Người đàn ông 14 lần trúng xổ số: (P2) Giải độc đắc 27 triệu đô
- Quốc Hùng
- •
Chuyện kể về nhà kinh tế học người Rumani – Stefan Mandel – ranh mãnh bắt bài được trò xổ số và chiến thắng hàng triệu đô la trên khắp thế giới…
Tiếp theo phần 1.
Phần 2 – Giải độc đắc 27 triệu đô
Mandel biết rằng phương án “mua tất cả” để chiến thắng xổ số khó về chuẩn bị logistic (vận chuyển và hậu cần) hơn là về tài chính. Phần khó khăn nhất của kế hoạch vẫn chưa đến.
Vé số có thể được in hợp pháp tại nhà, nhưng chúng phải được đem tới một đại lý xổ số được ủy quyền ở Mỹ, trả 1 đô la và sau đó được cửa hàng xử lý. Bước tới một cây xăng với 7 triệu vé số và 1 xe tải đầy tiền mặt không phải là một lựa chọn hợp lý.
Mandel thuê một công ty kế toán tên Lowe Lippmann để chuyển 7,1 triệu đô la tiền của nhà đầu tư cho ngân hàng Crestan Bank ở Virginia, nơi nó được chia nhỏ thành các tấm séc trị giá 10.000 đô. Sau đó ông ta phải làm việc với các chuỗi bán lẻ có trụ sở ở Virginia để có thể mua vé với số lượng lớn. Tất cả những gì Mandel cần là một người phụ trách tại thực địa để điều phối mớ bòng bong này.
Và người được tin tưởng giao trọng trách là anh bạn Anithalee Alex lắm chiêu.
Với chiếc đồng hồ Rolex vàng và bộ đồ safari (chuyên dùng cho du lịch châu Phi), Alex là một người giỏi ăn nói có thể “khiến thế giới dường như chỉ toàn màu hồng.” Từ một cựu lính nhảy dù chuyển sang nghề bán xe Rolls Royce, rồi qua người đi tìm dầu, ông ta thường đi lang thang khắp thị trấn nhỏ Teutopolis, Illinois với một chiếc áo phông có dòng chữ: “Hỡi Chúa, hãy để con chứng minh trúng xổ số sẽ không làm con hư hỏng.”
Khi người bạn cũ Mandel gọi tới, Alex vừa mới phá sản với khoản nợ 400 nghìn đô la và 16 cái thẻ tín dụng hết sạch hạn mức. Ông ta đã sẵn sàng để làm việc – bất cứ việc gì.
Công việc khá trần ai: ông ta phải điều phối việc đưa vé tới các đại lý, trả tiền và xử lý 7 triệu vé tại hàng trăm điểm trên khắp Virginia.
Giải độc đắc được nâng lên 27 triệu đô vào ngày thứ 4, và lần quay số tiếp theo sẽ vào thứ 7. Thế có nghĩa là cả nhóm sẽ chỉ có 72 giờ đồng hồ để hành động.
Cơn ác mộng logistic
Ngày 12/2/1992, 3 ngày trước khi quay số – Alex đăng ký vào ở tại Nhà trọ Holiday Inn ở Norfolk, Virginia và thiết lập một “trung tâm chỉ huy” ở Koger Center, một khu văn phòng kinh doanh gần đó.
Trong khối nhà rộng 350m2 ấy, Alex tập hợp một đội gồm 35 người giao vé (chủ yếu là những kế toán có bằng cấp) và phân phát những gói 10.000 vé số cùng những tờ séc trị giá 10.000 đô la.
“Hãy tưởng tượng nó giống như một văn phòng làm việc vậy, một văn phòng làm việc lớn,” ông nói.
Liền 2 ngày sau đó, đội giao vé đặt chân tới 125 cây xăng và siêu thị trên toàn bang. Tại Farm Fresh, Miller Mart và Tinee Giant, những nhân viên cửa hàng không hiểu tại sao họ lại được yêu cầu mua và xử lý nhiều vé xổ số được tự động in trước đến thế.
“Chúng tôi tưởng rằng họ là những kẻ bị thần kinh,” Rick Miller, một chủ sở hữu cây xăng ở địa phương sau này thừa nhận. “Nhưng nếu ai đó đến và nói rằng họ muốn mua 700.000 nghìn đô la vé số, thì chúng tôi sẽ không đuổi họ đi chỗ khác.”
Một người khác tại Farm Fresh, người đã mua 2,4 triệu vé số của Mandel, có cách nghĩ giàu triết lý hơn: “Thật hên xui khi ai đó muốn thử mua tất cả các vé theo kiểu này. Nhưng chẳng phải xổ số chính là may rủi hay sao.”
Chiều thứ 7, cả đội đã gần tới đích. Nhưng rồi tại họa ập đến.
