Trung Quốc thao túng, kiểm soát dữ liệu để thực hiện đàn áp xuyên quốc gia
- Thiện Chính
- •
Các chuyên gia cảnh báo rằng, chế độ chuyên quyền kỹ thuật số của Bắc Kinh có thể mở rộng sang các quốc gia khác thông qua các ứng dụng và nền tảng của Trung Quốc, thu thập và truyền dữ liệu người dùng về Trung Quốc.
Theo một số chuyên gia được The Epoch Times phỏng vấn gần đây, các công cụ kỹ thuật số và thao túng dữ liệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho phép họ có thể thực hiện việc đàn áp xuyên quốc gia.
Đàn áp xuyên quốc gia xảy ra “khi các chính phủ nước ngoài vượt ra ngoài biên giới của họ để đe dọa, bịt miệng, cưỡng ép, quấy rối hoặc gây hại cho các thành viên trong cộng đồng người di cư và lưu vong của họ tại Hoa Kỳ”, theo FBI. Điều này cũng có thể được hiểu tương tự tại các quốc gia khác.
Khách tham quan tại Trung tâm Phân tích Dữ liệu trong khuôn khổ Triển lãm Công nghiệp Dữ liệu Lớn Quốc tế Trung Quốc 2017 tại Trung tâm Hội nghị Sinh thái Quốc tế Quý Dương ở Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, vào ngày 27 tháng 5 năm 2017. Lintao Zhang/Getty Images
Trung Quốc giám sát dữ liệu lớn
Trong nhiều năm, Chen Ende, người gốc thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã làm việc cho nhiều dự án công nghệ khác nhau, bao gồm nền tảng dữ liệu của Alibaba Cainiao Technology và nền tảng công việc chính phủ của Tianque Technology.
Năm 2018, Chen gia nhập Cainiao Network Technology, bộ phận hậu cần – cung ứng của Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, điều hành nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Công việc của ông là thu thập và sắp xếp thông tin hậu cần (logistics) của người dùng và bán cho các công ty chuyển phát nhanh trong nước.
Chen cho biết ông rất ngạc nhiên khi hệ thống nội bộ của công ty có thể truy cập vào toàn bộ thông tin người dùng, bao gồm hồ sơ mua hàng, thông tin chi tiết về sản phẩm, tên người nhận, số điện thoại và địa chỉ.
Ông lưu ý rằng Alibaba có một nhánh chính trị hoặc một ủy ban liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền, đảm bảo công ty tuân thủ hệ tư tưởng của ĐCSTQ và dữ liệu có thể được cung cấp cho các cơ quan chức năng của Đảng theo yêu cầu.
Chen phát biểu với phiên bản tiếng Trung của tờ The Epoch Times rằng: “Miễn là chính phủ muốn nhắm vào ai đó, tất cả thông tin này có thể được báo cáo ngay lập tức và không ai có thể từ chối [yêu cầu của chính quyền]”.
Cuối năm 2019, Chen gia nhập Tianque Technology, có trụ sở chính tại Hàng Châu. Công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho các cơ quan chính phủ.
Tại tỉnh Chiết Giang, công ty này chịu trách nhiệm về hệ thống quản lý lưới của chính quyền Trung Quốc, hệ thống này chia các cộng đồng thành những đơn vị nhỏ hơn và dễ quản lý hơn, gọi là các ô lưới, để giám sát dân số, nhà ở và các hoạt động xã hội.
Ông Chen cho biết hệ thống của Tianque Technology có thể báo cáo theo thời gian thực những cá nhân có hành vi bị chính quyền coi là “bất thường” và theo dõi họ. Hệ thống này được biết đến với chức năng theo dõi những người bất đồng chính kiến và chỉ trích ĐCSTQ.
Trong đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán), nhóm dự án của Chen đã làm việc trên hệ thống mã y tế của Alibaba. Nhóm đã theo dõi dữ liệu thống kê hàng ngày và phát hiện ra sự khác biệt giữa số ca nhiễm và số ca nhiễm mới.
“Mỗi ngày đều có ca nhiễm mới, nhưng kết quả lại hiển thị là không có ca nào”, ông nói.
ĐCSTQ có tiền sử lâu dài và tai tiếng trong việc che giấu thông tin và công bố dữ liệu không đáng tin cậy, bao gồm cả việc báo cáo không đầy đủ về các ca nhiễm COVID-19 và các ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020.
Hệ thống mã y tế, dựa trên tình trạng xét nghiệm hàng loạt và tiêm chủng mà Bắc Kinh thực hiện trong thời kỳ đại dịch, đã hạn chế việc di chuyển của người dân.
Ông Chen chỉ trích chính sách phong tỏa hà khắc của chính quyền Bắc Kinh, lưu ý rằng quy định về sức khỏe đã góp phần gây ra những thảm kịch như nạn đói và thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.
Chen cho biết ông đã nói với ban lãnh đạo tại Tianque rằng công việc của họ là “tiếp tay cho cái ác” – một quan điểm mà ông nói rằng công ty coi là “không đúng”. Ông Chen đã bị sa thải vào tháng 7 năm 2020.
