Nobel Hòa Bình 2017: Vinh danh nhóm vận động xóa bỏ vũ khí hạt nhân
- Hùng Cường
- •
Ủy ban Nobel sáng thứ Sáu 6/10 (giờ địa phương) từ thủ đô Oslo, Na Uy đã phát đi thông báo giải thưởng Nobel Hoa Bình thuộc về Chiến dịch Quốc tế Loại bỏ Vũ khí Hạt Nhân (ICAN).
Chủ tịch Ủy ban Nobel Berit Reiss-Andersen công bố vinh danh nhóm ICAN giải Nobel Hòa Bình 2017
Theo BBC, Chủ tịch Ủy ban Nobel Berit Reiss-Andersen là người công bố chủ nhân của giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay. Bà Andersen nói rằng nhóm ICAN được vinh danh là vì “nỗ lực làm việc để thu hút sự chú ý của [cộng đồng quốc tế] tới những hậu quả thảm khốc của bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào và những nỗ lực đột phá của nhóm để đạt được một lệnh cấm vũ khí như vậy theo hình thức hiệp định”.
ICAN là liên minh của hàng trăm Tổ chức Phi chính phủ (NGO), đã hoạt động được 10 năm, có trụ sở chính ở Geneva, Thụy Sĩ.
BBC cho biết vào tháng 7 vừa qua, chính nhờ áp lực từ ICAN, 122 quốc gia đã thông qua một hiệp định của LHQ nhằm ngăn cấm và cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đáng tiếc là không có nước nào trong 9 nước được biết đến là các cường quốc hạt nhân thế giới, trong đó có Anh và Mỹ, tham gia ký kết vào hiệp định này.
Ủy ban Nobel nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi nguy cơ vũ khí hạt nhân bị sử dụng lớn hơn nhiều những gì diễn ra trước đây. Một số quốc gia đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ và có một mối nguy cơ hiện hữu là nhiều nước hơn sẽ cố gắng sản xuất vũ khí hạt nhân vì học theo Bắc Hàn”.
Trong tuyên bố vinh danh ICAN, Bà Chủ tịch Berit Reiss-Andersen nói thêm rằng: “Vũ khí hạt nhân là mối đe dọa liên tục đối với nhân loại và mọi sự sống trên trái đất. Thông qua các hiệp định quốc tế ràng buộc, cộng đồng quốc tế trước đây đã phê duyệt các điều khoản cấm phổ biến vũ khí [hủy diệt hàng loạt] như mìn, bom, đạn chùm và vũ khí sinh học và hóa học. Vũ khí hạt nhân thậm chí còn có tính hủy diệt hơn, nhưng lại chưa trở thành đối tượng của một quy định cấm quốc tế tương tự”.
Các lãnh đạo nhóm ICAN vui mừng trước thông tin họ được vinh danh giải Nobel Hòa Bình 2017
Tờ CBS News, dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Walsstrom, nói rằng việc trao giải Nobel Hòa Bình cho nhóm ICAN là “xứng đáng và đúng thời điểm”. Bà Walsstrom cho biết tổ chức này đã làm việc chăm chỉ từ năm 2007 và “chúng ta biết tình hình thế giới đang trầm trọng đến thế nào”.
Trả lời câu hỏi của các nhà báo rằng liệu giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay có mang tính biểu tượng hay không khi vẫn chưa đạt được bất kỳ biện pháp quốc tế cụ thể nào chống lại vũ khí hạt nhân, bà Reiss-Andersen nói rằng: “Bị động mới chính là điều sẽ không có tác dụng”.
Giá trị giải thưởng cho giải Nobel Hòa Bình là 9 triệu krona, tương đương 1 triệu USD (khoảng 22,8 tỉ đồng Việt Nam). Lễ trao giải Nobel 2017 sẽ diễn ra vào ngày 9/12 tới, tại Thủ đô Stockholm – Thụy Điển.
Cách thức xét giải Nobel Hòa Bình
Những người đề cử đủ điều kiện từ khắp nơi trên thế giới có thể đề cử ứng viên lên Ủy ban Nobel đến ngày 1 tháng 2 của năm xét giải thưởng, trong khi các thành viên của Ủy ban Nobel có nhiều thời gian đề cử hơn.
Tất cả các đề cử được Ủy ban Nobel xem xét – có 5 thành viên do Quốc hội Na Uy chọn – trước khi lựa chọn một danh sách rút gọn còn 20 đến 30 ứng viên.
Một nhóm các cố vấn của Na Uy và quốc tế sẽ viết các báo cáo cá nhân về các ứng cử viên trong danh sách rút gọn. Bằng việc xem xét những báo cáo này và các báo cáo khác, Ủy ban Nobel sẽ tiếp tục thu hẹp phạm vi lựa chọn xuống một số ít hơn.
Quyết định được đưa ra trong cuộc họp cuối cùng của Ủy ban Nobel, thường là cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, trước khi giải thưởng được công bố.
Nếu không thể đạt được một quyết định nhất trí hoàn toàn. Quyết định cuối cùng được đưa ra thông qua bỏ phiếu theo nguyên tắc đa số đơn giản.
Sau khi thông báo vinh danh cá nhân hoặc tổ chức, lễ trao giải diễn ra vào ngày 10/12 – ngày mà ông Alfred Nobel qua đời.
Hùng Cường (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Giải Nobel Nobel Hoà Bình