Reuters: Còn nhiều câu hỏi mở về thuế quan đối với sản phẩm dệt may, da giày từ Việt Nam
Thỏa thuận thương mại Việt Mỹ còn nhiều câu hỏi mở đối với các sản phẩm dệt may, da giày. Liệu ngành hàng sẽ bị áp thuế thông thường (20%) hay thuế chuyển tải (40%) khi công đoạn gia công, lắp ráp ở Việt Nam nhưng phần lớn nguyên vật liệu lại nhập khẩu từ Trung Quốc?
Như thông báo của Tổng thống Dolnald Trump, Hoa Kỳ sẽ đánh thuế 20% lên các sản phẩm của Việt Nam, trong khi các sản phẩm “chuyển tải” từ nước thứ ba sẽ phải chịu mức thuế 40%.
Một thực tế hiện hữu là ngành dệt may và da giày Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm sợi, vải, cúc bấm, khóa kéo … Hiện nay cũng chưa rõ là những sản phẩm được lắp ráp, gia công ở Việt Nam từ các nguyên vật liệu Trung Quốc có chịu ảnh hưởng của mức thuế quan “chuyển tải” không?
Thông thường “chuyển tải” được hiểu là hàng hóa sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc, được vận chuyển qua Việt Nam, dán nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” rồi đem đi xuất khẩu.
Hải quan Hoa Kỳ đã theo dõi những hành vi này, nhưng chính quyền Trump có quan điểm khá cứng rắn, minh chứng ở việc Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói với CNBC rằng “một lượng lớn” hàng hóa từ Việt Nam là chuyển tải từ Trung Quốc.
Sheng Lu, giáo sư nghiên cứu ngành thời trang và trang phục tại Đại học Delaware, cho biết có rất nhiều câu hỏi xung quanh thỏa thuận thương mại Việt Mỹ.
“Thẳng thắn mà nói, chuyển tải là bất hợp pháp, nhưng việc sử dụng nguyên liệu nước ngoài theo đúng quy định về nguồn gốc xuất xứ thì là thông lệ,“, bà Lu nói. “Lẫn lộn hai hành vi này sẽ tạo ra sự bất ổn lớn và rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng.“
Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của các nhà bán lẻ, các thương hiệu thời trang khi muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng nó cũng trở thành mục tiêu của chính sách thương mại gay gắt dưới chính quyền Trump.
Việt Nam là nguồn sản xuất chính các sản phẩm của hãng giày thể thao Nike, chiếm hơn 50% sản lượng giày năm 2024 của tập đoàn, đồng thời cũng là quốc gia cung cấp tới 27% tổng số sản phẩm của Adidas.
Người phát ngôn của Nike cho biết sẽ nhìn vào thỏa thuận chi tiết. Còn Adidas từ chối bình luận.
“Với những thay đổi và khả năng bị áp thuế chuyển tải, tôi nghĩ rằng các nhà nhập khẩu sẽ đặt câu hỏi, liệu Việt Nam có phải là một lựa chọn tốt hay không?” – Lila Landis, nhà tư vấn thuế tại Fort Worth, Texas cho biết.
Hiện các chi tiết về thuế quan chưa được xác nhận, thuế 40% có thể bị áp chồng lên mức thuế của Trung Quốc chính xác cho bất kỳ sản phẩm nào, khiến nó trở nên vô cùng nghiêm ngặt, Landis nói thêm.
Nhóm các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Hoa Kỳ cho biết, năm 2024, Mỹ nhập khẩu 274 triệu đôi giày từ Việt Nam. Nhóm này lên tiếng việc đánh thuế là không cần thiết, nó sẽ làm tổn hại tới người tiêu dùng Hoa Kỳ.
“Có sự thất vọng về mức thuế 20% dành cho Việt Nam”, Joe Jurken, giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Tập đoàn The ABC nói.
Mức thuế công bố với Việt Nam gần với Trung Quốc (đang ở mức 55%) sẽ khiến một số nhãn hàng quyết định ở lại Trung Quốc thay vì chuyển dịch nhà cung cấp, vừa tốn kém vừa mất nhiều thời gian.
“Phía Việt Nam cũng không đủ năng lực vì không có đủ nhà máy, trong khi công suất thì thừa thãi ở Trung Quốc… do đó, chúng tôi nghĩ trong ngắn hạn các nhà máy Trung Quốc sẽ được hưởng lợi,” Jurken nói.
Nhưng dù sao 20% vẫn tốt hơn mức 25%-30% mà thị trường đã từng lo sợ, theo nhà phân tích của Raymond Jamed.
Và việc công bố thỏa thuận thương mại phần nào chấm dứt được tình trạng bất ổn, và có thể khuyến khích một số nhà bán lẻ cân nhắc tiếp tục đặt hàng ở Việt Nam, Jim Kennemer, giám đốc điều hành Cosmo Sourcing cho biết.
“Rất khó có thể có một chuỗi cung ứng hoàn toàn “không Trung Quốc””, Jim nói.
Từ khóa thỏa thuận thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ; dệt may; giày dép
