New York Times: Thế hệ iPhone tiếp theo có thể được sản xuất ở Việt Nam
- Bảo Minh
- •
Tờ New York Times (NYT) nhận định: “Không có quốc gia nào trên thế giới được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc hơn Việt Nam.”
Theo NYT, ngày càng có nhiều hãng công nghệ lớn đang xem xét việc xây dựng nhà máy ở Việt Nam, trong đó có hãng Apple. Rất có thể những chiếc iPhone thế hệ tiếp theo sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
NYT cho rằng Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi các đơn đặt hàng tại nhiều nhà máy ở Việt Nam đã tăng mạnh sau khi Mỹ áp đặt thuế quan lên hàng Trung Quốc. Nhiều công ty công nghệ lớn cũng đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bài báo cho rằng Việt Nam cần phải làm tốt hơn hoạt động chế tạo vỏ nhựa trên tai nghe AirPods.
Công ty Bắc Việt Technology tại Bắc Ninh do ông Vũ Hữu Thắng làm chủ, hiện đang sản xuất các linh kiện nhỏ bằng nhựa cho máy in Canon, nhạc cụ của hãng Korg, điện thoại di động và phụ kiện điện thoại Samsung, bao gồm cả tai nghe.
Ông Thắng nói rằng công ty của mình sẽ khó cạnh tranh với các nhà cung cấp Trung Quốc khi mà mỗi tháng vẫn phải mua từ 70 – 100 tấn nguyên liệu nhựa nhập khẩu và hầu hết chúng đều được sản xuất tại Trung Quốc.
“Việt Nam không thể so sánh với Trung Quốc”, ông Thắng nói. “Khi chúng tôi mua nguyên liệu, nó đã đắt hơn 5% đến 10%. Và thị trường Việt Nam quá nhỏ để lôi kéo các nhà sản xuất nhựa đặt nhà máy ở đây”.
Các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc đang họp tại Thượng Hải trong tuần này để tìm ra bước tiến mới trong việc giải quyết cuộc chiến thương mại. Nhưng đối với một số công ty, vốn từ lâu đã bị cuốn trong vòng xoáy dai dẳng trong mối quan hệ giữa hai cường quốc này, đã cảm thấy không còn nhiều hứng thú với việc kinh doanh trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Điện thoại thông minh, máy chơi game và nhiều sản phẩm tiêu dùng khác có khả năng sẽ là những cái tên tiếp theo trong danh sách áp đặt thuế quan của Tổng thống Trump. Vì vậy, những công ty này đang phải tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy mới với chi phí nhân công thấp để sản xuất hoặc hoàn thiện sản phẩm của mình.
Hiện Apple đang nhắm tới thị trường Việt Nam và Ấn Độ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nintendo đã nhanh chóng chuyển sản xuất máy chơi game Switch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tập đoàn điện tử Đài Loan Foxconn, một nhà lắp ráp iPhone lớn, cho biết hồi tháng 1 rằng họ đã mua quyền sử dụng đất ở Việt Nam cũng như chi 200 triệu USD vào một công ty con của Ấn Độ. Các đối tác khác của Apple tại Đài Loan và Trung Quốc cũng ám chỉ rằng họ cũng đang xem xét tăng cường hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, NYT cũng cho rằng Việt Nam sẽ không thể thay thế Trung Quốc như một trung tâm sản xuất chỉ sau một đêm do đất đai ở đây rất đắt và các nhà máy, nhà kho sẵn sàng để sử dụng đang thiếu. Việc tuyển dụng đủ nhân viên được đào tạo và quản lý cũng là một thách thức khác.
“Nó chắc chắn vượt quá khả năng đáp ứng của Việt Nam”, ông Frederick R Burke, giám đốc điều hành công ty luật Baker McKenzie tại TP HCM. Mặc dù ông cho biết lực lượng lao động của Việt Nam đang tăng thêm 1 triệu người mỗi năm nhưng hiện người ta đã bắt đầu nói về tình trạng thiếu lao động. Hơn nữa, Việt Nam cũng không có nhiều thành phần của chuỗi cung ứng, bao gồm các công ty sản xuất linh kiện, bộ phận và vật liệu chuyên dụng như ở Trung Quốc.
Việt Nam đã là một “người khổng lồ” trong ngành sản xuất giày dép, quần áo và các loại hàng hóa cần nhiều sức lao động khác.
