Ngành ngân hàng thống kê sơ bộ có khoảng 83.400 khách vay ngân hàng với tổng dư nợ 116.000 tỷ đồng bị thiệt hại do bão Yagi.

nganh ngan hang ho tro 83 400 khach hang vay von bi thiet hai do bao yagi
Người miền núi ở Lào Cai chịu nhiều thiệt hại sau bão Yagi. (Ảnh: laocaitv.vn)

Thông tin trên được ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, công bố tại Hội nghị triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi, chiều 20/9.

Khách hàng của các tổ chức tín dụng gồm doanh nghiệp, người dân tại 26 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do bão, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ hay không đáp ứng các điều kiện vay vốn.

Một số địa phương có dư nợ thiệt hại lớn gồm Yên Bái chiếm hơn 18,5% tổng dư nợ của địa phương, theo sau là Hà Nội (khoảng 11%), Hải Phòng (10,7%), Hải Dương (8,6%), Quảng Ninh (7%)…

17 ngân hàng công bố các chương trình hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại do bão Yagi. Bên cạnh chính sách cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, hầu hết các ngân hàng triển khai giảm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu và dư nợ vay mới, phổ biến ở mức từ 1 – 2%. Cá biệt có ngân hàng giảm tới 50% tiền lãi hiện tại cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của bão lụt.

Đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết đã dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân với mức giảm lên đến 50% tiền lãi hiện tại, đồng thời mức lãi suất ưu đãi này sẽ được giữ cố định đến muộn nhất là 31/1/2025. Tương tự với khách hàng doanh nghiệp, TPBank cũng dành 2.000 tỷ đồng; trong đó có 1.200 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng hiện hữu và 800 tỷ đồng dành cho khách hàng vay mới với lãi suất giảm tối đa đến 2%.

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), tùy theo mức độ thiệt hại…, MB giảm tối đa đến 2% lãi suất cho khách hàng hiện hữu; trong đó, đối với khoản vay dài hạn giảm từ 1 – 2%/năm, ngắn hạn giảm từ 0,5 – 1%/năm, áp dụng từ hôm nay (20/9) đến hết năm 2024. Ngoài ra, MB cũng bổ sung thêm 7.000 tỷ đồng cho gói vay mới với khách hàng cá nhân, nâng quy mô gói lên thành 9.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 1% so với lãi suất thông thường.

Đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) ước tính có gần 2.000 tỷ đồng dư nợ và 500 khách hàng bị thiệt hại sau bão. HDBank đã chủ động từ hội sở xuống các đơn vị thuộc 26 tỉnh phía Bắc làm việc trực tiếp với khách hàng để làm căn cứ giãn, hoãn nợ. Ngoài cơ cấu nợ, HDBank còn triển khai gói 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất, gồm: 3.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho khách hiện hữu và 7.000 tỷ đồng cho vay mới, tập trung vào khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vừa khách hàng cá nhân.

Lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cũng cho biết đã thực hiện giảm lãi suất từ 0,5 – 2% cho khách hàng.

Vietcombank giảm lãi suất đến 2% cho tất cả các khách hàng bị thiệt hại nặng nề do bão Yagi mà không phải chờ khách hàng làm đơn đề nghị. Tổng dư nợ hỗ trợ khoảng 160.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) giảm lãi suất cho 100% khách hàng chịu ảnh hưởng, không thu lãi chậm trả. Theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, dự kiến dư nợ hiện hữu được giảm lãi suất là khoảng 40.000 tỷ đồng, đồng thời đối với các dư nợ phát sinh mới cũng được giảm lãi suất từ 0,5 – 2%, áp dụng đến hết 31/12/2024.

Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), thống kê sơ bộ có khoảng 40.000 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp và 20.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân bị thiệt hại do bão. VietinBank dành gói hỗ trợ lãi suất 1%, quy mô 100.000 tỷ đồng hỗ trợ ngay với cả khách hàng cũ và mới, áp dụng đến hết năm 2024.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ước tính hơn 1.000 khách hàng chịu ảnh hưởng do bão với dư nợ hơn 40.000 tỷ đồng. BIDV giảm từ 0,5 – 2% lãi suất tùy theo mức độ thiệt hại của khách hàng. Ngoài ra, ngân hàng này còn triển khai gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho vay khách hàng mới với lãi suất ưu đãi.

Trước đó, tại hội nghị tiếp nhận viện trợ khẩn cấp của đối tác quốc tế cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi hôm 18/9, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thiệt hại kinh tế do bão là hơn 2 tỷ USD (gần 50.000 tỷ đồng), dự kiến khi thống kê đầy đủ khoảng 2,5 tỷ USD.

Mức mới này gấp 5 lần so với tổng thiệt hại thiên tai năm 2023 và cao hơn thiệt hại thiên tai ba năm gần nhất cộng lại. “Cơn bão gây tổn thất lớn nhất cho Việt Nam từ trước tới nay. Bão quá lớn, gây thảm họa rất rộng, vượt quá sức chống chịu của cơ sở hạ tầng”, ông Hiệp nói.

Dự báo thiệt hại kinh tế làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng của một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai có thể giảm trên 0,5%.

Bão Yagi đổ bộ Quảng Ninh ngày 7/9 với sức gió tại Bãi Cháy cấp 14, giật cấp 17, thuộc nhóm cao nhất từng ghi nhận trên lãnh thổ Việt Nam. Bão và các tác động sau bão đã gây thiệt hại lớn về người với 292 người chết, 37 người mất tích. Mưa lớn sau bão đã gây ra một đợt lũ diện rộng 20/25 tỉnh miền Bắc, khiến hơn 70.000 gia đình bị ngập.

Minh Long