Mỹ sẽ một lần nữa tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc diện “bưu kiện nhỏ dưới 800 USD”, nâng từ mức 90% đã công bố trước đó lên 120%. Từ ngày 1/6, mỗi kiện hàng sẽ bị áp thuế quan 200 USD.

r shutterstock 2508410177
Biểu tượng ứng dụng Temu. Công ty con Temu của nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo có trụ sở tại Trung Quốc. (Ảnh: Paulm1993/Shutterstock)

“Bưu kiện nhỏ” là thuật ngữ Mỹ dùng để chỉ chính sách miễn thuế đối với các kiện hàng nhập khẩu từ nước ngoài có giá trị dưới 800 USD, còn gọi là “miễn trừ mức tối thiểu” (De minimis exemption).

Các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Shein và Temu đã tận dụng chính sách này để vận chuyển số lượng lớn hàng hóa trực tiếp từ các nhà máy ở châu Á đến tay người tiêu dùng Mỹ, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển và giảm lượng hàng tồn kho.

Chính quyền Tổng thống Trump, nhiều nghị sĩ Quốc hội và các quan chức Hải quan & Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đều muốn bãi bỏ chính sách miễn trừ này, phần lớn là vì các chất cấm như fentanyl đã thâm nhập vào Mỹ qua các kiện hàng giá rẻ như vậy.

Theo sắc lệnh sửa đổi về thuế quan đối ứng do Nhà Trắng ban hành tối ngày 9/4, từ ngày 2/5 đến 31/5, mỗi kiện hàng sẽ bị áp mức thuế quan 100 USD (trước đó là 75 USD). Còn từ ngày 1/6 trở đi, mỗi kiện hàng sẽ chịu thuế quan 200 USD (trước là 150 USD).

Sau vài vòng áp thuế trả đũa lẫn nhau, Mỹ hiện đang áp thuế lên đến 145% với phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc áp mức thuế 84% đối với hàng hóa nhập từ Mỹ.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết đã “thiết lập một hệ thống hoàn chỉnh để thu thuế nhập khẩu đối với hàng hóa quốc tế giá rẻ”.

Những người phản đối chính sách miễn trừ “bưu kiện nhỏ” cho rằng điều này đã gây tổn hại nặng nề cho các doanh nghiệp Mỹ, ví dụ như hãng thời trang Forever 21 – công ty này gần đây đã bắt đầu thanh lý các cửa hàng tại Mỹ, một phần nguyên nhân là do sự cạnh tranh khốc liệt từ Shein và Temu.

Ông Stephen Coulombe, đồng giám đốc tái cấu trúc của Forever 21, cho biết trong một tài liệu pháp lý: “Các nhà bán lẻ bên ngoài nước Mỹ có thể bán hàng với mức giá cực kỳ thấp cho người tiêu dùng Mỹ, điều này đã làm xói mòn nghiêm trọng khả năng giữ chân nhóm khách hàng cốt lõi truyền thống của công ty chúng tôi.”

Tuy nhiên, Viện Cato (Cato Institute), một tổ chức tư vấn chính sách ủng hộ thị trường tự do ở Washington, lập luận rằng việc bãi bỏ miễn trừ tối thiểu chẳng khác nào tăng thuế cho người tiêu dùng Mỹ và đồng thời kéo dài thời gian giao hàng.