Một trong những người mua vé số đã bị quá tải và bỏ cuộc vào những giờ cuối cùng, để lại hàng triệu vé số trên bàn. Khi hạn cuối nộp vé đã điểm, chỉ có 5,5 trong số 7 triệu vé số của Mandel (78%) được xử lý. Kế hoạch “không tì vết” của Mandel, dựa vào việc mua tất cả mọi khả năng có thể xảy ra, đang bị đe dọa.
Cuối cùng thì, cũng như tất cả những lần quay số số khác, thần may mắn sẽ quyết định ai trúng giải độc đắc.
>> Câu chuyện của Bill Gates: “May mắn quyết định một nửa thành công”
“Điều phi thường nhất thế giới”
Mandel biết rằng nếu không có đủ 100% vé được xử lý, kế hoạch của ông ta cuối cùng quay về với bản chất một trò chơi may rủi.
Ông cũng biết đến những nỗ lực bất thành khác nhằm mua vé số theo lô ở Mỹ. Năm 1990, một viên chức nghỉ hưu ở Sacramento cầm một túi đầy tiền mặt đi mua 30.000 vé số và rồi trắng tay; nhiều tháng sau, một kỹ sư máy tính có biệt danh “Bóng ma” mua 80.000 vé tại một quán bar ở Jacksonville, Florida nhưng chỉ thắng được những giải phụ không đáng kể.
Ngày cả khi Mandel chiến thắng, vẫn có khả năng sẽ xuất hiện người đồng trúng giải – và như thế sẽ làm giảm đáng kể phần thưởng của giải độc đắc.
11:20 đêm ngày 15/2, các vòng quay xổ số được truyền hình trực tiếp trên sóng. Ở một nhà kho gần đó, Alex và đồng bọn lục tìm điên loạn trong đống 5,5 triệu tờ biên nhận để tìm cho bằng được vé trúng thưởng.
Và rồi, trong đống hỗn độn ấy, một tiếng hét chiến thắng vang lên: Họ đã thắng.
“Khi tấm vé số 27 triệu đô xuất hiện, tất cả mọi người đều nhảy lên cao 2m,” Alex sau đó kể lại “Đó là điều phi thường nhất trên thế giới.” Tấm vé được mua tại một cửa hàng Farm Fresh ở Chesapeake lúc hoàng hôn. Những nỗ lực của Alex đã được đền đáp.
Từ căn nhà mình ở Australia. Mandel gửi một tin nhắn ngắn gọn tới 2.524 nhà đầu tư: “Một trong những giải xổ số mà chúng ta nhắm đến đã có giải độc đắc đạt tới ngưỡng yêu cầu. Chúng ta đã vào cuộc và chiến thắng.”
Giải độc đắc trị giá 27.036.142 triệu đô la (và 900.000 đô giải phụ) được trả thành 20 lần trong 20 năm, mỗi lần 1.03 triệu đô la. Nhưng nhà cái Xổ số Virgina lại có một kế hoạch khác.
Thomas Jefferson sẽ nói điều gì?
Mặc dù hoàn toàn hợp pháp theo luật Hoa Kỳ và luật bang Virginia, nhưng chiêu trò của nhóm người Australia bị cho là “lừa đảo” hệ thống xổ số truyền thống.
“Chúng ta có thể nhớ lại quan điểm của Thomas Jefferson với một tờ vé số,” Giám đốc Xổ số Virginia Ken Thorson nói trước truyền thông. “Đó là một cơ hội để một người bình thường có thể tiêu một khoản tiền nhỏ cho cơ hội thắng một giải lớn hơn… Chúng tôi chưa bao giờ chờ đợi một nhóm người mua một lượng lớn vé số như vậy.”
Mandel đã phải trải qua một chiến dịch pháp lý dài 4 năm, riêng cá nhân ông bị 14 tổ chức điều tra, bao gồm cả CIA, FBI, IRS (Internal Revenue Service – Sở Thuế Vụ Mỹ), Cơ quan Hình sự Quốc gia Mỹ, và Ủy ban An ninh Australia.
Cuối cùng, cả Mandel và quỹ đầu tư xổ số của ông ta ILF được phán quyết vô tội. “Tôi sẽ sống đến 150 tuổi,” ông tuyên bố. “Tôi không phải là loại người nằm xuống rồi chết vì một nhân viên cửa hàng ngớ ngẩn không biết mình đang làm gì.”
Trong khi đó, ở quê nhà Australia, Mandel trở thành một anh hùng dân tộc: Một tờ tranh biếm họa nổi tiếng trong nước đã mô tả ông là một chú chuột túi đang ôm một bọc tiền lớn nhảy ra khỏi nước Mỹ – một cách thách thức, vẻ vang và tràn đầy sức sống.
