khai phá đất hoang thành ruộng, lại vừa chiêu mộ thêm dân đến cùng tham gia. Dần dần số người tham gia đông lên đến 3.000 người, khai hoang đến đâu lập làng đến đó.
Cả vùng đất rộng lớn Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ gồm 3.965 mẫu đất trở thành một vựa lúa phì nhiêu. 45 xã thôn, trang ấp được lập ra trên địa bàn 6 tổng của huyện Đức Thọ. Trai tráng cũng rèn vũ khí, luyện tập để tự bảo vệ xóm làng mới hình thành.
Bà Ngọc Hào cùng con gái Ngọc Hiền đã góp sức khai hoang, lại cho dựng 2 ngôi chùa là chùa Diên Quang (chùa Am) và Tiên Lữ (chùa Lã) để kính lễ Phật.
Làm chủ một vùng đất mới, hai mẹ con bà Ngọc Hào đều cố ẩn đi thân phận, tránh gây ra tiếng tăm nhằm bảo vệ mình.
Trợ giúp nhà Hậu Trần
Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ. Tuy nhiên nhà Hồ không thể chống được ngoại xâm, năm 1407 quân Minh bắt được cha con Hồ Quý Ly và thiếp lập việc cai trị Giao Chỉ.
Cuộc chiến chống quân Minh nổ ra khắp nơi, mạnh nhất là cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần (Xem loạt bài: Nhà Hậu Trần). Mẹ con bà Ngọc Hào đã ủng hộ lương thực của cải và góp nhiều sức cho nhà Hậu Trần.
Tuy nhiên vua Trùng Quang nuôi hy vọng nhà Minh sẽ công nhận và sắc phong cho mình làm vua nên bỏ qua rất nhiều cơ hội tốt để chiến thắng. Nội bộ nhà Hậu Trần cũng lủng củng, dẫn đến vuột mất cơ hội. Đến năm 1414 thì vua Trùng Quang cùng các tướng nhà Hậu Trần đều bị bắt. Vua Trùng Quang cùng Đặng Tất và Nguyễn Súy chọn cách nhảy xuống biển để bảo toàn khí tiết.
Quân Minh đoán biết mẹ con bà Ngọc Hào hỗ trợ nhà Hậu Trần nên tiến hành cướp bóc, quấy phá và cho người theo dõi mẹ con bà. Bà Ngọc Hào liền chuyển gia thuộc đến phía bắc sông La, chọn địa thế hiểm yếu nơi con sông Ngàn Sâu, thuộc đất Thịnh Quả, gần dãy núi Thiên Nhận.
Trợ giúp nghĩa quân Lam Sơn
Năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn tiến đánh được Nghệ An. Tướng quân Bùi Bị phát hiện ra trang trại của mẹ con bà Ngọc Hào và mời bà đến yết kiến chủ tướng Lê Lợi.
Bà Ngọc Hào hỏi ý kiến con gái, Ngọc Hiền cho rằng họ Trần không còn ai có thể gánh vác nổi trọng trách nặng nề. Mệnh Trời dường như đã trao về tay Lê vương ở đất Lam Sơn. Do đó khuyên mẹ ủng hộ Lê Lợi.
Vậy là hai mẹ con bà Ngọc Hào cùng đến yết kiến Lê Lợi. Họ đã ủng hộ toàn bộ tiền và lương thực cho nghĩa quân, để nhiều người trong trang ấp gia nhập nghĩa quân. Bà Ngọc Hào gả Ngọc Hiền làm thiếp cho Lê Lợi. Hai người trong trang ấp là Nguyễn Thời Kính và Phạm Quốc Trung sau này cũng từng lập được công trạng.
Sau khi quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua hiệu là Lê Thái Tổ, các công thần được ban thưởng trong đó có bà Ngọc Hào. Tuy nhiên bà từ chối mọi phần thưởng, trở về quê nhà đến chùa Am làm nơi tu hành. Bà sống đến tận đời vua Lê Thánh Tông, thọ trên 100 tuổi.
Khi bà Ngọc Hào qua đời, nhiều làng trong vùng nơi bà khai hoang lập đất đã tôn thờ bà làm Thành hoàng. Các triều đại nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đều có sắc phong cho bà.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Hạ nhục đại tướng quân, vua Trần tử trận giữa kinh thành nước Chiêm
- Điều giúp nhà Trần ba lần đánh bại đội quân mạnh nhất thế giới
Mời nghe radio:
Từ khóa khởi nghĩa Lam Sơn lịch sử Việt Nam nhà Trần