Hoa Kỳ ghi nhận mỗi ngày có thêm 54 ca tử vong trẻ em so với mức thông thường. Điều này có liên quan đến béo phì, các bệnh mạn tính và vấn đề sức khỏe tâm thần ngày một gia tăng.

dien thoai thong minh 2
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trẻ em Hoa Kỳ đang tử vong với tỷ lệ cao vượt trội so với các quốc gia phát triển khác, với một nghiên cứu mới cho thấy trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) ở Hoa Kỳ có khả năng tử vong trước sinh nhật đầu tiên cao hơn khoảng 80%, và trẻ em nói chung có tỷ lệ tử vong cao hơn 80% so với bạn đồng lứa tại 18 quốc gia phát triển khác.

Các phát hiện, được công bố trong JAMA Original Investigation, đã vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về tình trạng sức khỏe nhi khoa tại Hoa Kỳ, đồng thời cũng là một cảnh báo cho Việt Nam hiện nay.

Khủng hoảng sức khoẻ trên nhiều mặt

Một nghiên cứu theo dõi xu hướng sức khỏe từ năm 2007 đến 2023 cho thấy: Mỗi ngày, Hoa Kỳ có thêm trung bình 54 ca tử vong trẻ em so với ngưỡng thông thường nếu nước này có tỷ lệ tử vong như các quốc gia giàu có khác.

Đối với trẻ nhũ nhi, sinh non và hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi là những yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn. Trong nhóm trẻ từ 1 đến 19 tuổi, tử vong do thương tích từ súng đạn và tai nạn giao thông vượt xa các quốc gia phát triển khác, với súng đạn hiện là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với trẻ em Hoa Kỳ. Trong suốt 16 năm, mức tử vong hằng ngày này vẫn duy trì ổn định, cho thấy cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vượt xa vấn đề tử vong. Nghiên cứu đã phát hiện sức khỏe trẻ em Hoa Kỳ suy giảm trên mọi phương diện.

Bệnh mạn tính gia tăng mạnh: So với năm 2011, tỷ lệ mắc bệnh mạn tính của trẻ năm 2023 cao hơn từ 15-20%. Tỷ lệ trẻ em từ 3 đến 17 tuổi có ít nhất một bệnh mạn tính đã tăng từ khoảng 26% lên 46%.

  • Béo phì: Ngày nay, 1 trong 5 trẻ em Hoa Kỳ bị béo phì.
  • Dậy thì sớm: 1 trong 7 bé gái hành kinh trước tuổi 12 – dấu hiệu cho thấy sự rối loạn trong quá trình phát triển sinh lý.
  • Triệu chứng về thể chất: Tỷ lệ trẻ từ 5 đến 17 tuổi gặp ít nhất một triệu chứng thể chất: như ngủ kém, đau mạn tính, hoặc hạn chế vận động, đã tăng từ 20% lên 30%.
  • Sức khỏe tâm thần: Suy giảm nghiêm trọng, gần 40% học sinh trung học phổ thông vào năm 2023 báo cáo có cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng kéo dài.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng

Không giống như các nghiên cứu trước đây tập trung vào từng vấn đề sức khỏe riêng lẻ, cách tiếp cận toàn diện của nghiên cứu này đã chỉ ra nhiều yếu tố đang cùng hội tụ để tạo ra một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe nhi khoa.

Dù chi tiêu gần gấp đôi các quốc gia thu nhập cao khác cho y tế, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chứng kiến các kết quả sức khỏe tồi tệ hơn. Bài xã luận đi kèm nghiên cứu lưu ý rằng người Mỹ từ lâu đã có sức khỏe kém hơn so với các nước giàu, và mặc dù điều này trước đây chủ yếu xuất hiện ở người lớn, thì nay đã lan sang dân số trẻ em. Tương tự, những nguyên nhân gây nên vấn đề sức khỏe người lớn cũng đang dần ảnh hưởng đến trẻ em.

Tỷ lệ sinh non cao lịch sử do mẹ bị bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, sử dụng rượu và chất gây nghiện.

Mỗi năm, tại Hoa Kỳ, cứ 10 đến 20 phụ nữ mang thai thì có 1 người mắc đái tháo đường thai kỳ. Tỷ lệ này tại Mỹ và Canada cao hơn so với châu Âu, tùy thuộc vào phương pháp tầm soát được sử dụng. Hoa Kỳ cũng là quốc gia có gánh nặng bệnh mạn tính cao nhất và tỷ lệ béo phì gần gấp đôi mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

93% người trưởng thành Hoa Kỳ không có sức khỏe chuyển hóa tốt, phản ánh tình trạng bệnh mạn tính lan rộng và sức khỏe chuyển hóa kém.

Việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội ngày càng tăng đã gây rối loạn mô hình giấc ngủ và làm giảm hoạt động thể chất, tạo ra một hiệu ứng dây chuyền dẫn đến cô đơn, trầm cảm và béo phì.

Ngoài ra, Hoa Kỳ nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ nghèo trẻ em và bất bình đẳng thu nhập cao nhất trong OECD, nghèo đói khiến các gia đình phải dựa vào những thực phẩm rẻ, giàu năng lượng nhưng ít chất dinh dưỡng – thứ gây béo phì – và sử dụng những chiếc xe cũ kỹ làm tăng nguy cơ tai nạn.

Trẻ em ở Việt Nam thì sao?

Tại Việt Nam, các vấn đề sức khỏe nổi lên ở trẻ em hiện nay cũng có sự tương đồng nhất định với Hoa Kỳ, đặc biệt là ở nhiều thành phố lớn. Nguyên nhân chính là do sự gia tăng tiêu thụ thực phẩm công nghiệp, đồ ăn chế biến sẵn, hóa chất độc hại cùng với tác động của internet và áp lực từ gia đình cũng như xã hội.

  • Các bệnh rối loạn chuyển hóa (béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp): Số liệu năm 2023 cho thấy gần một nửa học sinh ở Hà Nội thừa cân, béo phì. Trong số những trẻ béo phì, có tới 35-50% bị rối loạn mỡ máu. Các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ mắc tiểu đườngtăng huyết áp ở trẻ cũng đang có xu hướng gia tăng.
  • Dậy thì sớm: Thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, hiện nay số lượng trẻ dậy thì sớm cao gấp 35 lần so với cách đây 10 năm.
  • Sức khỏe tâm thần: theo báo cáo của UNICEF năm 2023, tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung là khoảng 12% đến 40%.
  • Thời lượng màn hình điện tử: Số liệu mới nhất của Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&Xh, hiện nay có tới 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet mỗi ngày, 5-7 tiếng/ngày.

Những căn bệnh hiện đại của người lớn như béo phì, trầm cảm v.v dường như đang dần lan sang trẻ em, và thực trạng của Hoa Kỳ hiện nay sẽ sớm là tương lai của cả thế giới nếu chúng ta không sớm tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.

Đại Hải (t/h)