Một hành khách đưa mã QR màu xanh lá cây trên điện thoại để thông báo tình trạng sức khỏe của mình cho nhân viên an ninh khi đến ga xe lửa Ôn Châu ở Ôn Châu, Trung Quốc,vào ngày 28 tháng 2 năm 2020. Noel Celis/AFP qua Getty Images
Trung Quốc thao túng, làm giả dữ liệu
Việc ĐCSTQ thao túng và làm giả dữ liệu cho thấy những khiếm khuyết có tính hệ thống trong quản trị của Đảng này, theo ông Sun Kuo-hsiang, giáo sư về các vấn đề quốc tế và kinh doanh tại Đại học Nam Hoa ở Đài Loan.
Gần đây, ông Sun phát biểu với ấn bản tiếng Trung của tờ The Epoch Times rằng: “Việc bóp méo dữ liệu chính thức dẫn đến việc hoạch định chính sách dựa trên nền tảng sai lầm”, điều này “tiếp tục gây ra xung đột xã hội”.
Ông cho biết hành vi làm giả dữ liệu của ĐCSTQ cũng có thể gây ra hậu quả đáng kể trên toàn cầu.
“Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dữ liệu kinh tế của Trung Quốc được nhiều chính phủ, công ty và tổ chức của các quốc gia khác tin tưởng rộng rãi”, ông Sun cho biết.
“Nếu ĐCSTQ cố tình thao túng dữ liệu thống kê, điều này sẽ dẫn đến những đánh giá sai lầm về đầu tư, lập kế hoạch chuỗi cung ứng và chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia.”
Chế độ chuyên chế kỹ thuật số
Ông Chen cho biết kể từ năm 2016, ĐCSTQ đã thúc đẩy đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, ví điện tử, và vào ngày 15 tháng 7, họ đã chính thức ra mắt ID kỹ thuật số. Hệ thống này đã bao phủ 17 tỉnh thành trên khắp Trung Quốc và được kết nối với 67 ứng dụng phổ biến, bao gồm WeChat, Taobao, Xiaohongshu, China Railway 12306, Quốc vụ viện Trung Quốc và các nền tảng chính quyền địa phương.
Ông Chen cảnh báo rằng một khi ID kỹ thuật số trở thành bắt buộc trên mọi nền tảng, thì, “một ngày nào đó bạn thấy mình nằm trong ‘danh sách đen’ của ĐCSTQ, chế độ này sẽ không cần phải cử cảnh sát đến bắt bạn nữa”.
“Tất cả những gì [chế độ] phải làm là ngồi vào bàn và lăn chuột để chặn danh tính kỹ thuật số của bạn, trên thực tế là tước bỏ mọi quyền tự do và quyền xã hội của bạn”.
“Bạn không thể làm việc, mua sắm, sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc gặp bác sĩ… ngay cả khi bạn còn sống, trong thời đại thông tin này, bạn cũng chẳng khác gì đã chết.”
Trong khi đó, ông Sun chỉ ra rằng các ứng dụng và nền tảng của Trung Quốc, chẳng hạn như WeChat, QQ và Alipay, đều sử dụng hệ thống tên thật và phải truyền dữ liệu trở lại cho Bắc Kinh, theo luật an ninh của chế độ này.
“Nếu người Hoa ở nước ngoài vẫn sử dụng các nền tảng này, thì hiển nhiên tin nhắn, vị trí địa lý và thông tin liên lạc của họ có thể bị chính quyền theo dõi”, ông Sun cảnh báo.
Trên phạm vi toàn cầu, ông tuyên bố rằng thông qua các công ty Trung Quốc như nhà cung cấp dịch vụ đám mây và nhà cung cấp thiết bị truyền thông, ĐCSTQ có thể tiếp cận thị trường của các quốc gia khác và bí mật lấy dữ liệu của họ.
Ông Sun cũng cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc có thể xuất khẩu chế độ chuyên chế kỹ thuật số của mình sang các nước đang phát triển như một “mô hình quản trị thành công”, bao gồm việc sử dụng công nghệ làm giả dữ liệu và kiểm soát xã hội.
Đàn áp xuyên quốc gia
Ông Chen rời Trung Quốc sang Hoa Kỳ vào năm 2023 và gia nhập chi nhánh hải ngoại của Đảng Dân chủ Trung Quốc, được thành lập tại Trung Quốc năm 1998 với mục tiêu thúc đẩy dân chủ, nhưng đã bị Bắc Kinh cấm hoạt động. Ông tham gia sản xuất các video chống ĐCSTQ.
Năm 2025, Chen cho biết gia đình ông ở Trung Quốc, cùng với gia đình của ba đồng nghiệp làm việc cùng anh trong quá trình sản xuất video, đã phải đối mặt với những lời đe dọa từ cảnh sát Trung Quốc để yêu cầu gây sức ép buộc họ phải ngừng tạo ra các tài liệu này.
“Tôi thà chết trên đường vì tự do còn hơn sống trong dối trá và sợ hãi”, ông nói. “Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”.
Sun cho biết ĐCSTQ kết hợp dữ liệu với các mối đe dọa trong hoạt động đàn áp xuyên quốc gia của mình.