>> Trẻ, giàu và tằn tiện: Những nhân viên muốn nghỉ hưu ở tuổi 30
Trả lại tiền cho tôi
Mặc dù vậy, tương lai vẫn không được tươi sáng cho lắm đối với tất cả mọi người. Bốn năm sau chiến tích ở Virginia, các nhà đầu tư vẫn phải dài cổ chờ đợi “lợi nhuận phi thường” của mình.
Các nhà đầu tư, chủ yếu là những người kinh doanh nhỏ, thợ vận hành máy móc, nội trợ và bác sĩ – đã bị cho ăn bánh vẽ với những lời hứa hẹn về sự giàu có và được tham gia tới 9 giải xổ số 1 năm. Tuy vậy, họ cuối cùng chỉ nhận lại được 1.400 đô la cho khoản đầu tư 4.000 của mình.
Trong khi đó, Mandel tự trả cho mình “phí tư vấn” một lần cả thảy 1,7 triệu đô la, và công khai bán giải thưởng được trả trong 20 năm kia cho một công ty bảo hiểm Mỹ lấy khoản tiền trọn gói 14 triệu đôla. Sau khi trừ đi các khoản (5,5 triệu đô la tiền vé số và 500 nghìn đô la chi phí), ông ta tếch đi như một ông hoàng.
Các số liệu cho thấy Mandel đã chuyển số tiền này vào Pacific Basin Fund, một quỹ ở Hồng Kông do người anh rể của mình quản lý. “Thực tế đã thay đổi so với những gì chúng ta đã tính toán,” ông viết trong một bức thư năm 1994 cho các nhà đầu tư. “Xem ra đây không phải là một khoản đầu tư béo bở nữa rồi.” Sau đó, những gì nhà đầu tư nhận lại chỉ là sự im lặng lạnh lẽo.
Về phần mình, sau những thất bại trong việc kinh doanh một công ty bảo hiểm nhân thọ và một mạng lưới xổ số tại vùng lãnh thổ Gibraltar của Anh, Mandel tuyên bố phá sản năm 1995. Sau đó ông ta dành 10 năm tiếp theo để thực hiện các phi vụ đầu tư lừa đảo khác nhau – một trong số đó khiến Mandel phải nhận báo ứng với án phạt 20 tháng tù giam ở Israel.
“Stefan Mandel không chỉ không phù hợp,” một nhà đầu tư ấm ức sau đó đã nói đùa. “Ông ta là chất độc”
Cái kết nào cho bậc thầy xổ số?
Ngày nay, Mandel dành những năm tháng còn lại của đời mình ở một ngôi nhà trên bãi biển trên một hòn đảo xa xôi tại Vanuatu, một quốc gia nằm ngoài khơi Australia. Ông ta sống lặng lẽ và được cho là đã “nghỉ hưu” khỏi ngành xổ số.
Anithalee Alex, cộng sự “một lần” của Mandel, cũng về ẩn cư ở đâu đó tại Illinois. “Anh không thể viết được câu chuyện nào hay hơn thế này,” ông ấy nhiều năm sau nhớ lại. “Câu chuyện có thật độc nhất vô nhị này còn hay hơn cả tiểu thuyết.”
Mặc dù chúng ta có thể xâu chuỗi lại và hiểu được Mandel đã chuẩn bị logistic thế nào trong sự nghiệp 20 năm xổ số của mình, nhưng ông ấy lại chưa bao giờ tiết lộ dù chỉ một chút thuật toán của mình. “Đó sẽ giống như Coca-Cola tiết lộ công thức bí mật của họ vây,” Mandel đã nói với một phóng viên của AP năm 1992.
Di sản của Mandel cũng sống mãi với ngành lập pháp Hoa Kỳ: toàn bộ 44 bang có quay xổ số đã thông qua những bộ luật ngăn chặn trường hợp tương tự như của Mandel tái diễn. Nhờ thế, ông ấy đã trở thành người đầu tiên và cũng là cuối cùng thành công trúng giải độc đắc nhờ mua tất cả những tổ hợp có thể xảy ra.
Hồi tưởng lại những ngày tháng điên rồ ấy, ông thừa nhận sự mạo hiểm của mình.
“Tôi là một người đàn ông dám chấp nhận rủi ro, nhưng theo một cách đã được toan tính,” ông nói với tờ Bursa của Rumani. “Cạo râu cũng là một dạng xổ số: luôn luôn có khả năng tôi sẽ tự làm chảy máu mình, bị nhiễm trùng rồi chết – nhưng tôi vẫn phải làm thế.”
“Sự may rủi… đứng về phía tôi,” ông kết luận.
(hết)
Theo The Hustle
Quốc Hùng
Từ khóa Hy hữu Bài học kinh doanh Xổ số lừa đảo