Nike và Adidas hiện sản xuất gần một nửa số giày thể thao của họ tại Việt Nam. Khi các nhà máy mọc lên, chính phủ Việt Nam đã cam kết cải thiện đường, cảng và nhà máy điện. Hà Nội cũng đã ký thỏa thuận với các chính phủ trên thế giới để giảm thuế, bao gồm cả thỏa thuận đạt được vào tháng trước với Liên minh châu Âu.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã đưa Hà Nội vào danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ. Ông Trump còn đề cập vào tháng trước rằng Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất.”
Đáp lại, chính phủ Việt Nam cho biết họ muốn có mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi với Hoa Kỳ. Đồng thời chính quyền nước này cũng nhấn mạnh việc sẽ xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại, các hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ để trốn thuế.
Hiện tại ở Việt Nam, nhiều tổ hợp nhà máy của những tập đoàn khổng lồ đang được xây dựng.
>> Việt Nam hưởng lợi lớn từ thương chiến Mỹ-Trung
NYT lấy ví dụ về Samsung, hơn một thập kỷ trước, Samsung Electronics đã thành lập một nhà máy ở Bắc Ninh để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo thời gian, chi phí sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng trong khi doanh số của Samsung ngày càng gặp vấn đề, đặc biệt sau khi chính quyền Bắc Kinh kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc vào năm 2017.
Sau đó, Samsung đã đóng cửa tất cả trừ một trong những nhà máy sản xuất smartphone tại Trung Quốc. Hiện công ty này đang lắp ráp khoảng một nửa số điện thoại của mình tại Việt Nam. Các công ty con của Samsung tại Việt Nam cũng sử dụng khoảng 100.000 nhân công, đóng góp gần một phần ba trong doanh thu 220 tỷ USD của công ty này vào năm ngoái.
Một phát ngôn viên của Samsung cho biết khoảng 90% doanh số bán hàng liên quan đến hàng hóa được vận chuyển từ Việt Nam sang các nước khác. Điều đó ngụ ý rằng một mình Samsung đã chiếm một phần tư kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018, mặc dù điều đó có thể không hoàn toàn thể hiện được sức ảnh hưởng của công ty đối với cả nền kinh tế.
Thành công của Samsung tại Việt Nam đã giúp thuyết phục nhiều nhà cung cấp Hàn Quốc rằng họ cũng cần có mặt ở đây.
Một số chủ doanh nghiệp Việt Nam nói rằng khi những doanh nghiệp khổng lồ nước ngoài đến Việt Nam, họ chủ yếu làm việc với các nhà cung cấp quen thuộc mà họ đã sử dụng ở nơi khác, do đó cũng không có nhiều cơ hội trong chuỗi cung ứng dành cho những doanh nghiệp địa phương.
“Samsung có 35 nhà cung cấp ở Việt Nam”, người phát ngôn của công ty cho biết. Còn Apple từ chối bình luận.
Đại diện một doanh nghiệp Việt Nam từng hợp tác với Samsung và các công ty công nghệ khác thừa nhận hầu hết nhà cung ứng Việt Nam đều gặp vấn đề với chất lượng, năng suất nên không giành được hợp đồng từ các công ty đa quốc gia. Người này cho rằng mấu chốt của vấn đề là sự thiếu kinh nghiệm, chứ không phải thiếu tiền hay hiểu biết.
Nguyễn Thị Huệ, 28 tuổi, thành lập công ty riêng có tên Anofa, chuyên về xử lý bề mặt cho các bộ phận kim loại vào năm 2015. Hiện công ty của cô là đối tác với các nhà cung cấp cho các thương hiệu nước ngoài lớn như công ty điện tử Hàn Quốc LG và nhà sản xuất xe máy Ducati của Ý.
Nguyễn Văn Huân, chồng của Huệ, cũng đồng thời là luật sư của công ty. Anh cho biết đang rất mong chờ sự mở rộng chuỗi cung ứng của Apple tại Việt Nam.
“Anofa đã đầu tư vào các máy móc mới để cố gắng giành được nhiều đơn hàng hơn từ các khách hàng nước ngoài. Họ có tiêu chuẩn và yêu cầu cao”, Huân nói.
“Chúng tôi có thể gặp họ [Apple]”, Huệ nói và cười rạng rỡ.
Bảo Minh (theo New York Times)
Xem thêm:
Từ khóa Sản xuất Iphone chiến tranh thương mại sản xuất iPhone tại Việt Nam Apple rời nhà máy đến Việt Nam