Ông nói: “Đảng sử dụng dữ liệu để thu thập thông tin về người thân, tài sản và các mối quan hệ xã hội của những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài bị nhắm mục tiêu, sau đó sử dụng thông tin này để đe dọa họ”.
Ông nói thêm rằng Bắc Kinh cũng sử dụng thao túng dư luận trên quy mô lớn để lan truyền tin đồn, làm mất uy tín của những người bất đồng chính kiến hoặc bắt nạt họ trên mạng thông qua những kẻ phá rối trực tuyến và tài khoản robot.
Các cuộc biểu tình trước Hiệp hội Trường Lệ Hoa Kỳ, một đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc hiện đã đóng cửa, nêu bật sự đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh, tại Thành phố New York vào ngày 25 tháng 2 năm 2023. Samira Bouaou/The Epoch Times
Chính quyền Trung Quốc thu thập dữ liệu người dùng ở nước ngoài và thông tin cá nhân, “bao gồm dữ liệu sinh trắc học, hoạt động trên mạng xã hội và hồ sơ liên lạc, thông qua các công ty công nghệ do họ kiểm soát là TikTok và WeChat, để theo dõi những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài và các nhóm dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng [và] các học viên Pháp Luân Công”, ông Hu Decheng, cựu tổng giám đốc của một công ty truyền thông ở tỉnh Hắc Long Giang, gần đây đã nói với phiên bản tiếng Trung của tờ The Epoch Times.
ĐCSTQ “vẫn là thủ phạm tích cực nhất trong việc đàn áp xuyên quốc gia trong suốt thập kỷ qua”, theo dữ liệu mới nhất do Freedom House, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Washington, công bố.
Năm 2022, nhóm nhân quyền Safeguard Defenders tiết lộ rằng các đồn cảnh sát mật có liên hệ với ĐCSTQ đã được thành lập ở phương Tây, bao gồm cả ở Thành phố New York, để thực hiện đàn áp xuyên quốc gia đối với những người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động nhân quyền, các nhóm tôn giáo thiểu số và các học viên Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần khuyến khích người tập thực hành theo các nguyên lý cốt lõi Chân – Thiện – Nhẫn. Môn tu luyện này được giới thiệu ra công chúng lần đầu tiên vào năm 1992; sự phổ biến của nó đã tăng lên theo cấp số nhân, sau khi những lợi ích về sức khỏe và tinh thần được người tập lan truyền rộng rãi. Ước tính chính thức cho thấy đến năm 1999, môn tu luyện đã thu hút ít nhất 70 triệu người tại Trung Quốc tham gia thực hành hằng ngày.
Lo sợ rằng sự phổ biến của Pháp Luân Công sẽ gây ra mối đe dọa cho sự cai trị của ĐCSTQ, chế độ Bắc Kinh và người nắm quyền trong Đảng khi ấy là Giang Trạch Dân, đã quyết phát động một chiến dịch tàn bạo, đẫm máu và phi pháp nhằm xóa bỏ môn tu luyện này vào tháng 7 năm 1999.
Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động cưỡng bức, trung tâm tẩy não và các cơ sở khác, với hàng trăm nghìn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ, trong khi những người khác bị giết để lấy nội tạng, theo Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ tiếp tục tìm cách gây áp lực ngoại giao nhằm phá hoại Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun – một công ty có trụ sở tại New York do các học viên Pháp Luân Công thành lập, trình diễn những hình ảnh huy hoàng của văn minh Trung Hoa 5000 năm, là “Trung Quốc trước thời cộng sản”. Bắc Kinh đã gây áp lực buộc các nhà hát và quan chức địa phương trên toàn thế giới hủy bỏ các hợp đồng đã ký kết và các buổi diễn đã lên lịch. Theo báo cáo năm 2024 của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã có hơn 130 vụ việc được ghi nhận về sự can thiệp của các quan chức Trung Quốc hoặc người đại diện của họ nhắm vào các buổi biểu diễn Shen Yun tại 38 quốc gia.
Chiều ngày 17/7/2025, Trung tâm Dịch vụ Thoái Đảng Toàn cầu đã tổ chức một diễn đàn tại Đồi Capitol để tẩy chay sự đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ. Hình ảnh cho thấy các chính trị gia và người dân Trung Quốc đã công khai thoái xuất khỏi ĐCSTQ. (Samira Bouaou/ The Epoch Times)
Ông Hu Decheng cho biết các phương pháp kỹ thuật số mà Bắc Kinh sử dụng bao gồm các cuộc tấn công mạng vào những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài, phát tán thông tin sai lệch, cũng như đe dọa và kiểm duyệt thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Trong hoạt động đàn áp xuyên quốc gia, ông nói, “ĐCSTQ kết hợp các công nghệ dữ liệu và mạng tiên tiến để hình thành một mạng lưới giám sát và đàn áp toàn cầu phức tạp và hiệu quả.”
Cheng Mulan, Chang Chun và Luo Ya đã đóng góp cho báo cáo này/The Epoch Times
Từ khóa Pháp Luân Công Recommend đàn áp xuyên quốc gia
