Nhịp sống Kinh tế Việt Nam tuần 36 (29/8-4/9/2016)
- Tâm Như
- •
CPI tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng đã giảm dần. Sản xuất, tiêu dùng tăng chậm lại, khu vực doanh nghiệp bộc lộ nhiều khó khăn. Trên thị trường, dư cung thép khiến Việt Nam áp dụng chính sách chống bán phá giá; vụ phá sản của hãng tầu lớn thứ 7 thế giới cảnh báo thực trạng kinh tế toàn cầu ngày một trầm lắng. Khu vực ngân hàng khá ổn định, thanh khoản dồi dào; thị trường chứng khoán tăng cao, khối ngoại chốt lời liên tục bán ròng.
Kinh tế vĩ mô
CPI tiếp tục xu hướng tăng nhưng mức độ tăng đã giảm dần. Tháng 8/2016, CPI tăng 0,1% so với tháng 7/2016 và 2,57% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhóm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục (tháng 8 lần lượt tăng 8,12% và 0,5% so với tháng 7).
Tính chung 8 tháng, sản xuất tăng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ 2015. Sản xuất công nghiệp tăng 6,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 9,8%; chủ yếu do ngành khai khoáng vẫn tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn cùng kỳ.
Tiêu dùng giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước tính đạt 292,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) ước tăng 7,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 9,2%.
Cán cân thương mại thâm hụt, khối FDI chiếm 70.01% giá trị kim ngạch xuất khẩu và 59% giá trị kim ngạch nhập khẩu; kim ngạch xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 15 tỷ USD.
Khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiêp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động tăng mạnh trong tháng 8 (tăng 27% so với cùng kỳ 2015 và tăng 13% so với tháng trước). Tính chung 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp phải giải thể, phá sản và ngừng hoạt động tăng 20% so với cùng kỳ 2015 và là mức cao nhất kể từ năm 2013. Số lượng doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động và sản xuất kinh doanh vẫn tăng cao là đáng quan ngại, ảnh hưởng tới thu nhập, tiêu dùng và ổn định xã hội. Trong khi số lượng các doanh nghiệp mới thành lập cao cũng là dấu hiệu khả quan, tuy nhiên, các doanh nghiệp mới phải mất 3 – 5 để khẳng định sự tồn tại của mình trên thị trường.
(Nguồn Tổng cục thống kê)
Tin thị trường
Áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời sản phẩm thép mạ nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Trước thực trạng dư cung thép, đặc biệt từ Trung Quốc và Hàn Quốc, để bảo vệ sản xuất trong nước và cạnh tranh lành mạnh, Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 3584/QĐ-BCT ngày 1/9/2016 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, mức thuế chống phá giá là 38,34% đối với thép mạ nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, 19% đối với tháp mạ nhập khầu xuất xứ từ Hàn Quốc.
Hãng tàu biển Hanjin đệ đơn phá sản, thương mại toàn cầu giảm sút do tăng trưởng trì trệ là nguyên nhân chính khiến ngành vận tải biển khó khăn. Văn phòng đại diện của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã chính thức có thông báo về việc dừng không nhận hàng hóa mới kể từ ngày 31.8. Việc đệ đơn phá sản của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) đã, đang và sẽ có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Tin ngân hàng
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu. Thanh khoản ngân hàng dồi dào, đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Trong tuần cuối tháng 8, lãi suất liên ngân hàng VND tiếp tục giảm. So với thời điểm đầu tháng 8, lãi suất bình quân kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tháng đã giảm từ 0,9 – 0,97 điểm phần trăm, trong khi các kỳ hạn dài hơn mức độ giảm thấp hơn. Lãi suất qua đêm theo đó chỉ còn quanh 0,66%/năm, kỳ hạn 1 tuần quanh 0,72%/năm, 1 tháng 1,88%/năm…
Liên tiếp cảnh báo cho vay BOT, BT giao thông. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 6395/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Đây là lần cảnh báo thứ ba liên tiếp trong khoảng một năm trở lại đây, trong yêu cầu giám sát và cảnh báo từ xa để đảm bảo an toàn tín dụng.
BIDV thay đổi nhân sự cấp cao. Kể từ ngày 1/9/2016, ông Trần Bắc Hà chính thức về hưu. Ông Trần Anh Tuấn được bầu phụ trách điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị thay ông Trần Bắc Hà từ 1/9/2016.
Tin chứng khoán
VN Index trong tháng 8 tăng mạnh. Khối ngoại liên tục bán ròng. Chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 ở tăng mạnh ở mức 674,63 điểm (+3.4% so với cuối tháng 7). Điểm đáng chú ý trong giao dịch của khối ngoại trên HOSE trong tháng 8 là họ bán ròng rất mạnh, đặc biệt các cổ phiếu bluechips như VIC, VNM, MSN, VCB…. Sang quý III.2016, FTSE sẽ trong kỳ điều chỉnh danh mục quý III/2016, theo đó thêm VNM và HSG và loại TTF khỏi danh mục.
(Nguồn CafeF)
Công bố lộ trình thoái vốn nhà nước tại Habeco, Sabeco và Vinamilk. Chiều 29/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo về chủ trương tiếp tục bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn trong đó có TCT Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco), TCT Bia-Rượu Nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco), Vinamilk. Thủ tướng yêu cầu việc bán cổ phần phải thực hiện theo các thông lệ thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn tối đa tài sản Nhà nước. Habeco và Sabeco phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước. Tổ chức đấu giá cạnh tranh, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia. Bộ Công thương cho biết, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 82% vốn đang nắm giữ tại Habeco, tương đương 9000 tỷ. Riêng Sabeco sẽ chia thành 2 đợt: Đợt 1 thoái 53.59% vốn điều lệ. Đợt 2 thoái tiếp 36% còn lại sau khi Sabeco đã niêm yết trên sản chứng khoán.
(Nguồn Chính phủ)
HNX tăng cường giám sát các công ty đại chúng tại UPCOM. Các doanh nghiệp (100% vốn Nhà nước hoặc do các tập đoàn kinh tế Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hoá phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp, theo quy định tại văn bản số 1532/TTg- ĐMDN về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn ngày 30/8/2016.
(Nguồn HNX)
Nguyên Hương – Tâm Như
Xem thêm:
Từ khóa Kinh tế thị trương ngân hàng