Nobel Kinh tế 2017: Vì sao chúng ta thường ra quyết định dở tệ?
- Hùng Cường
- •
Giáo sư kinh tế học người Mỹ Richard Thaler, một trong những nhà sáng lập lý thuyết kinh tế học hành vi, đã được vinh danh giải Nobel Kinh tế năm nay.
Đồng nghiệp tại Trường kinh doanh Chicago Booth chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Thaler khi ông được vinh danh giải Nobel Kinh tế 2017.
Giáo sư Thaler, trường kinh doanh Chicago Booth, đồng tác giả cuốn sách bán chạy nhất toàn cầu “Nudge” (Cú Hích), nhìn nhận cách mọi người đưa ra những lựa chọn mua sắm tồi tệ hoặc không hợp lý.
Trong thông báo công bố giải Nobel Kinh tế 2017 hôm thứ Hai (9/10), Ủy ban Nobel nói rằng ông Richard Thaler đã chứng minh làm thế nào “nudging” (thúc) – một thuật ngữ mà ông đặt ra – có thể giúp mọi người thực hiện kiểm soát hành vi tốt hơn.
Với giải thưởng này, Giáo sư Thaler sẽ nhận được số tiền thưởng 9 triệu krona Thụy Điển (tương đương khoảng 1 triệu USD).
Vị giáo sư kinh tế học 72 tuổi khi biết tin đoạt giải, đã nói đùa rằng: “Tôi sẽ cố gắng chi tiêu số tiền đó càng vô lý càng tốt!”
Lý thuyết “Nudging” là gì?
“Nudging” (thúc đẩy hay cú hích) là một thuật ngữ trong kinh tế học hành vi do Giáo sư Richard Thaler đặt ra.
Giáo sư Thaler nhận thức sâu sắc rằng chúng ta không phải là những con người lý tính bị chi phối bởi các lý thuyết kinh tế truyền thống.
Với hai lựa chọn, chúng ta có thể lựa chọn điều sai ngay cả khi điều đó sẽ làm cho bản thân bị thiệt hại hơn.
Các lựa chọn tồi tệ được đưa ra là do chúng ta thiếu thời gian suy nghĩ, hành động theo thói quen và quyết định kém. Có nghĩa là ngay cả khi đã được trình bày với một phân tích thực tế (ví dụ như ăn uống lành mạnh), chúng ta có thể vẫn chọn mua bánh mì kẹp và khoai tây chiên.
Vì chúng ta đang đói, chúng ta đang vội vàng nên bánh mì kẹp và khoai tây chiên là những gì chúng ta luôn luôn mua, theo lý thuyết Cú Hích.
Lý thuyết Cú Hích của Giáo sư Thaler xét đến hành vi này dựa trên tiền đề đơn giản rằng con người thường lựa chọn những gì dễ dàng nhất đối với họ, chứ không phải lựa chọn thông minh nhất.
Đã có nhiều thử nghiệm được tiến hành chỉ ra rằng những thực phẩm tốt cho sức khỏe để trên các giá cao sẽ bán được nhiều hơn.
Những thực phẩm tốt cho sức khỏe được để trên cao có nhiều cơ hội nằm trong tầm mắt của người mua hàng và do đó “thúc đẩy” mọi người chọn mua chúng mà không quan trọng rằng trước đó họ có bất kỳ ý định nào về giảm nguy cơ béo phì hay không.
BBC cho biết lý thuyết của Giáo sư Thaler đã khiến nước Anh thành lập “đơn vị nudge” dưới thời cựu Thủ tướng David Cameron. Cơ quan này được lập vào năm 2010 nhằm tìm ra những cách thức sáng tạo để thay đổi hành vi công chúng và đã đặt văn phòng tại Anh, New York, Singapore và Sydney.
Một trong những thành viên Ban hội thẩm giải Nobel, ông Per Stroemberg đã nói rằng lý thuyết của Giáo sư Thaler đã khám phá ra cách thức mà tâm lý con người định hình những quyết định kinh tế.
“Các phát hiện của ông Richard Thaler đã thu hút rất nhiều các nhà nghiên cứu khác bước vào nghiên cứu lĩnh vực của ông và điều đó đã mở đường cho một lĩnh vực mới trong kinh tế mà chúng ta gọi là kinh tế học hành vi”, Ông Stroemberg cho biết.
Ban hội thẩm giải Nobel nói rằng những hiểu biết của Giáo sư Thaler đã giúp mọi người nhận ra các thủ đoạn marketing và tránh được những quyết định kinh tế tồi tệ.
Đặc biệt, công trình của ông cũng “thúc đẩy” giúp mọi người thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn hơn, chẳng hạn như tiết kiệm lương hưu thay vì mua sắm thả phanh.
Hùng Cường
Xem thêm:
Từ khóa Giải Nobel Nobel Kinh tế Richard Thaler